Đình Canh Nậu - di tích Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia

THÁI DŨNG (tổng hợp và biên soạn)
Chia sẻ

Canh Nậu là một xã thuần nông trước đây thuộc Tổng Hương Ngải, huyện Thạch Thất. Sau năm 1955, Canh Nậu được tách ra thành một xã riêng. Ngoài làm nông, với bản tính cần cù lao động, nhân dân còn có nghề truyền thống là nghề mộc và cả nghề xây dựng.

Đình Canh Nậu nằm ở trung tâm của xã, cách trung tâm  Hà Nội hơn 30km về phía Tây. Ngôi đình được dựng trên một gò đất cao mặt quay theo hướng Đông Nam. Trước cửa đình có hồ nước lớn hình chữ nhật, giữa đắp gò đất tựa như viên ngọc nổi, nơi này làm xới vật của Kẻ Núc (tên xưa của làng Canh Nậu) mỗi dịp hội làng hay Tết đến xuân về. Những khi làng mở hội vật, khách quanh vùng và thập phương nô nức đến xem. Tiếc là gần đây gò đất này để hoang do từ lâu địa phương không tổ chức giải đấu vật nữa.

Đình Canh Nậu - di tích Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia - 1

Ảnh minh họa

Đình tọa lạc tại thôn 3 của xã Canh Nậu, được khởi dựng dưới thời nhà Lê Trung Hưng. Đình thờ Thành hoàng bản thổ gồm các vị: Thần Quy Hải Long vương, Ả Lã Nàng Đê - nữ tướng thời Hai Bà Trưng và Lý Phục Man - võ tướng thời Lý Nam Đế, Đỗ Viện (Thái thú quận Giao Chỉ thời nhà Tấn).

Kiến trúc của đình kiểu chữ "nhất" kề liền chữ "đinh", gồm Tiền tế, Đại bái và Hậu cung. Toả Tiền tế gồm 5 gian 4 hàng chân, vì nóc giá chiêng, chủ yếu bào trơn đón bén. Kề liền là toà Đại bái gồm 5 gian, 2 dĩ chống rường. Tòa Đại bái đã qua nhiều lần tu sửa. Trụ biểu và các khung gỗ nói chung được trang trí đẹp. Các di vật và hoạ tiết hoa văn cho biết đình được khởi dựng vào thế kỷ XVII, có tu sửa lớn vào thế kỷ XVIII khá công phu. Bốn góc mái cong đao rồng, hoa chanh và các kiểu chữ “Thọ” cách điệu. Trên lớp kiến trúc ở vì nách gian giữa còn có bốn bức cốn gỗ chạm trổ theo phong cách thời Lê, đề tài chủ yếu là hình rồng. Điều đáng lưu ý là hình tượng rồng không dữ tợn mà ngược lại, đang vui đùa với các loài thuỷ tộc. Ở một bức cốn khác, rồng đang giỡn trên sóng nước và chơi đùa với các chàng trai đóng khố, cởi trần đang ngồi trên sóng nước. Các đề tài và kiểu dáng chạm khắc ấy mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Hiện vật cổ đáng quý trong đình còn giữ được là một bát hương lớn thời Lê cao tới 32cm. Tại hậu cung của đình có đặt 5 cỗ long ngai, bài vị chạm khắc cầu kỳ, sơn son thiếp vàng, là nơi thờ  thành hoàng của làng. Hàng năm xuân thu nhị kỳ dân làng tổ chức lễ hội lớn vào tháng Hai và ngày 17 tháng Bảy âm lịch. Trong hội có phần rước kiệu, tế lễ, đấu vật và nhiều hoạt động văn hoá dân gian khác.

Đình Canh Nậu - di tích Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia - 2

Ảnh minh họa

Nghi môn của đình mới được xây dựng gồm 4 trụ biểu, đắp các câu đối chữ Hán, hai bên sân là hai dãy tả, hữu mạc nằm đối diện. Cuối sân lại có tam quan và hai cửa nách để ngăn cách với khu đình trong. Tam quan gồm 3 gian, cửa gỗ, tường hồi bít đốc có 2 cột trụ nhỏ.

Với những giá trị lịch sử và kiến trúc, ngày 12/10/1993, tại quyết định 1430 VHQĐ, Bộ Văn hoá - Thông tin đã xếp hạng ngôi đình Canh Nậu là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Chia sẻ

THÁI DŨNG (tổng hợp và biên soạn)

Tin cùng chuyên mục

Khám phá vùng đất hữu tình tại “quê vua đất chúa”, được ví Vịnh Hạ Long trên cạn, sở hữu cây cổ thụ quý báu gần 700 tuổi

Khám phá vùng đất hữu tình tại “quê vua đất chúa”, được ví Vịnh Hạ Long trên cạn, sở hữu cây cổ thụ quý báu gần 700 tuổi

Ẩn mình tại vùng đất “quê vua đất chúa”, vườn Quốc gia Bến En đang dần trở thành một điểm đến du lịch sinh thái nổi bật tại miền Bắc Trung Bộ. Với hệ thống hồ Sông Mực rộng hơn 3.000 ha cùng hàng chục đảo lớn nhỏ, Bến En được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” nhờ cảnh quan thiên nhiên đặc trưng và hệ sinh thái độc đáo.