Nội soi thăm dò buồng tử cung

ThS.BS Trịnh Thị Thuý (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội)
Chia sẻ

Kỹ thuật nội soi thăm dò buồng tử cung được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán kịp thời các bệnh lý buồng tử cung, đồng thời hỗ trợ điều trị xử lý các tổn thương một cách tốt nhất, giúp tăng tỉ lệ có thai tự nhiên cũng như tăng hiệu quả chuyển phôi thành công ở các cặp vợ chồng can thiệp hỗ trợ sinh sản.

Nội soi thăm dò buồng tử cung là gì?

Nội soi thăm dò buồng tử cung là thủ thuật đưa một ống soi vào buồng tử cung để chẩn đoán kết hợp với điều trị tổn thương. Thủ thuật này được chỉ định nhiều trong chẩn đoán các bất thường bên trong buồng tử cung ở những trường hợp vô sinh nữ. Nội soi buồng tử cung giúp đánh giá hình dạng, kích thước buồng tử cung chính xác nhằm xác định nguyên nhân gây vô sinh.

Kỹ thuật nội soi thăm dò buồng tử cung giúp phát hiện được 99% các tổn thương trong buồng tử cung bằng cách nội soi trực tiếp từ ống cổ tới đáy buồng tử cung và hai lỗ vòi tử cung để xem có tổn thương, kích thước, màu sắc, mật độ như thế nào, từ đó phát hiện bệnh lý và điều trị kịp thời.

Trước đây, khi chưa có kỹ thuật nội soi thăm dò buồng tử cung thì một số hình ảnh trên siêu âm, chụp tử cung vòi trứng thông thường mà chúng ta không thể quan sát được thì giờ đây đã hoàn toàn phát hiện được.

Nội soi thăm dò buồng tử cung - 1

Ảnh minh họa

Trường hợp nào nên áp dụng?

Nội soi buồng tử cung có thể cân nhắc trong các trường hợp như: Người có bất thường hay nghi ngờ bất thường trên siêu âm hoặc trên chụp buồng tử cung – vòi trứng. Bệnh nhân có tiền sử thất bại hỗ trợ sinh sản nhiều chu kỳ. Trường hợp vô sinh ở nữ chưa rõ nguyên nhân thời gian dài. Bệnh nhân có xuất huyết tử cung bất thường. Trường hợp người bệnh có tiền sử sẩy thai liên tiếp.

Thực tế ngày ngay, kỹ thuật nội soi thăm dò buồng tử cung đã phát triển gần như song song với các kỹ thuật sinh sản. Vì trước khi làm hỗ trợ sinh sản, chuyển phôi vào buồng tử cung có nhiều vấn đề về buồng tử cung hoặc vòi tử cung, khiến việc chuyển phôi thất bại nhiều lần, lưu thai, sẩy thai, hoặc sinh non. Để giảm thiểu các nguy cơ trên, chúng ta phải phát hiện sớm bệnh lý buồng tử cung qua kỹ thuật nội soi thăm dò, đồng thời điều trị kịp thời.

Trong đó, có một số bệnh lý có thể gây nên, làm giảm tỷ lệ có thai của biện pháp hỗ trợ sinh sản như dị dạng tử cung, những trường hợp tử cung nhi tính (rất bé so với người bình thưởng), dẫn tới khi mình chuyển phôi vào niêm mạc tử cung không tiếp nhận phôi; hoặc khi thai lớn lên không đủ để chứa thai và gây sảy thai, đẻ non. Cũng có trường hợp như polyp buồng tử cung, tức là niêm mạc buồng tử cung do mất cân bằng nội tiết, làm cho phôi khó tiếp xúc với lớp niêm mạc tử cung ở bên dưới, gây thất bại làm tổ. Cũng có trường hợp quá sản niêm mạc buồng tử cung; dính buồng tử cung do phẫu thuật can thiệp buồng tử cung, hoặc nạo hút thai…

Quy trình làm thủ thuật

Người bệnh có thể được yêu cầu tạm nhịn vài giờ trước thủ thuật (nếu có gây mê), cũng như sử dụng thuốc để giúp quá trình nội soi diễn ra nhẹ nhàng hơn. Thủ thuật có thể được thực hiện bằng gây mê tĩnh mạch hoặc gây tê tại chỗ.

Đầu tiên, người bệnh sẽ được nằm ở tư thế giống như khám phụ khoa. Mỏ vịt được đưa vào âm đạo để quan sát cổ tử cung. Sau đó, ống soi tử cung sẽ được đưa vào buồng tử cung để quan sát tổn thương. Khi xác định có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, ví dụ như polyp, u xơ, hoặc dính trong tử cung… các dụng cụ chuyên biệt có thể được đưa vào để cố gắng loại bỏ các bất thường này. Tuy vậy, một số ít trường hợp cần đến can thiệp lần 2 hoặc cần những can thiệp chuyên sâu hơn có thể sẽ được thực hiện tại phòng mổ với gây mê toàn thân để loại bỏ hoàn toàn tổn thương.

Về cơ bản, nội soi buồng tử cung có vai trò rất lớn trong việc chẩn đoán các bất thường ở lòng tử cung. Phương pháp này còn hỗ trợ điều trị quan sát bệnh lý trực tiếp, xử lý các tổn thương một cách tốt nhất, đặc biệt ở những bệnh nhân đã thất bại chuyển phôi nhiều lần.

Chia sẻ

ThS.BS Trịnh Thị Thuý (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em

Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em

Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu ở đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân máu.

Dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con

Dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus, ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, hậu quả có thể gây suy gan cấp, viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan và có thể dẫn đến tử vong. Giống như virus HIV, bệnh lây qua đường máu, qua quan hệ tình dục và từ mẹ truyền sang con.

Thoái hóa khớp gối ở người trung niên và cao tuổi

Thoái hóa khớp gối ở người trung niên và cao tuổi

Người trung niên và cao tuổi thường xuyên có biểu hiện đau tại khớp gối. Không chỉ ảnh hưởng tại thời điểm mắc bệnh, mà bệnh còn để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng đi lại, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

Cận thị đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu và là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, các con càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại.