Sinh ra với cơ thể không lành lặn, nhưng nhân duyên đã đưa họ ở bên nhau, che chở và cùng nhau viết lên những câu chuyện cổ tích về tình yêu và nghị lực sống giữa đời thường…
Nên duyên từ một cuộc thi
Lúc 9 tháng tuổi, sau một trận sốt bại liệt, chị Nguyễn Thị Luyến, SN 1992, quê ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá không may bị liệt hoàn toàn một nửa người trái, không thể đi lại bình thường được. Tuổi thơ của Luyến là những lần được bố mẹ thay nhau cõng đến trường, cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân để đạt được kết quả tốt nhất. Suốt những năm cấp 1 đến cấp 3, Luyến đều là học sinh xuất sắc. Luyến còn vinh dự đạt học bổng dành cho học sinh sinh viên có thành tích xuất sắc, đỗ Đại học Hồng Đức với số điểm cao, tốt nghiệp đại học loại giỏi…
Sau khi tốt nghiệp đại học, Luyến tích cực tham gia CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Thanh Hoá. Năm 2015, chị tham gia cuộc thi hát dành cho người khuyết tật và đạt giải cao. Cũng từ nhân duyên này, chị gặp gỡ anh Lê Quang Mẫn, SN 1985, cũng bị liệt teo cơ 2 chân từ lúc 7 tuổi do cảm biến chứng, và nên duyên vợ chồng.
Chị Luyến chia sẻ, sự chân thành của anh Mẫn đã cảm hóa chị và hai người đã đến với nhau. Sau thời gian dài quen và có tình cảm với nhau, chị Luyến quyết định đưa bạn trai về ra mắt gia đình. Tưởng chừng như tình yêu chân thành của mình và anh Mẫn sẽ được gia đình chấp thuận nhưng vì muốn con có một chỗ dựa vững vàng nên gia đình chị Luyến phản đối.
Song, tình yêu, sự chân thành của đôi trẻ đã được gia đình hai bên chấp nhận. Và một đám cưới đơn sơ nhưng đầy ắp nụ cười hạnh phúc của đôi bạn trẻ đã diễn ra trong sự chúc phúc của gia đình và bạn bè. “Không nên quá mặc cảm về bản thân, phải cố gắng vì hạnh phúc bản thân, sự đồng cảm đã giúp hai vợ chồng em có cuộc sống hạnh phúc. Từ khi còn học được sự giúp đỡ của các bác trong Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, các bác cũng chính là cầu nối cho vợ chồng em đến với nhau", chị Luyến cho biết.
Gia đình chị Nguyễn Thị Luyến
Sau khi kết hôn, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay vốn hơn 50 triệu đồng và mở một cửa hàng kinh doanh hàng gia dụng tại nhà. Sau 2 năm buôn bán, vợ chồng chị đã trả hết số nợ vay và có thêm một số vốn nhất định. Năm 2018, vợ chồng chị quyết định chuyển đổi sang hình thức kinh doanh mới là buôn bán sim số đẹp và dịch vụ viễn thông. Đầu năm 2023 vợ chồng chị đã quyết định mở rộng cửa hàng buôn bán bằng việc mở thêm chi nhánh cửa hàng mới chuyên kinh doanh các mặt hàng phụ kiện điện thoại và các dịch vụ viễn thông.
Khi tìm được công việc phù hợp có thể kiếm thu nhập, chị Luyến luôn trăn trở và tìm cách hướng dẫn, chia sẻ giúp đỡ các anh chị em khuyết tật khác trong câu lạc bộ của mình có thể cùng làm việc kiếm thêm thu nhập. “Công việc tôi đang làm rất phù hợp đối với người khuyết tật, nên tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn anh chị em khuyết tật cùng làm. Hiện tại công việc mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, không những thế còn tạo điều kiện công việc cho 1 nhân viên chính hưởng lương cứng hàng tháng và hơn 100 người cộng tác viên làm online có nguồn thu nhập, trong đó có hơn 20 người là người khuyết tật”, chị Luyến nói.
Hiện anh chị có hai con, con lớn sinh năm 2016, con bé sinh năm 2021. Cuối năm 2023 vợ chồng chị đã xây dựng được một căn nhà khá kiên cố để gia đình có chỗ ở ổn định. “Có được những kết quả trên đối với vợ chồng tôi là kết tinh từ tình yêu và một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ”, chị Luyến xúc động.
Tự khẳng định mình, hạnh phúc sẽ tìm đến
Anh Trần Việt Hùng (SN 1997, quê ở Bắc Giang) chia sẻ, anh không may mắn như bao bạn cùng trang lứa khi vừa sinh ra đã mắc hội chứng bại não, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người nhà. Lớn lên, anh mắc thêm nhiều chứng bệnh nan y khác, gia đình không đủ tiền chữa trị nên không thể đứng lên đi lại được mà phải phụ thuộc vào xe lăn.
Từng có lúc, anh muốn từ bỏ cuộc sống. Suốt nhiều tháng năm ròng rã, anh sống trong sự mặc cảm. Không muốn mãi là gánh nặng của gia đình, năm 2015, anh Hùng bắt đầu mày mò học cách dựng video trên điện thoại di động. Bàn tay dị tật co quắp song các ngón vẫn có thể cử động, ấn phím được. Ban đầu chỉ là những video đơn giản ghi lại khoảnh khắc sinh hoạt đời thường của gia đình, họ hàng, bạn bè. Các đoạn video sau khi đăng lên Facebook nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng.
Gia đình anh Trần Việt Hùng
Lúc ấy, anh Hùng thấy rất hào hứng. Càng tìm hiểu càng thấy ham, anh xin bố mẹ mua cho một chiếc máy tính cũ. Bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, chàng trai trẻ tự học thành thạo việc chỉnh sửa ảnh, dựng video từ Internet. Thấy vậy, một người quen giới thiệu cho anh việc làm tại nhà. Anh Hùng nói: “Tự kiếm ra những đồng tiền đầu tiên từ quá trình lao động, tuy chẳng đáng là bao nhưng tôi cảm thấy rất vui, xúc động. Tôi quyết tâm học thêm nhiều kỹ năng hơn nữa”.
Cũng chính từ những bình luận tương tác dưới các video đăng tải trên Facebook giúp anh Hùng dần mở lòng mình, có thêm những người bạn mới. Nhờ vậy, anh quen chị Nguyễn Thị Lan, SN 1999 là vợ anh hiện tại. Hai mảnh đời khiếm khuyết nương tựa vào nhau tạo thành một mái ấm. Gia đình nhỏ giờ đây có thêm hai bé gái đáng yêu, khỏe mạnh. Đây chính là động lực mạnh mẽ để vợ chồng anh tiếp tục cố gắng. “Vợ tôi cũng bị khuyết tật từ nhỏ, đôi mắt nhìn không được rõ nhưng bù lại có thể hỗ trợ chồng trong việc tắm rửa, cho ăn và vệ sinh cá nhân”, anh Hùng nói.
Cuộc sống của đôi vợ chồng khuyết tật có rất nhiều khó khăn, sức khoẻ chị Lan yếu hơn sau khi sinh hai con, nhưng bù lại, chị có người chồng hết lòng yêu thương, luôn động viên chăm sóc mình. Anh Hùng cười: Có được một người vợ hiền, hai đứa con gái kháu khỉnh là niềm vui và hạnh phúc lớn đối với tôi. Dù đôi vai tôi lại nặng gánh hơn để kiếm tiền duy trì cuộc sống gia đình nhỏ.
Chỉ chỉnh sửa video thì số tiền công cũng chẳng được là bao, nên anh Hùng quyết định cùng vợ mở quán bán hàng nước mía tại nhà. Dù đôi chân, tay bị tật không đứng lên đi lại như người thường được, nhưng hàng ngày anh Hùng đều ngồi xe lăn ra phụ bán nước mía cùng vợ để cải thiện bữa ăn hàng ngày… Siêng năng, chăm chỉ, anh tiếp tục mày mò sửa chữa máy tính, tải nhạc điện thoại kiếm thêm thu nhập, hay mỗi khi rảnh anh trông con để cho vợ nấu ăn. Hai mảnh đời khiếm khuyết đã nương tựa vào nhau trong một mái ấm tuy đơn sơ mà thật ấm cúng.
Hiện nay, anh Hùng là thành viên tích cực của Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Giang. Anh tham mưu với Ban Chủ nhiệm CLB thực hiện các chương trình nhằm thúc đẩy hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật. Đến nay, anh Hùng tổ chức dạy online miễn phí về thiết kế đồ hoạ, chỉnh sửa ảnh, dựng video cho khoảng 30 người khuyết tật (NKT) trong và ngoài tỉnh. Anh còn liên kết với một số công ty giới thiệu công việc cho học viên của mình. Trong số đó, nhiều người đã có thu thập ổn định, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Năm 2019, CLB Thanh niên khuyết tật trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Lạng Giang được thành lập. Anh được hội viên tin tưởng bầu là thành viên Ban Chấp hành CLB. Bằng chính câu chuyện của bản thân, anh tích cực tuyên truyền, vận động NKT trẻ ở địa phương tham gia CLB.
Với mô hình hỗ trợ nghề áp dụng công nghệ thông tin, anh Hùng tích cực tham gia phong trào của Hội Người khuyết tật tỉnh Bắc Giang. Năm 2020, anh vinh dự được nhận giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên năm 2021 của Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Lạng Giang. Năm 2024, anh Trần Việt Hùng được lựa chọn vinh danh trong chương trình “Toả sáng Nghị lực Việt” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức.
Chia sẻ về hành trình của mình, anh tâm sự luôn cảm ơn cuộc đời, cảm ơn tình yêu, cảm ơn gia đình đã tiếp thêm động lực cho anh. Từ câu chuyện của mình, anh muốn nói rằng, bất cứ ai, dù hoàn cảnh thế nào, dù bạn đến từ đâu, cũng đều có quyền yêu và được yêu.