Thời gian qua, các cấp Hội LHPN quận Long Biên đã đổi mới, sáng tạo triển khai thành lập nhiều mô hình, cách làm hay phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng từng nhóm đối tượng phụ nữ. Từ đó thu hút cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổ Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Lắng nghe nhu cầu của hội viên phụ nữ
Là một trong những chi hội trưởng phụ nữ tâm huyết với phong trào và hoạt động Hội, bà Lê Thị Chương, Chi hội trưởng phụ nữ tổ 2, phường Việt Hưng cho biết: Để chị em tham gia với Hội đạt hiệu quả, thì những người cán bộ Hội luôn phải là “người thuyền trưởng”, thường xuyên quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chị em từ đó xây dựng, thành lập ra nhiều mô hình, hoạt động phù hợp, ý nghĩa.
Thời gian qua, biết chị em phụ nữ quan tâm, lo lắng đến sự an toàn của bản thân, của con nhỏ trước những vấn đề tác động đến đời sống gia đình, có nguy cơ gây mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em, năm 2021 Hội LHPN phường đã xây dựng và thực hiện mô hình “Chi hội 3 an toàn cho phụ nữ và trẻ em” nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp các kiến thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ; phát huy nội lực, vai trò chủ động của Phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Mô hình được thực hiện làm điểm tại chi hội tổ dân phố số 2, gồm 20 gia đình hội viên có con dưới 16 tuổi. Các thành viên tham gia mô hình đã được hướng dẫn gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, xây dựng “Thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái”. 3 tiêu chí an toàn của mô hình gồm: An toàn vệ sinh thực phẩm; An toàn sức khỏe trong gia đình và cộng đồng; An toàn môi trường mạng internet cho phụ nữ và trẻ em. Hội LHPN phường và chi hội 2 đã tổ chức cho các hội viên ký cam kết. Sau 2 năm hoạt động, hiện trên địa bàn không có vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không có ngộ độc thực phẩm, không có hộ nghèo/cận nghèo. Không có hội viên, phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo hành gia đình, bị lừa bán, lừa đảo qua mạng hoặc bị xâm hại hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. 100% hội viên có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, hỗ trợ, động viên nhất là lúc ốm đau, bệnh tật…
Bà Lê Thị Chương, Chi hội trưởng phụ nữ TDP số 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên.
Còn tại phường Phúc Đồng, chị Nguyễn Thị Tuyết Lập, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết, để thu hút chị em tham gia tổ chức Hội, thời gian qua, Hội Phụ nữ phường đã xây dựng kế hoạnh cụ thể giao cho từng chi hội đăng ký thi đua, trong đó công tác thu hút, tập hợp, phát triển hội viên là chỉ tiêu trọng tâm. Cùng với đó Hội tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như: Tổ chức gặp mặt giao lưu nói chuyện chuyên đề, tổ chức các hoạt động về nguồn, ra mắt các CLB văn hoá thể thao, CLB dân ca, CLB dân vũ…
Hội LHPN các phường Ngọc Thụy, Đức Giang, Long Biên, Phúc Lợi… đã đổi mới phương pháp tập hợp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động như tạo trang facebook, zalo nhóm để làm việc. Bên cạnh đó, để thu hút được hội viên phụ nữ tham gia, Hội Phụ nữ các phường đã chú trọng lấy công tác an sinh xã hội giúp đỡ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi con hội viên là mục tiêu xuyên suốt để xây dựng và phát triển tổ chức Hội. Đã có hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế được Hội trao tặng cho các chị em đơn thân, khó khăn.
Nhiều mô hình phù hợp với chị em hội viên
Chia sẻ về công tác thu hút phát triển hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội, bà Trần Thị Việt Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Long Biên cho biết: Tính đến 30/6/2023 trên địa bàn quận có 250 chi, 561 tổ phụ nữ bao gồm cả chi hội địa bàn dân cư và chi hội đặc thù.
Với phương châm đẩy mạnh các hoạt động về cơ sở, bám sát sự chỉ đạo của Hội phụ nữ cấp trên, Hội LHPN cơ sở thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi hội để tập hợp chị em tham gia vào tổ chức Hội. Các chi, tổ phụ nữ duy trì nề nếp sinh hoạt ít nhất 3 tháng/lần theo quy định của Điều lệ Hội LHPN Việt Nam.
Từ quý III/2022 đến nay, các cơ sở Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở như: Tổ chức các hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi dân vũ, tham quan, giáo dục truyền thống, học tập mô hình phát triển kinh tế, mô hình đoạn đường, tuyến phố nở hoa… Các cơ sở duy trì hiệu quả hoạt động các CLB như: CLB phụ nữ với Pháp luật, CLB gia đình văn minh hạnh phúc, CLB văn hóa, văn nghệ, CLB zumba, khiêu vũ thể thao, dân vũ, CLB nghĩa tình (B93), CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB mẹ đơn thân, CLB mẹ chồng nàng dâu… Các mô hình theo ngành nghề, lĩnh vực như CLB nữ doanh nghiệp, CLB phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình... cũng thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Chị em hội viên Long Biên tích cực tham gia luyện tập dân vũ.
Thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ Hội, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp” giai đoạn 2022-2026, hằng năm, chỉ đạo Hội LHPN các và cơ sở thường xuyên khảo sát tình hình phụ nữ từ 18 tuổi ở địa phương chưa tham gia tổ chức Hội, đặc biệt đối với những đơn vị có tỷ lệ thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội thấp (dưới 60%); khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ; xây dựng các mô hình tập hợp, thu hút phụ nữ theo lứa tuổi, tôn giáo, ngành nghề, sở thích, chuyên đề… coi đây là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy hiệu quả việc tập hợp, thu hút, phát triển hội viên. Đến nay, tổng số Hội viên quản lý trên toàn quận là: 36.562 hội viên.
Nhờ việc thường xuyên nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, tuyên truyền vận động tham gia tổ chức hội, Hội Phụ nữ trên địa bàn quận đã xây dựng các mô hình tập hợp thu hút hội viên theo ngành nghề, sở thích, lứa tuổi… Trong đó, với mô hình "Tổ phụ nữ trẻ", chủ yếu hướng tới đối tượng là nữ đoàn viên, thanh niên ở địa phương, học sinh, sinh viên có nhu cầu, nguyện vọng tham gia tổ chức Hội. Hiện nay toàn quận có 10 tổ với 218 thành viên tiêu biểu như Bồ Đề, Việt Hưng, Phúc Lợi, Giang Biên, Ngọc Lâm, Thạch Bàn, Sài Đồng, Cự Khối, Long Biên. Mô hình này thu hút phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến dưới 40 tuổi tham gia tổ chức Hội, phát huy tốt ưu thế của hội viên trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, hội thi… đặc biệt là trong các cuộc thi dân vũ.
Hay như mô hình “Tổ phụ nữ cao tuổi” thu hút những hội viên phụ nữ từ 50 tuổi trở lên. Hiện nay, toàn quận có 3 cơ sở có mô hình phụ nữ cao tuổi là Hội PN phường Bồ Đề, Cự Khối và Việt Hưng với tổng số hội viên tham gia là 185 hội viên. Chị Trần Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN phường Bồ Đề cho biết: Thông qua mô hình, Hội Phụ nữ phường đã tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định, nhiệm vụ chính trị triển khai ở địa phương; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị đề xuất tới cấp ủy, chính quyền địa phương.
Cùng với đó, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ quận Long Biên còn thành lập các các mô hình thu hút phụ nữ di cư, mô hình thu hút phụ nữ trong các khu chung cư... Đến nay, toàn quận có 7 mô hình tập hợp thu hút nữ lao động nhập cư với 283 hội viên ở 3 cơ sở Hội là Đức Giang, Ngọc Lâm, Việt Hưng. Hội LHPN quận và cơ sở có phụ nữ sinh hoạt tại khu chung cư đã chủ động báo cáo cấp ủy, làm việc với ban quản trị tòa nhà, thành lập 28 chi, tổ (24 chi hội, 4 tổ) với 4.952 hội viên ở Giang Biên, Phúc Lợi, Bồ Đề, Phúc Đồng, Thượng Thanh.
Thời gian tới, Hội Phụ nữ Long Biên tiếp tục rà soát, nắm chắc số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn chưa tham gia tổ chức Hội để có biện pháp tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút cho phù hợp; đồng thời chú trọng việc nâng cao chất lượng, phát triển các mô hình tổ chức Hội, tập hợp, thu hút phụ nữ đặc thù mà các cơ sở Hội đã thành lập trong thời gian qua để nhân rộng trên địa bàn.