Tờ giấy vay nợ

Thanh Xuân
Chia sẻ

Vợ chồng ông Chính có 3 mặt con. Chuyên là con trai lớn, năm nay gần 30 tuổi, vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ ở nước ngoài. Sau khi về nước, cậu vào Nam và cần bố mẹ hỗ trợ vốn để khởi nghiệp.

Trước ngày con đi, ông Chính cho họp gia đình. Trước mặt các con, ông nói:

- Bố mẹ chẳng có gì nhiều. Cả đời đi làm, bố mẹ tiết kiệm được 2 tỷ vừa để dưỡng già vừa nhằm giúp đỡ các con khi cần. Nay, anh Chuyên cần tiền để lập nghiệp, bố mẹ sẽ đưa tiền cho con. Trong đó, 1,2 tỷ bố mẹ cho con. Còn 800 triệu bố mẹ cho con vay, khi nào có thì con cho bố mẹ xin lại là được.

Vợ ông Chính nói tiếp:

- Sở dĩ bố mẹ lấy lại 800 triệu vì muốn có chút tiền dự bị sau này lo cho hai em tiếp tục ăn học. Anh Chuyên lập nghiệp trước, nếu thành công thì cũng có nghĩa vụ giúp các em đi sau. Vậy là lọt sàng xuống nia. Còn lại ngôi nhà đang ở, sau này nếu các con bán đi, thì hai em có thể nhận phần hơn một chút so với anh. Bố mẹ muốn hỏi, các con có ý kiến gì không?

2 con trai sau của ông Chính đều học đại học nên có thể coi là đã trưởng thành, có suy nghĩ độc lập. Khi bố mẹ hỏi, hai con của ông đều nhất trí với quyết định của bố mẹ.

- Chúng con nghĩ rằng, bố mẹ có điều kiện giúp đỡ ai trong số 3 anh em con đều quý cả. Con trai thứ của ông bà phát biểu.

- Con cũng không có ý kiến gì. Tiền của bố mẹ cho ai, giúp ai là quyền của bố mẹ, con không thắc mắc  hay so đo, tính toán gì ạ. Con trai út thưa.

Nghe các con nói vậy, ông Chính cũng thấy vui trong lòng. 3 anh em - 3 đứa con trai ông bà dứt ruột đẻ ra đều hiểu chuyện, biết san sẻ, yêu thương, đùm bọc nhau.

Tờ giấy vay nợ - 1

Ảnh minh họa

Nhưng, khi ông Chính chuẩn bị kết thúc cuộc họp gia đình thì Chuyên có ý kiến. Thì ra cậu muốn viết giấy biên nhận ghi rõ số tiền được bố mẹ cho và tiền mình vay bố mẹ và mọi người sẽ cùng ký tên xác nhận. Hai em ký ở phần người làm chứng.

Về việc này thì ông Chính không ngờ tới. Ông cứ nghĩ là tiền đã đưa cho con là xong. Khoản 800 triệu của ông bà cho vay đều đã công bố cho cả nhà biết, con trai trả lúc nào cũng được. Nhưng, con ông vẫn một mực muốn giấy trắng mực đen. Nó còn bảo:

- Thôi bố mẹ ạ. Con muốn mọi việc được rõ ràng. Sau này bố mẹ già yếu, lỡ lẩm cẩm lại không thừa nhận đã cho con 1,2 tỷ cũng như nhỡ ra con lại gian dối, không trả nợ bố mẹ 800 triệu thì bố mẹ lại thiệt thòi. Tốt nhất cứ phải ký tá đàng hoàng, sau này không ai chối cãi được.

Một lát sau, tờ giấy cam kết đã có đầy đủ chữ ký của cả nhà. Con trai ông rất thoải mái vì sự sòng phẳng này chỉ có ông Chính là lấn cấn.

Tối đó, ông cứ nằm nghĩ mãi không sao ngủ được. Đúng là trong cuộc sống, khi mọi việc trắng đen rõ ràng thì sẽ hạn chế được nguy cơ tranh chấp, cãi vã. Nhưng đó là với người ngoài, còn trong gia đình, không phải lúc nào bố mẹ và con cũng phải ký tá rạch ròi với nhau.

Chuyên, con trai ông có thiệt thòi là phải sớm xa gia đình. Mới học lớp 11, con đã ra nước ngoài du học. Từng đó năm, một mình con lăn lộn chịu nhiều vất vả, vừa đi làm, vừa phải phấn đấu học tốt để giành học bổng nhằm giảm gánh nặng chi phí cho gia đình. Ông thương con, hiểu tấm lòng thơm thảo, sự lo lắng của con dành cho bố mẹ. Nhưng, cũng từ dạo con vào đời, ông có cảm giác những lo toan khiến con trở nên sắc sảo hơn, rạch ròi hơn, sòng phẳng hơn trong mọi việc.

Quay sang thấy vợ cũng chưa ngủ, ông liền nói:

- Bà ơi, tôi biết thằng Chuyên không tham lam. Bà còn nhớ không, tôi với bà đã từng có ý định đưa hết tiền tiết kiệm cho con lập nghiệp mà không cần phải nói ra với ai. Ngay cả khi nó không trả lại được số tiền đó thì cũng coi như mình cho hẳn con. Nhưng chính thằng Chuyên lại muốn họp gia đình để công bố rõ ràng cho em biết về số tiền nó nợ bố mẹ vì nó không thích sự khuất tất. Tôi đã đồng ý với con và mở cuộc họp gia đình. Chỉ có điều, tôi thấy không thoải mái lắm khi nó lập ra tờ giấy biên nhận ấy. Tôi và bà là bố mẹ, cả đời hy sinh cho con còn được, lẽ nào mình nói hai lời, cho rồi lại đòi tiền của con. Rồi tôi cũng biết, các con mình rất hiểu đạo lý. Thằng Chuyên sẽ không bao giờ cố tình bòn rút tiền của bố mẹ cũng như anh em nó không thể nào vì tiền mà xào xáo, xung đột. Vậy nhưng từ khi có tờ giấy đó, tôi lại thấy hay là trong nhà mình, từ lúc nào mà bố mẹ, con cái thiếu niềm tin về nhau?

Bà nghe ông nói xong thì an ủi:

- Thôi ông ạ. Việc ghi giấy biên nhận cũng chẳng ảnh hưởng gì mà còn làm cho mọi việc rõ ràng. Ông đừng nghĩ nhiều nhé. Con nó chỉ là ưa cẩn thận thôi...

- Biết là vậy, mà sao... ông Chính bỏ dở câu nói với đôi mắt rưng rưng.

Chia sẻ

Thanh Xuân

Tin cùng chuyên mục

Những giải pháp từ gốc

Những giải pháp từ gốc

Việc tội phạm hình sự có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi ngày càng tăng cho thấy mặt trái của cơ chế thị trường, sự suy giảm mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình và các giá trị đạo đức xã hội. Do đó, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cần có chính sách pháp luật riêng, nhất là các giải pháp phòng ngừa, giáo dục.