Cà phê phố Hà thành

Bài và ảnh: Đinh Văn Luyện
Chia sẻ

Hà Nội không phải là thủ phủ cà phê. Điều này là hẳn nhiên. Thế nhưng, người Hà thành vốn tinh tế trong thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đã nâng việc thưởng thức cà phê lên thành nghệ thuật. Sẽ thực thiếu nếu ai bất chợt ghé Hà Nội mà lỡ “quên” ngồi bên ly cà phê và thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của nhịp đời, nhịp người.

Bén duyên với người phố

Có người từng nói, Hà Nội đẹp nhất là vào mùa thu. Tôi không biết điều đó có đúng với tất cả mọi người hay không, nhưng đối với tôi, mỗi mùa của Hà Nội lại có một vẻ đẹp rất riêng, rất đặc biệt. Và dĩ nhiên, để cảm nhận được vẻ đẹp sâu lắng ấy thì cần thứ xúc tác đó là cà phê.

Cũng thực lạ, cà phê ở nước ta được trồng chủ yếu ở các tỉnh như Gia Lai, Lâm Đồng và nổi tiếng nhất là cà phê Buôn Ma Thuột. Ấy nhưng, dường như cà phê lại “bén duyên” với mảnh đất kinh kỳ khi không ít người đam mê, thưởng thức nó mỗi ngày.

Cà phê phố Hà thành - 1

Người Hà Nội gặp nhau, hàn huyên tâm sự bên ly cà phê.

Lần tìm lại những vết tích của lịch sử thì thấy, cà phê du nhập vào Việt Nam từ thời kỳ Pháp thuộc. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa, văn hóa và cả những sự mới mẻ từ cả nước. Bởi vậy, ngay từ sớm, những quán cà phê nơi phố Tràng Tiền và Hàng Khay đã ra đời. Thanh niên, công chức, viên chức người Việt làm ở Sở Tây... có lẽ là những khách hàng tiếp nhận cà phê sớm hơn cả. Thay vì ngồi quanh ấm trà mạn và ngẩn ngơ trong khói thuốc lào, giờ đây họ chuyển sang nhâm nhi cà phê và giao lưu, bàn luận công việc.

Sau năm 1954, khi Hà Nội bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, văn hóa thì những quán cà phê sang trọng dần vắng bóng. Thời kỳ bao cấp, cà phê trở nên khan hiếm và việc thưởng thức một ly cà phê đúng nghĩa đã trở thành một điều xa xỉ. Mãi đến khi đất nước mở cửa, kinh tế và đời sống người dân được nâng cao, những quán cà phê lại có dịp để phát triển trở lại.

Với những người yêu thích cà phê, nói về cà phê Hà Nội là phải nhắc tới những cái tên như Đinh - Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng. Về phát tích có thể điểm qua một số nét của những thương hiệu cà phê này, trong đó dường như mỗi nơi lại có sản phẩm mang nét đặc trưng riêng. Chẳng hạn, cửa hiệu cà phê Giảng đầu tiên nằm ở phố Cầu Gỗ, tới năm 1969, cà phê Giảng chuyển về Hàng Gai. Ngày nay, quán nằm trên đường Nguyễn Hữu Huân và nổi tiếng với món cà phê trứng. Giống như vậy, cà phê Nhĩ, nằm trên phố Hàng Cá lại có vị nặng và đậm. Điểm riêng khác của thương hiệu này chính là cà phê được pha sẵn trong ấm sứ. Cà phê trước khi mang ra phục vụ khách thì được đánh bọt bung lên bằng cây đánh trứng. Cách pha chế mới lạ này nếu thêm chút đá sẽ tạo nên hương vị vô cùng đặc biệt. Ngày nay, nhiều quán hàng đã áp dụng cách đánh bọt này để tăng vị và tăng tính thẩm mĩ cho ly cà phê.

Cà phê phố Hà thành - 2

Thưởng cà phê và ngẫm chuyện đời

Hiện nay, khi Thủ đô hội nhập, khách du lịch nô nức tìm về Hà Nội du lịch thì các hàng quán cà phê cũng phát triển rộng khắp. Không khó để tìm được một quán cà phê trên các con phố dọc ngang của Hà Nội. Và nếu đến với phố cổ, có lẽ chỉ cách dăm nhà là thực khách lại thấy một quán. Có khi quán nhỏ xinh nằm len lỏi trên gác nhỏ, cũng có khi lại bề thế, trải rộng khắp cả một tòa nhà.

Theo kinh nghiệm của một số chủ quán cà phê thì ở Việt Nam, nguyên liệu làm nên thức uống này nôm na có thể chia làm 3 loại là mít, chè, vối. Mỗi loại có một hương vị riêng. Chẳng hạn, loại cà phê chè là sự thanh tao nhẹ nhàng kết hợp với vị ngọt trái cây; cà phê vối lại thoáng vị đắng quyện cùng hương gỗ cuối vòm miệng; riêng cà phê mít lại có mùi thơm thoang thoảng như của mít quyện với vị chua của quả cherry.

Để chế biến, người ta rang cà phê trong chảo ở một độ nóng vừa phải, thỉnh thoảng lại vẩy một chút mỡ gà sao cho hạt cà phê chín đều từ ngoài vào trong, không cháy, không non quá. Rang xong, cà phê được xay nhỏ, lọc qua rây cho bột thật mịn. Dĩ nhiên, để được một thứ cà phê thơm ngon, các nhà hàng pha trộn các loại cà phê theo một tỉ lệ nhất định - tỉ lệ này và kỹ thuật rang xay được coi là bí quyết nhà nghề và chẳng dễ gì được truyền ra ngoài. Bởi thế mới có chuyện, có nhà dù rang ra sao thì mùi hương của hạt cà phê cũng chẳng thể tỏa ra. Trái lại, có cửa hàng, dù mới đưa hạt cà phê qua lửa, khách hàng chỉ đi phớt qua thì cũng đã ngửi thấy mùi cà phê thơm lừng cả dãy phố.

Cà phê phố Hà thành - 3

Hà Nội là một trong những vùng đất còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, cổ xưa. Và những quán cà phê mang dấu ấn của thời gian dường như cũng là chất xúc tác lý tưởng cho việc khơi gợi những hoài niệm. Cứ tưởng tượng, với buổi sáng chớm thu, cùng bạn bè dạo chơi trên những con phố cổ, ghé vào một quán cà phê nhỏ, nhâm nhi ly cà phê nóng, trò chuyện vui vẻ và nhìn xa xăm tháp Rùa cổ kính… Chừng ấy thôi cũng đủ để thấy được thu về và Hà Nội như chậm lại.

Bên những không gian ấy, thứ xúc tác diệu kỳ ấy dường như giúp người uống sẽ cảm nhận được từng giọt cà phê - từng giọt cuộc đời trong sự suy tư. Hà Nội sẽ đẹp biết bao bởi tình đời, tình người. Đẹp biết bao bởi sự điểm xuyến của những gánh hàng rong, những quán cóc ven đường. Tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng xe cộ hòa quyện vào nhau, tạo nên một bản hòa ca phố phường đầy sức sống.

Tôi tình cờ thưởng thức một ly cà phê ở một quán nhỏ mới mở nơi quận Đống Đa, trong dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Ly cà phê được trang trí với hình ảnh Khuê Văn Các, biểu tượng của trí tuệ và niềm tự hào người dân Hà Nội, chi tiết nhỏ này mang đến cho tôi và tất thảy khách hàng cảm giác như đang sống lại không khí lịch sử hào hùng của mảnh đất Thăng Long.

Chợt nhớ, Hà Nội hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo, trong đó có sự xuất hiện liên tục của những tổ hợp vui chơi, giải trí bên trong các nhà máy, xí nghiệp cũ ở nội thành Hà Nội. Hà Nội cũng là thành viên tích cực tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, nơi phố nhỏ nếu có những những quán cà phê có không gian mở rộng với tầm nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, mỗi quán mang một phong cách riêng biệt… tất thảy những không gian ấy có lẽ là chất “xúc tác” giúp khách hàng thư giãn và tạo cảm hứng sáng tạo cho những người trải nghiệm.

Và có lẽ, việc phát triển các không gian văn hóa, sáng tạo trên nền tảng của các quán cà phê xưa cũ hoàn toàn có thể triển khai và thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân; giúp bảo đảm hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa các bên qua đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Chia sẻ

Bài và ảnh: Đinh Văn Luyện

Tin cùng chuyên mục

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.

Những người lính lặng thầm đi tìm hài cốt đồng đội cũ

Những người lính lặng thầm đi tìm hài cốt đồng đội cũ

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người cựu chiến binh may mắn sống sót trở về vẫn luôn canh cánh nỗi lòng, ước nguyện đi tìm đồng đội đã gửi xương máu lại chiến trường. Suốt phần đời còn lại, họ dành thời gian, công sức, tiền bạc để tìm về chiến trường xưa, mong có thể đưa những đồng đội cũ về quê hương đất mẹ yêu dấu…

Gisèle Pélicot - Biểu tượng nữ quyền của Pháp

Gisèle Pélicot - Biểu tượng nữ quyền của Pháp

Từng là nạn nhân của một vụ bạo lực tình dục kinh hoàng, bà Gisèle Pélicot - 72 tuổi đã trở thành biểu tượng nữ quyền của Pháp. Cuộc chiến đấu của bà, từ bỏ quyền ẩn danh để đứng trước công lý không chỉ là một tuyên ngôn về sự dũng cảm, mà còn là lời kêu gọi thay đổi sâu sắc về cách xã hội Pháp đối mặt với vấn nạn bạo lực tình dục.