5 kiểu người không bao giờ xứng đáng có cơ hội thứ 2

Nguyễn Hường
Chia sẻ

Những người này có thể khiến bạn suy giảm cả về tinh thần và thể chất. Không cho 5 kiểu người này cơ hội thứ 2 không phải là phán xét hay khó khăn mà là để bảo vệ năng lượng, tinh thần và lòng tự trọng của bạn.

Cốt lõi của mọi mối quan hệ là một nhu cầu cơ bản của con người: được nhìn nhận và lắng nghe. Nhà tâm lý học Carl Rogers từng nói rằng sự thay đổi thực sự xảy ra khi một người cảm thấy được thấu hiểu sâu sắc.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi người kia không có khả năng hoặc không sẵn lòng thấu hiểu bạn? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự phủ nhận cảm xúc (khi ai đó bác bỏ hoặc hạ thấp cảm xúc của bạn) có mối tương quan chặt chẽ với tình trạng lo âu, trầm cảm và giảm lòng tự trọng theo thời gian.

Dưới đây là 5 kiểu người không bao giờ xứng đáng có cơ hội thứ 2

1. Kẻ lắng nghe ái kỷ

Họ có vẻ chú tâm cho đến khi chủ đề chuyển hướng khỏi bản thân họ. Họ gật đầu khi bạn nói, nhưng bạn cảm thấy đó là diễn kịch hơn là hiện diện thực sự. Các nhà tâm lý học định nghĩa nhân cách ái kỷ bằng những đặc điểm như cho mình quyền, thiếu đồng cảm và hành vi lợi dụng người khác.

Bạn không hề quá khắt khe khi nhận ra điều này. Nếu mỗi cuộc trò chuyện đều khiến bạn cảm thấy mình nhỏ bé hơn, đó không phải là sự kết nối mà là sự bào mòn.

Dấu hiệu chính: Họ ngắt lời hoặc chuyển hướng cuộc trò chuyện về phía họ ngay cả khi bạn đang chia sẻ điều gì đó đau buồn.

2. Kẻ thao túng tinh vi

5 kiểu người không bao giờ xứng đáng có cơ hội thứ 2 - 1

Bạn nhớ cuộc trò chuyện theo một cách, họ lại khăng khăng điều đó không xảy ra, bạn đang "quá nhạy cảm". Kẻ thao túng thường đưa ra cho nạn nhân thông tin sai lệch, khiến họ nghi ngờ những gì mình biết là đúng, thường là về chính bản thân.

Những kẻ thao túng mãn tính thường là những cá nhân có xung đột cao. Họ viết lại thực tế để duy trì quyền lực hoặc trốn tránh trách nhiệm. Sự thật là thao túng hiếm khi xảy ra do vô tình. Nó thường là một mô hình kiểm soát đã được học.

Dấu hiệu chính: Bạn cảm thấy bối rối, phòng thủ hoặc tội lỗi sau khi bày tỏ những cảm xúc hợp lý.

3. Kẻ dựng tường phòng thủ

Những người này không thể xử lý phản hồi mà không "lật ngược tình thế". Nỗi đau của bạn trở thành sự xúc phạm của họ. Nhu cầu của bạn trở thành một "cuộc tấn công".

Người này có thể không cố ý độc hại, nhưng khả năng chịu đựng khó khăn thấp của họ khiến việc đối thoại có ý nghĩa gần như không thể. Mỗi cuộc trò chuyện khó khăn đều trở thành một bãi mìn.

Mối quan hệ với kiểu người này thường đòi hỏi bạn phải tự im lặng chỉ để giữ hòa khí. Và sự bình yên mà phải đánh đổi bằng sự thật của bạn thì không phải là bình yên chút nào.

Dấu hiệu chính: Họ trở nên thù địch hoặc xa lánh ngay khi bạn bày tỏ sự bất mãn.

4. Kẻ liên tục hạ thấp vấn đề

5 kiểu người không bao giờ xứng đáng có cơ hội thứ 2 - 2

Bạn mở lòng nhưng họ chỉ cười xòa hoặc nói: "Có gì to tát đâu". Hạ thấp vấn đề không chỉ là biểu hiện của thiếu lòng tốt mà còn là sự phủ nhận sâu sắc. Việc liên tục hạ thấp cảm xúc làm tăng sự không hài lòng trong mối quan hệ của bạn và cảm giác xa cách.

Bạn xứng đáng có một người nâng niu cảm xúc của bạn thay vì một người thu nhỏ chúng lại cho vừa với vùng an toàn của họ.

Dấu hiệu chính: Bạn cảm thấy xấu hổ hoặc "quá đáng" khi có nhu cầu hoặc cảm xúc.

5. Kẻ liên tục vượt qua ranh giới

Họ nói những điều đúng nhưng lại làm những điều sai và lặp đi lặp lại việc này. Kiểu người này có thể xin lỗi nhưng họ không bao giờ thực sự thay đổi. Họ thậm chí có thể lợi dụng sự tha thứ của bạn, cho rằng bạn sẽ luôn cho họ thêm một cơ hội nữa.

Các nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc liên tục vi phạm lòng tin, đặc biệt sau những lời xin lỗi giả dối, làm giảm sự an toàn cảm xúc và tạo ra thói quen tự bỏ rơi bản thân.

Dấu hiệu chính: Bạn thấy mình phải giải thích quá nhiều về ranh giới của bản thân trong khi họ vẫn tiếp tục vượt qua chúng.

Ngôi nhà cảm xúc của bạn

Hãy tưởng tượng thế giới nội tâm của bạn như một ngôi nhà. Mỗi suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin đều có một căn phòng.

Một số người đối xử với ngôi nhà của bạn một cách cẩn thận. Họ cởi giày, hỏi trước khi vào những không gian riêng tư. Trong khi đó, những người khác xông vào với đôi chân bẩn, nghịch phá đồ đạc của bạn và đổ lỗi cho bạn về mớ lộn xộn ấy.

Cho phép một người quay trở lại sau khi họ liên tục gây ra tổn hại giống như bạn lại trao chìa khóa cho họ lần nữa dù biết rằng họ sẽ để cửa bung bản lề. Nhớ rằng, giới hạn không phải là bức tường. Chúng là những cánh cửa có khóa và được mở ra bởi sự lựa chọn, không phải nghĩa vụ.

Chia sẻ

Nguyễn Hường

Tin cùng chuyên mục