Năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời, được hội viên phụ nữ và người dân đồng tình hưởng ứng.
Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Để nâng cao nhận thức và thực hành đúng, đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cho phụ nữ, người dân, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tổ chức 253 buổi truyền thông, tập huấn, tọa đàm, sinh hoạt CLB, giao lưu tìm hiểu kiến thức, tuyên truyền nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm; kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch số 59 KH/-UBND, ngày 16/3/2016 của UBND TP Hà Nội về tổ chức phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021- 2025; Kế hoạch 07 của Hội LHPN Hà Nội về tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP trong các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội năm 2022… Từ đó, giúp chị em hội viên thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm và hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn; kỹ thuật trồng rau an toàn, phòng ngừa các dịch bệnh gia súc, gia cầm, chăn nuôi sạch, giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm…
Chị Trần Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết: Trên địa bàn phường có 1 chợ dân sinh và có gần 300 hộ kinh doanh ăn uống, 18 hộ kinh doanh thức ăn đường phố, và hàng chục hộ gia đình bán thực phẩm, nông, thủy sản… chính vì thế cán bộ hội nòng cốt đã duy trì và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tới hội viên phụ nữ và nhân dân không chỉ vào các đợt cao điểm mà thường xuyên phối hợp với ban ngành, UBND tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP tới các tiểu thương kinh doanh tại chợ.
Cán bộ hội viên phụ nữ tham gia thi tìm hiểu kiến thức an toàn thực phẩm năm 2024.
Tương tự, tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên từ năm 2022 đến nay, chị em tích cực tham gia mô hình “Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”, tuyên truyền nói không với túi nilong, sử dụng làn khi đi chợ và “2 dao, 2 thớt” khi chế biến thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Tuyết Lập, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi nilon vừa đảm bảo vệ sinh ATTP vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Hội LHPN phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm có 16 chi hội với gần 1.200 hội viên. Thời gian qua, cùng với công tác tuyên truyền, Hội Phụ nữ phát huy hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; phối hợp cùng trạm y tế phường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nhờ việc kiểm tra, giám sát, vấn đề ATTP trên địa bàn phường đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thêm nhiều mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm
Tại huyện Gia Lâm, Hội Phụ nữ đã tuyên truyền hướng dẫn cách sử dụng và chế biến thực phẩm an toàn, vận động hội viên, phụ nữ cam kết thực hiện “ba không”: Không sản xuất rau không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn. Với các làng nghề truyền thống sản xuất bún tại xã Yên Viên, hành khô tại xã Dương Xá, trồng rau tại xã Văn Đức, Lệ Chi, Đặng Xá…, Hội Phụ nữ tập trung tuyên truyền, phối hợp kiểm tra thường xuyên; tổ chức trưng bày sản phẩm đảm bảo ATTP nhân các sự kiện lớn của Hội; tham quan một số mô hình sản xuất thực phẩm an toàn.
Tại quận Hoàng Mai, chị Nguyễn Lệ Hằng, Chủ tịch Hội LHPN quận cho biết: Năm 2024, Hội đã ra mắt 16 mô hình phụ nữ thay đổi hành vi an toàn thực phẩm. 14/14 phường ký cam kết sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm an toàn với các chi hội. Mỗi phường đều có các mô hình sáng tạo trong vận động thực hiện ATTP như “ Tặng làn đi chợ”, mô hình “Không dùng túi nilon”, “Gấp túi giấy đựng thực phẩm”, “Tiêu dùng sạch”, “Tiêu dùng thông minh”, “Phân loại thực phẩm an toàn trong chế biến”, “Nấu ăn đúng cách”...
Hội Phụ nữ ra mắt mô hình HTX nông nghiệp do phụ nữ làm chủ tại huyện Quốc Oai.
Hội LHPN các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… đã tích cực lồng ghép nội dung tuyên truyền ATTP với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, gia đình “5 có, 3 sạch” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vận động hội viên phụ nữ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, phụ nữ kinh doanh khối chợ, phụ nữ làm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, làng nghề sản xuất chế biến thực phẩm ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với thực hiện xây dựng khu dân cư, làng xã văn hóa.
Đối với các quận như Thanh Xuân, Hội Phụ nữ đã duy trì thực hiện tuyên truyền đến cán bộ hội viên phụ nữ chợ Thượng Đình và tuyến phố có kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (phố Thượng Đình, phường Thượng Đình); Hội LHPN quận Đống Đa duy trì thực hiện mô hình điểm “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả” tại chợ Thái Hà gắn với thực hiện tuyến phố an toàn thực phẩm Trần Quang Diệu, hay như tại quận Hai Bà Trưng, Hội Phụ nữ đã duy trì mô hình tuyến phố đảm bảo ATTP có kiểm soát tại phố Mai Hắc Đế với 100% các cơ sở kinh doanh đảm bảo 10 tiêu chuẩn của tuyến phố ATTP có kiểm soát…
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương, tính đến ngày 15/11/2024, Hội LHPN 30 quận, huyện thị xã đã thành lập mới 172 mô hình “Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm” với hơn 4.100 cán bộ hội viên phụ nữ là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia, tập trung vào các nội dung như: “Kinh doanh thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn, chất lượng,”, “Tủ lạnh nhà tôi an toàn”, “Trồng rau an toàn”, “Hạn chế sử dụng túi nilon dùng làn nhựa đi chợ”… Hội LHPN Hà Nội đã hỗ trợ thành lập 2 hợp tác xã nông nghiệp cho phụ nữ tham gia quản lý tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn và xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai. Đây cũng là mô hình để vận động các hộ gia đình sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đảm bảo theo quy định để sản phẩm nông sản có chất lượng tốt cung cấp ra thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, Hội Phụ nữ các cấp đã tham gia 182 đoàn kiểm tra liên ngành, tham gia Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm, giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm kiểm tra giám sát 932 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; bếp ăn tập thể, quán cơm bình dân… Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện 22 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 4 cơ sở với số tiền 20 triệu đồng; nhắc nhở 28 hộ gia đình. Nhìn chung các cơ sở hộ kinh doanh thực phẩm đã nhận thức đúng và có kiến thức tốt trong việc đảm bảo ATTP.
Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình ATTP hoạt động hiệu quả và khuyến khích các mô hình mới thiết thực, phù hợp với địa phương. Triển khai thực hiện mô hình “Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” và mô hình “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm”. Phối hợp với các ngành thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, thành lập đoàn và tham gia kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tra việc thực hiện ATTP tại các chợ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Thành phố.