Từ chối chấp nhận hợp đồng đã ký có phải nộp phạt?

Luật sư Hồng Hải
Chia sẻ

Xin hỏi Báo PNTĐ, việc tôi điền thông tin có được hiểu là chấp nhận mọi nội dung của form mẫu, bao gồm việc chấp nhận ký kết hợp đồng hay không? Nếu suy nghĩ lại, từ chối ký hợp đồng thì tôi có phải nộp phạt?

Câu hỏi:

Tôi nhận được thư quảng cáo về việc đăng ký mua gói kỳ nghỉ. Trong đó có nêu, người nhận điền vào form gửi kèm, nếu tích thời hạn kỳ nghỉ là 10 năm sẽ được tặng voucher mua xe ôtô trị giá 100 triệu đồng. Tôi điền đúng form và được hệ thống của đơn vị bán kỳ nghỉ chấp nhận. Sau đó chục ngày, họ gửi cho tôi hợp đồng bản giấy, kèm thẻ cứng kỳ nghỉ, voucher mua xe ôtô và yêu cầu tôi thanh toán tiền. Nếu hủy ngang, sẽ phải chịu phạt số tiền bằng 15% trị giá hợp đồng. Kiểm tra lại thì đúng là trên form có nội dung khi tôi điền đầy đủ thông tin, hệ thống gửi phản hồi chấp nhận là tôi đồng ý ký hợp đồng chính thức.

Xin hỏi Báo PNTĐ, việc tôi điền thông tin có được hiểu là chấp nhận mọi nội dung của form mẫu, bao gồm việc chấp nhận ký kết hợp đồng hay không? Nếu suy nghĩ lại, từ chối ký hợp đồng thì tôi có phải nộp phạt?

                Nguyễn Thị Năm (Đông Anh)

Từ chối chấp nhận hợp đồng đã ký có phải nộp phạt? - 1

Ảnh minh họa

Trả lời:

Khoản 2 Điều 388 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

“a) Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

b) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

c) Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác”.

Như vậy, có thể thấy đơn vị cung cấp kỳ nghỉ đã gửi đề nghị giao kết hợp đồng cho bạn. Bạn cũng đã điền vào form đó. Có nghĩa là, bạn đã chứng tỏ ý chí về việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng quy định tại Điều 393 của Bộ luật này như sau:

“1. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

2. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên”.

Pháp luật dân sự cũng quy định về thời hạn chấp nhận giao kết hợp đồng. Nếu đơn vị kỳ nghỉ ấn định thời hạn trả lời trên email hay form online thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó. Nếu họ không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý. Tuy nhiên, thông tin của bạn cho thấy bạn đã chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của đơn vị kỳ nghỉ. Cho nên, về nguyên tắc bạn không được rút lại chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu không được đơn vị cung cấp kỳ nghỉ đồng ý. Bởi lẽ, theo Điều 397 của Bộ luật này, “bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo về việc rút lại này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng”.

Cũng chính vì đã chấp nhận giao kết hợp đồng, trong đó có nội dung phạt vi phạm số tiền bằng 15% trị giá hợp đồng, nếu không tiếp tục thực hiện, bạn sẽ phải trả cho họ số tiền đó.

Điều 418 của Bộ luật này quy định về thỏa thuận phạt vi phạm như sau:

“1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.

Tóm lại, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nhưng sau đó lại từ chối, nếu hợp đồng có thỏa thuận, bạn phải chịu phạt vi phạm.

Hiện tại, có nhiều hình thức đề nghị giao kết hợp đồng mà bên đề nghị đưa ra những nội dung không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn đối với bên được đề nghị. Trước tiên, bạn cần đọc kỹ nội dung đề nghị, đối chiếu với các quy định của pháp luật để phòng tránh những rủi ro có liên quan.

Chia sẻ

Luật sư Hồng Hải

Tin cùng chuyên mục

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.

Những người lính lặng thầm đi tìm hài cốt đồng đội cũ

Những người lính lặng thầm đi tìm hài cốt đồng đội cũ

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người cựu chiến binh may mắn sống sót trở về vẫn luôn canh cánh nỗi lòng, ước nguyện đi tìm đồng đội đã gửi xương máu lại chiến trường. Suốt phần đời còn lại, họ dành thời gian, công sức, tiền bạc để tìm về chiến trường xưa, mong có thể đưa những đồng đội cũ về quê hương đất mẹ yêu dấu…

Gisèle Pélicot - Biểu tượng nữ quyền của Pháp

Gisèle Pélicot - Biểu tượng nữ quyền của Pháp

Từng là nạn nhân của một vụ bạo lực tình dục kinh hoàng, bà Gisèle Pélicot - 72 tuổi đã trở thành biểu tượng nữ quyền của Pháp. Cuộc chiến đấu của bà, từ bỏ quyền ẩn danh để đứng trước công lý không chỉ là một tuyên ngôn về sự dũng cảm, mà còn là lời kêu gọi thay đổi sâu sắc về cách xã hội Pháp đối mặt với vấn nạn bạo lực tình dục.