Cứ nghĩ sau ly hôn thì đường ai nấy đi sẽ không thoát khỏi sự chi phối lẫn nhau để tìm đến một cuộc sống mới tự do theo ý mình. Nhưng tất cả không diễn ra như mong muốn, 3 năm sau ngày ly hôn, anh vẫn không thể thoát khỏi "ách thống trị" của vợ cũ để tìm lại hạnh phúc hôn nhân một lần nữa...
Đứa con bất trị và nỗi niềm của người cha
“Tôi phải làm thế nào để con trai mình hiểu và chấp nhận cuộc hôn nhân mới của mình. Đã bao lần cháu tuyên bố nếu bố lấy vợ mới con sẽ tự tử hoặc bỏ nhà đi bụi, rằng bố chọn con hay chọn... người dưng?” - giọng anh tha thiết nỗi niềm qua đường dây điện thoại tư vấn. Anh giới thiệu mình là cán bộ của ngành điện lực. Ly hôn đã được 3 năm nay, hiện đang sống với cậu con trai 12 tuổi. Tuổi đời vẫn còn trẻ, anh bảo không muốn sống cảnh gà trống nuôi con mãi đến già và đã bao lần có ý định tái hôn. Thế nhưng anh đã không thực hiện được dự định của mình bởi lực cản từ cậu con trai mà anh cho là bất trị.
Anh nhớ lại cuộc hôn nhân của mình: Sinh ra trong một gia đình khá giả, lại là con gái duy nhất nên vợ cũ của anh vốn được cưng chiều từ nhỏ, chuyện nữ công gia chánh hầu như không biết. Cuộc sống của hai vợ chồng công chức làm chỉ đủ ăn không dư giả gì nhiều nên chuyện thuê người giúp việc nằm ngoài khả năng kinh tế.
- Cô ấy hoàn toàn không ý thức được điều ấy mà chỉ muốn mình được giải thoát khỏi việc nhà và nội trợ. Mặc cho bố mẹ tôi phản đối chuyện thuê người giúp việc, cô ấy vẫn buộc tôi phải tìm thuê. Tôi cũng đồng ý với quan điểm của bố mẹ là việc nhà đã có một phần ông bà đỡ đần, vợ tôi cũng chỉ cơm nước, dọn dẹp mỗi khi rảnh rỗi còn bận rộn thì bố mẹ tôi làm giúp hết. Vả lại, tiền thuê một người giúp việc không phải ít, gia đình tôi không khá giả nên chuyện ấy hơi... hoang tưởng. Không thuê được người giúp việc, cô ấy viện cớ bận việc cơ quan liên tục đùn đẩy việc nhà hết cho bố mẹ chồng - anh kể.
Khi đứa con trai chưa ra đời, mọi việc ông bà có thể cố gắng được. Nhưng khi có cháu, ông bà không kham nổi tất cả việc nhà lẫn chăm sóc cháu. Được thể, vợ anh càng có cớ cần phải có giúp việc. Đến nước này, bố mẹ anh đành nói thật rằng nếu thuê thì vợ chồng anh phải trả lương cho giúp việc, ông bà không có kinh tế để giúp đỡ. Anh cũng thẳng thắn tính toán cho vợ thấy tiền lương hàng tháng chỉ đủ để hai vợ chồng trang trải, nay có con vào càng chật vật hơn. Số tiền thuê giúp việc thật sự không thể kham nổi. Dù thực tế rõ ràng vậy nhưng vợ anh lại cho rằng bố mẹ chồng bủn xỉn, chồng keo kiệt không muốn bỏ tiền thuê giúp việc. Không thuê được giúp việc nên vợ anh phải nhúng tay vào việc nhà, vốn vụng về nên vợ anh làm cái gì là hỏng cái đó, khiến cho mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng và con dâu luôn căng thẳng.
Ảnh minh họa
Biết vợ vậy nên anh cố gắng lao vào làm tất cả mọi việc để yên bề cả bố mẹ lẫn vợ. Tuy nhiên, vợ anh đã không hiểu được những cố gắng của chồng mà luôn đỏi hòi khiến cho anh càng rơi vào tình trạng mệt mỏi bất lực. Khi đứa con trai sắp tròn 9 tuổi, cuộc hôn nhân của họ tan vỡ. Chính anh là người đầu tiên chủ động ly hôn, vợ anh ngỡ ngàng rồi tự ái nổi lên đã ký ngay lập tức. Và cũng chính cô yêu cầu anh nhận nuôi con trai khi ra Toà.
Sau 1 năm ly hôn, anh đã tìm được đối tượng thích hợp mong muốn tái hôn lại để ổn định cuộc sống, có người đỡ đần khi nuôi dạy con cái. Không ngờ, ý định đó của anh liên tục bị đứa con trai phản đối. Nó tuyên chiến với bố bằng cách bỏ học, hỗn láo, tập tành hút thuốc, bắt chước cách sống của trẻ bụi đời. Thậm chí có lần nó còn doạ bố sẽ tự tử nếu bố cứ quyết định lấy vợ mới. Thương con, lại không muốn con đi vào con đường hư hỏng anh đành gác lại ý định ấy với hy vọng chờ thêm một hai năm nữa con anh đủ lớn để hiểu được sự cần thiết phải tái hôn của bố. Nhưng thời gian vẫn chẳng giúp ích gì được cho anh, hễ bố bảo không lấy vợ mới là con trai anh lại ngoan ngoãn; còn nếu bố tỉ tê chuyện tái hôn là y như rằng nó giở hết tuyệt chiêu ra để doạ anh. Tất cả mọi người trong gia đình đều bất lực với sự bất trị, chống đối của nó mỗi lần ai đó nói đến chuyện lấy vợ cho bố nó.
Không thể tái hôn vì vợ cũ
- Tôi đã tìm hiểu và biết được nguyên nhân vì sao con trai lại chống đối và nổi loạn trước chuyện tái hôn của tôi như thế. Hoá ra tất cả đều xuất phát từ đòn thù của vợ cũ. Một lần cô ấy nhắn tin bảo rằng tôi sẽ phải sống độc thân cho đến hết đời, sẽ không có bất kỳ phụ nữ nào bước được vào cuộc đời tôi. Vợ cũ tôi bảo, cô ấy đường đường là một cô gái xinh đẹp có biết bao nhiêu người có điều kiện kinh tế gấp ngàn lần tôi xin cưới hỏi. Nhưng vì yêu tôi nên cô ấy chấp nhận về làm vợ của một "gã nghèo". Không ngờ, sau gần 10 năm chung sống, tôi đã không mang lại cho cô ấy cuộc sống sung sướng và còn chủ động ly hôn trước. Nỗi hận ấy dẫu chết cô ấy cũng không thể quên được. Vì thế cô ấy sẽ dùng con trai kìm hãm cuộc sống của tôi, không cho bất cứ một người phụ nữ nào bước vào cuộc sống hôn nhân với bố nó. Lợi dụng sự ngây thơ, lòng tin tưởng và yêu thương mẹ của con, cô ta đã xúi giục con trai, kéo nó đứng về phía mình và chống đối bố bằng mọi cách nếu bố có ý định lấy vợ mới - anh kể.
Ảnh minh họa
Anh bảo có thể đối địch với vợ cũ nhưng lại không đủ can đảm để đấu tranh với đứa trẻ mới lớn. Thương con sớm phải chịu cảnh thiệt thòi khi bố mẹ chia tay, anh không nỡ để cuộc sống của con căng thẳng hơn chỉ vì hạnh phúc riêng của bản thân mình. Đã bao lần anh ngồi tâm sự với con về tình cảm yêu thương của người bố sẽ không thay đổi khi tái hôn, nó vẫn là đứa con anh yêu thương nhất trong cuộc đời. Lời anh nói chỉ khiến nó hiểu một nhưng lời người mẹ nói thì nó lại hiểu mười. Theo lời mẹ nó thì bố là người tệ bạc, chỉ vì muốn cưới vợ mới mà bỏ mẹ nó, giờ mẹ không yêu ai ngoài bố, nguyện sống với bố con nó suốt đời nhưng không được... Nếu lấy vợ mới thì nó sẽ bị dì ghẻ đối xử ác độc, sẽ bị bố bỏ rơi vì có em bé mới... Vợ cũ còn dạy cho con trai nhiều chiêu tiêu cực để hăm doạ bố như bỏ học, xin đến nhà bạn rồi ở hẳn đấy không về; thậm chí là cả viết nhật ký cho bố nói sẽ tự tử nếu bố bỏ nó đi lấy vợ mới... Anh thật sự đau đầu với đứa con trai cố chấp và rất giận vợ cũ.
- Làm thế nào tôi thoát được đòn thù của vợ cũ? Vì tôi không thể sống độc thân đến cuối đời được mà đối địch với con trai thì tôi cũng không muốn. Bởi một khi nó không tình nguyện chấp nhận thì chắc chắn cuộc hôn nhân của tôi cũng khó mà hạnh phúc - anh hỏi như cầu cứu.
Dùng con cái để trả thù chồng (vợ) sau khi hôn nhân đổ vỡ là một chiêu bài rất được một bộ phận người vợ, người chồng còn mang nặng ân oán với bạn đời cũ áp dụng. Sẽ có những tổn thương và thậm chí là bất hạnh sau mỗi sự đổ vỡ của hôn nhân. Nhưng sẽ rất tốt hơn nếu mỗi người vợ, người chồng chấp nhận thực tế để quên đi tất cả, tìm lại một cuộc sống mới cho bản thân cũng như của con cái mình. Không nên chỉ vì mối hận cá nhân mà đưa con cái và vòng thù hận, để rồi vô tình làm cuộc sống của con trẻ biến động theo. Những người vợ cố tình xúi giục con "làm loạn" khi bố tái hôn sẽ không hề mang lại kết quả tốt đẹp nào. Có thể cuộc sống tái hôn của chồng cũ sẽ không suôn sẻ bởi sự nhũng nhiễu của đứa con riêng. Nhưng người vợ cũng phải hiểu được rằng điều đó cũng có nghĩa con mình sẽ phải sống trong một gia đình bất ổn.
Giá như vợ cũ anh hiểu được rằng nếu người mẹ tốt và yêu thương con chắc chắn sẽ không bao giờ mong muốn con mình bị tổn thương. Vì thế, không nên vì ân oán riêng tư của mỗi người sau khi ly hôn mà người bố hoặc người mẹ đem những tác động tiêu cực xúi giục con mình gây bất ổn cho bạn đời cũ, cũng như chính bản thân cuộc sống của con cái mình. Hãy tạo mọi cơ hội để đền bù cho con khi phải chịu những thiệt thòi mà cuộc hôn nhân không hạnh phúc của họ đã tạo nên; thay vì gieo oán vào cuộc sống của chúng.