Không chỉ mẹ chồng, em gái chồng, người từng rất thân thiết với chị, cũng quay lưng, liên tục trách móc.
Chị B (40 tuổi, hiện đang kinh doanh quần áo tại TP.HCM) quen chồng trong một buổi tiệc sinh nhật của bạn bè. Sau hai năm tìm hiểu, cả hai quyết định về chung một nhà. Trong khoảng thời gian yêu nhau, chị thường xuyên đến thăm gia đình chồng và cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi từ mọi người, kể cả mẹ chồng và em chồng.
“Mẹ nhiệt tình hòa đồng, tuy hơi nghiêm túc nhưng lúc nào cũng cởi mở. Trong thời gian yêu, bà cũng chỉ bảo tôi, khiến tôi cảm thấy bà cũng thương mình nhưng cưới về mới thấy khác hoàn toàn”, chị B chia sẻ.
Những năm đầu sau hôn nhân, dù chưa có tin vui, chị vẫn giữ vững niềm tin rằng “con cái là lộc trời cho”, nên chưa vội thăm khám. Thế nhưng, khi thời gian dần trôi mà gia đình vẫn chưa có thêm thành viên, thái độ của mẹ chồng bắt đầu thay đổi rõ rệt.
“Sau khoảng 1 năm cưới, bà bắt đầu nói bóng nói gió chuyện con cái, nói với hàng xóm, họ hàng. Sau đó, bà nói thẳng dằn mặt tôi. Ngày nào bà cũng chì chiết, bảo rằng con gà mái còn biết đẻ trứng, vậy mà con người lại không. Rồi bà chì chiết tôi 'cây độc không trái, gái độc không con'. Nghe những lời đó, hình ảnh người mẹ thương con, chỉ bảo con dâu như một đứa con gái trước đây trong tôi đã hoàn toàn sụp đổ”, chị B nghẹn ngào kể lại.
Đỉnh điểm, mẹ chồng còn muốn đuổi chị ra khỏi nhà. Trước áp lực đè nặng, chị quyết định đi khám và nhận kết quả đau lòng: vô sinh.
Chị B tâm sự câu chuyện của mình trong chương trình Người thứ 3.
Cú sốc khiến chị B suy sụp tinh thần, nhưng bên cạnh chị vẫn luôn là người chồng yêu thương, động viên. Anh khuyên chị nếu không thể sinh con thì cả hai có thể nghĩ đến chuyện nhận con nuôi. Tuy nhiên, sự gay gắt của mẹ chồng khiến chị không thể chịu nổi, nên anh đề nghị chị đi du lịch để tạm thoát khỏi áp lực, thư giãn tinh thần. Nhưng sau chuyến đi đó, mọi chuyện lại càng tồi tệ hơn.
“Mẹ vào phòng thấy tập hồ sơ khám bệnh của tôi. Khi trở về sau chuyến du lịch, bà quăng vào mặt tôi tập hồ sơ khám bệnh đó rồi tát tôi và mắng: ‘Mày là một đứa lừa đảo, mày vô sinh, không thể có con mà vẫn lừa gia đình tao để cưới con tao’. Bà còn mắng chửi cả gia đình tôi, xúc phạm gia đình tôi nhiều lắm”, chị B kể lại.
Không chỉ mẹ chồng, em gái chồng, người từng rất thân thiết với chị, cũng quay lưng, liên tục trách móc.
Mặc dù bị tổn thương sâu sắc, chị B vẫn cố nhẫn nhịn vì tình yêu với chồng. Người phụ nữ nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi cũng muốn bỏ cuộc lắm. Tôi nghĩ lỗi đó là tại mình, tôi cũng muốn có một người để sinh con cho chồng, nhưng anh quá thương tôi. Anh nói: ‘Nếu không có em, con cái với anh cũng chẳng còn quan trọng gì. Anh sẽ không cưới người khác. Nếu mình không thể sinh con thì có thể nhận con nuôi, đâu phải cứ con mới là hạnh phúc’”.
Hai vợ chồng chị B bắt đầu hành trình tìm kiếm hy vọng, từ điều trị y khoa đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Đã có lúc chị mang thai, nhưng không may sảy thai. Nỗi đau càng thêm chồng chất, không khí gia đình chị B ngày một ngột ngạt hơn.
Chị B kể rằng, mẹ chồng từng tuyệt thực để buộc con trai ly hôn, nhưng anh vẫn kiên định ở bên vợ, bởi anh hiểu mẹ chỉ giả vờ làm vậy để ép hai người ly hôn. “Chồng tôi chưa bao giờ ngừng yêu thương và bảo vệ tôi, nhưng điều đó không đủ để làm thay đổi định kiến trong mẹ chồng”, chị B tâm sự.
Sau 4 năm sống trong áp lực, vợ chồng chị B chọn cách dọn ra riêng. Thế nhưng, sóng gió chưa dừng lại. Mẹ chồng liên tục đến nhà ép hai vợ chồng chị B ký đơn ly hôn, có khi thì gọi điện mắng chửi, thậm chí đề nghị cưới vợ khác cho con trai.
Giờ đây, điều duy nhất chị B mong mỏi là nhận được sự cảm thông từ mẹ chồng, để bà hiểu rằng – với tư cách là một người phụ nữ – chị B cũng chưa từng muốn điều này xảy ra. Chị chỉ mong có một mái ấm thật sự yên bình.
Lắng nghe tâm sự của chị B, Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A nhận định rằng, đây là kết quả của sự kỳ vọng quá lớn vào chuyện nối dõi trong một số gia đình. “Chồng bạn là con trai một, và mẹ chồng bạn thuộc thế hệ có tư tưởng nặng nề về việc sinh con, nối dõi. Khi không có cháu mà nguyên nhân lại từ con dâu, bà sẽ không dễ gì chấp nhận", tiến sĩ phân tích.
Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng, khi một người phụ nữ sống trong cảm giác tội lỗi, bị dằn vặt và chưa thể chấp nhận chính mình thì hôn nhân sẽ khó vững bền. Vì thế, Tiến sĩ Tô Nhi A khuyên chị B cần bình thường hóa cơ thể của mình. "Vô sinh không phải là lỗi, không phải là điều khiến bạn kém giá trị hơn. Khi bạn ngừng xem đó là thiệt thòi thì bạn mới có thể quyết định rõ ràng: ở lại hay ra đi, chứ không phải tiếp tục sống trong giằng xé như hiện tại", nữ tiến sĩ nói.
Xem thêm: Điều trị vô sinh, hiếm muộn ở nam và nữ có gì khác biệt?