Đến Phú Thọ vào các dịp lễ như Gỗ Tổ Hùng Vương, thực khách có thể thưởng thức vô vàn món ngon, đặc sản của vùng đất Tổ.
Phú Thọ là vùng đất nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch đẹp và hấp dẫn. Bên cạnh đó, vùng đất Tổ cũng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước bởi các món đặc sản thơm ngon, độc đáo. Đã đặt chân tới đây vào những dịp nghỉ lễ, đừng quên thưởng thức những món ăn ngon tại chỗ và mua về làm quà.
Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua Thanh Sơn là món ăn đặc sản của người Mường ở huyện Thanh Sơn. Nguyên liệu chính gồm thịt lợn (thường là lợn Mán) thái mỏng, ướp cùng thính rang (gạo nếp, đậu xanh rang chín, xay nhỏ), sau đó ủ trong ống nứa hoặc hộp kín khoảng 3 - 7 ngày để lên men tự nhiên. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị chua thanh, thơm bùi vừa quen vừa lạ. Thịt chua thường ăn kèm lá sung, lá ổi, rau sống và chấm nước mắm tỏi ớt.
Đây là món đặc sản nổi tiếng, thường rất đắt hàng trên các bàn nhậu. Vào các dịp lễ, thịt chua Phú Thọ càng được nhiều nơi đặt hàng hay phục vụ khách du lịch tại chỗ nên rất đông khách, muốn mua phải xếp hàng chờ đợi khá lâu.
Cá lăng Việt Trì
Cá lăng Việt Trì
Cá lăng là một trong những đặc sản nổi tiếng của thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Loài cá này sinh sống ở sông Lô và sông Đà, nơi có dòng nước sạch, tạo điều kiện lý tưởng để cá phát triển. Cá lăng đặc biệt được ưa chuộng nhờ thịt chắc, ngọt, ít xương và giàu dinh dưỡng, một con trưởng thành có thể nặng từ 2 - 5 kg.
Cá lăng có thể chế biến thành nhiều món phong phú như nướng than hoa, nấu lẩu, om chuối đậu, hấp gừng sả... Mỗi món sẽ có những hương vị độc đáo riêng, phù hợp với sở thích của mỗi thực khách.
Bánh tẻ mật
Bánh tẻ mật
Bánh tẻ mật là đặc sản nổi tiếng của làng Đào Xá, nay thuộc xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy. Đây là món bánh dân dã nhưng mang hương vị đặc trưng, gắn liền với đời sống của người dân địa phương. Bánh tẻ mật làm từ hai nguyên liệu chính là bột gạo tẻ và mật mía. Gạo tẻ nghiền mịn kết hợp với mật mía sánh đặc, nâu màu cánh gián, tạo nên vị ngọt thanh đặc trưng.
Bánh tẻ mật tại làng Đào Xá đã có từ hàng trăm năm. Đây cũng là món không thể thiếu khi dân làng làm mâm cỗ thờ dâng lên Thành hoàng làng vào mỗi dịp lễ hội rước voi hằng năm.
Bánh tai
Bánh tai
Bánh tai hay còn gọi là bánh hòn, là đặc sản không thể bỏ qua khi tới Phú Thọ. Bánh tai làm từ gạo tẻ trắng, dẻo, bên ngoài có màu trắng đục của bột gạo, bên trong làm từ thịt nạc xay, mỡ, hành khô, hạt tiêu. Bánh tai sau khi nặn được xếp gọn gàng vào khay để đưa vào máy hấp chín. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị bánh thơm mùi bột gạo quyện trong nhân thịt đậm đà, béo ngậy. Bánh tai thường được chấm kèm nước mắm chua ngọt để dậy vị.
Không chỉ là món bánh truyền thống của người dân đất Tổ, bánh còn thể hiện sự khéo léo của người làm, đồng thời mang ý nghĩa mong cầu may mắn, no đủ.
Cơm nắm lá cọ
Cơm nắm lá cọ
Cơm nắm lá cọ có từ lâu đời, xuất phát từ nhu cầu mang cơm đi làm đồng của những người nông dân. Ngày nay, món ăn này đã trở thành đặc sản hấp dẫn du khách khi đến Phú Thọ.
Cách làm cơm nắm lá cọ khá đơn giản. Cơm sau khi nấu chín dùng khăn ướt nắm tròn, lăn kĩ cho nhuyễn, cho chặt hạt gạo vào nhau rồi đem chia thành những phần vừa ăn. Những phần cơm này được bọc vào trong lá cọ xanh đẹp mắt, buộc túm một đầu, lăn qua lăn lại cho thật chặt để cơm chắc và bám vào lá.
Cơm nắm lá cọ thường được chấm với muối vừng hoặc ăn kèm thịt lợn rang khô. Món ăn tuy đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn, mang đượm hồn quê dân dã, bình dị.