Mùa xuân kho cá

Bún Miến
Chia sẻ

Chủ nhật về nhà, tôi hỏi mẹ: "Tết này mẹ thích ăn món gì để con mua sắm dần". Vẫn là bài ca tiếc của, nhưng đặc biệt mẹ dặn: "Cho mẹ một khúc cá trắm kho".

Có một cảm giác gì đó quen quen. Đúng rồi, chồng mình cũng "đặt gạch" một khúc cá trắm ăn cơm chống ngấy. Giữa nem rán, canh măng móng giò và gà luộc, thì cá kho nghiễm nhiên trở thành "cao lương mỹ vị" trong 3 ngày Tết, thậm chí là cả tuần sau Tết.

Nhắm mắt, tôi nhớ lại lúc mẹ mới hơn 60 tuổi, còn sức khoẻ và nhanh nhẹn đủ để bê chậu cúc từ đầu ngõ về nhà. Một ngày xuân cách Tết chỉ gần 1 tuần nữa thôi. Trời xuân mà lại có nắng, chu choa là điều kiện cho nồm ẩm ghé chơi. Mẹ đã lên lịch chuẩn bị Tết dần rồi. 24 âm kho cá, 26 âm gói bánh chưng để kịp ráo đem biếu bạn bè, họ hàng.

Lúc này, hầu như nhà nào cũng đun bếp ga rồi, xịn thì có bếp từ. Thế mà mẹ vẫn giấu được cái bếp lò một than để thi thoảng đem ra kho cá, kho thịt cho tiết kiệm. Và tôi là người được giao trọng trách nhóm lò, đợi than bén trong khi mẹ chuẩn bị nguyên liệu.

3 khúc cá trắm to cỡ bàn tay của bố, vài củ riềng già và nước mắm ngon. Mẹ mắm môi mắm lợi thái riềng trông đến là khổ sở. Mấy hôm trước, tôi thấy mẹ nghiêm túc và chăm chú ghi chép công thức "học lỏm" từ bài phóng sự về cá kho nổi tiếng làng Vũ Đại trên VTV3. Tôi thầm nghĩ, công thức làm nồi cá kho bạc triệu của người ta dễ gì tiết lộ. Nhưng không, mẹ tôi đinh ninh là đã nhìn ra bí kíp ấy và thử áp dụng luôn cho nồi cá kho dịp Tết. Cá kho ngon không thể thiếu đường mật, vài miếng thịt ba chỉ nhiều mỡ lót sát nồi ngay cạnh cơ man lớp riềng, hành khô thái lát trước khi cho cá trắm đã ướp vào nồi xâm xấp nước.

Mùa xuân kho cá - 1

Mẹ tôi chẳng kho cá bằng nồi đất, nghe nói kho nồi đất ngon hơn. Cả năm mới kho một nồi to đùng thì sắm nồi đất chật nhà, nghe chẳng hợp lý với bài toán kinh tế gì cả.

11 giờ trưa, mọi công đoạn đã xong xuôi, nồi đã bắc lên bếp và chỉ chờ cá kho nhừ, ngấm gia vị theo cảm tính của mẹ là xong. Tôi thích nhất lúc này, ngồi trong bếp và ngó đầu ra ngoài sân ngắm nồi cá kho sôi sùng sục trong ánh nắng xuân. Con mèo nhà tôi cũng tranh thủ xin một chân trông nồi kho cá. Nó thiếu kiên nhẫn nằm ườn trên chiếc ghế mây dưới tán cọ ngủ khì, chẳng cần biết khi nào mới được “thẩm" miếng cá kho đầu tiên.

Nồi cá cứ sôi, tán cây ổi đang lên chồi non xào xạc trong gió xuân đến là vui tai.

"Bác ơi, cháu xin mấy cái lá ổi vớiiiii!".

Lại nhà giò chả bận làm nem chua đến xin lá ổi "đặc sản" của nhà tôi. Cả xóm cứ rộn ràng cả lên, chẳng biết nhà khác chuẩn bị Tết kiểu gì mà tất bật thế. Tôi thì chỉ thích trông nồi kho cá, ngửi mùi mắm riềng thơm nức bay vào nhà, nhón tay lấy mấy quả ô mai sấu và khoái chí xem tivi.

Hoá ra, hơn 10 năm qua, thói quen ngày Tết vẫn không thay đổi. Vẫn là món cá kho, bên cạnh mâm cơm đủ món truyền thống không thể thiếu vào đêm Giao thừa. Tóc mẹ đã bạc nhanh đến nỗi không kịp nhuộm. Mẹ không kho cá nữa mà nhờ con gái mua sẵn khúc cá kho ngon ở chợ Hàng Bè, về mẹ kho thêm cho nhừ hợp với khẩu vị của người già.

Bất giác tôi nhận ra, cảnh và người rồi tới một ngày không còn nữa. Tôi nhớ đến làn gió xuân mang theo mùi cá kho năm ấy, vừa ngọt, vừa ấm lòng mà lại cay cay.

Chia sẻ

Bún Miến

Tin cùng chuyên mục

Chia nhà cho con, bố mẹ trở thành “kẻ ở nhờ”

Chia nhà cho con, bố mẹ trở thành “kẻ ở nhờ”

Từ ngày ông bà chuyển quyền sở hữu ngôi nhà của mình cho con trai út thì câu cửa miệng của nó với ông bà mỗi lúc bực tức hay cần quyết định vấn đề gì liên quan đến ngôi nhà là “bố mẹ đang ở nhờ trong nhà tôi nên chẳng có quyền gì ở đây”. Mấy đứa con khác sống bên ngoài cũng không còn lối về nhà bố mẹ như xưa.

Mở cửa trái tim

Mở cửa trái tim

Tôi đã từng ôm nỗi đau đớn bị phản bội, rồi nghiệt ngã cả với những người thân yêu của mình. Cho tới khi một sự cố xảy ra, khiến tôi bừng tỉnh.

"Nắng tháng tám, rám trái bưởi"

"Nắng tháng tám, rám trái bưởi"

Người Hà Nội nói riêng, và người miền Bắc nói chung, cả năm 12 tháng chỉ chờ đúng 1 tháng mùa Thu để tận hưởng những thanh âm vui vẻ của tiết trời ôn hoà, rộn ràng háo hức như vào mùa vụ.

Bão lũ và "phông bạt"

Bão lũ và "phông bạt"

Bão lũ cuốn trôi nhiều thứ, phơi bày ra cả lòng người. Chân thành hay giả dối, khó có thể nào che giấu.

Chồng đã cũ mà nỗi đau vẫn mới

Chồng đã cũ mà nỗi đau vẫn mới

Nhiều phụ nữ đã cầm trên tay quyết định ly hôn nhưng vẫn chưa thoát khỏi bất hạnh của cuộc hôn nhân cũ. Chồng đã cũ mà nỗi đau vẫn mới!

Lòng tốt được đền đáp

Lòng tốt được đền đáp

Chị Hoà ngỡ ngàng và cảm kích trước sự giúp đỡ của người bạn. Mọi bức xúc trong chị bỗng chốc tan biến, chị nhận ra rằng lòng tốt và sự nhiệt tình của chồng mình đã được đền đáp một cách không ngờ tới.

Hãy yêu kẻ vì ta mà thay đổi hãy thay đổi vì kẻ ta yêu

Hãy yêu kẻ vì ta mà thay đổi hãy thay đổi vì kẻ ta yêu

Chúng ta luôn được khuyên rằng: Hãy là chính mình. Rằng: Đừng sống theo cái nhíu mày của người khác. Rằng: Ai yêu ta sẽ phải chấp nhận con người thật của ta. Phải yêu cả cái xấu của ta. Nhưng dường như hôn nhân hạnh phúc không dùng được những lời khuyên ấy.

Yêu ngầm

Yêu ngầm

Thư trở về nhà sau 5 ngày đi công tác xa trên miền núi. Hai đứa trẻ thấy mẹ, từ trong nhà chạy ra ôm vai bá cổ reo ầm ĩ. Thư thấy rõ bóng chồng trong bếp, nhưng anh không bước ra xem vợ thế nào.

Ngoại tình có... chữa được không?

Ngoại tình có... chữa được không?

Nhiều lúc tôi thấy việc người ta ngoại tình rất giống việc người ta vi phạm luật giao thông vậy. Nên tôi cũng tự hỏi mình: Ngoại tình (với cả việc vi phạm luật giao thông) liệu có… chữa được không? Làm sao để người ta đừng ngoại tình (và cũng đừng vi phạm luật giao thông) nữa?