Với người luôn cho mình là đúng, vấn đề không phải là về những thủ thuật khôn lanh hay cố gắng giành phần thắng mà là sở hữu trí tuệ cảm xúc để nhìn thấu hành vi của họ cũng như những động lực ẩn sâu bên dưới.
1. Thấu hiểu sự bất an ẩn sau vẻ ngoài kiên định
Đằng sau lớp vỏ bọc của sự quả quyết bất di bất dịch thường ẩn chứa sự bất an sâu sắc. Người có trí tuệ cảm xúc nhạy bén dường như nhận ra điều này một cách bản năng.
Sự cố chấp vào việc phải đúng hiếm khi xuất phát từ sự tự tin thực sự mà thường là vỏ bọc cho nỗi sợ hãi về sự thiếu sót hoặc những tổn thương trong quá khứ. Khi đồng nghiệp của bạn tích cực bảo vệ kế hoạch dự án có lỗi của mình, có thể anh ấy đang bảo vệ mình khỏi một nỗi xấu hổ trước đây.
Thấu hiểu điều này giúp người khôn ngoan về cảm xúc phản ứng bằng sự cảm thông thay vì đối đầu. Họ tạo ra sự an toàn thay vì mối đe dọa. Điều này không có nghĩa là chấp nhận thông tin không chính xác hoặc hành vi có hại mà giải quyết bằng sự đồng cảm.
2. Biến tranh luận thành hành trình khám phá chung
Thay vì đối đầu, người có trí tuệ cảm xúc cao biến các cuộc tranh luận thành sự hợp tác. Họ đứng cạnh nhau, cùng nhau xem xét vấn đề, sử dụng ngôn ngữ gợi mở và loại bỏ yếu tố sở hữu cá nhân đối với ý tưởng.
Họ trân trọng những ý tưởng tốt hơn, bất kể nguồn gốc. Họ tạo ra một môi trường khuyến khích sự linh hoạt trí tuệ. Thay vì nói “Điều đó sai và đây là lý do tại sao”, họ nói “Tôi tự hỏi chúng ta có thể khám phá ra điều gì nếu chúng ta nhìn nhận theo cách này…” Các câu hỏi sẽ trở nên thực sự tò mò thay vì cố gắng vạch trần những sai sót, khiến tương tác chuyển từ chiến đấu sang hợp tác.
3. Tập trung vào mục tiêu chung
Người có trí tuệ cảm xúc cao giỏi "lặn" xuống dưới bề mặt bất đồng để tìm kiếm những mục tiêu chung sâu sắc hơn. Họ khéo léo hướng cuộc trò chuyện về những giá trị và mục đích mà cả hai cùng hướng tới, tạo không gian cho những cách tiếp cận khác nhau cùng tồn tại. Họ cân bằng giữa sự kiên quyết về mục tiêu và sự linh hoạt về phương pháp.
4. Thừa nhận những điều chưa biết
Sự tự tin đi đôi với sự khiêm tốn là vũ khí lợi hại của người có trí tuệ cảm xúc cao. Họ thoải mái thừa nhận những điều mình không chắc chắn và chủ động tìm kiếm ý kiến đóng góp từ người khác. Bằng cách làm mẫu sự thoải mái khi không biết mọi thứ, họ tạo ra sự an toàn tâm lý cho người khác làm điều tương tự.
5. Tìm kiếm điểm hợp lý trong quan điểm đối lập
Người có trí tuệ cảm xúc cao có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều và tìm ra những điểm có giá trị ngay cả trong những quan điểm mà họ không đồng ý. Điều này không phải thao túng mà thực sự là nhận ra một phần sự thật.
Khi đối phó với một người kiêu ngạo, sự xác nhận này có thể tạo ra không gian an toàn để đối thoại thực sự bắt đầu, giúp họ lắng nghe để hiểu thay vì chỉ để phản bác. Quan điểm cởi mở này đôi khi dẫn đến những khám phá đáng ngạc nhiên, giúp cải thiện suy nghĩ của chính họ.
6. Chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân, không phải từ sự tuyệt đối hóa
Những tuyên bố mang tính tuyệt đối thường khơi gợi sự phòng thủ. Người có trí tuệ cảm xúc cao khéo léo tránh điều này bằng cách chia sẻ quan điểm dựa trên kinh nghiệm cá nhân, bắt đầu bằng "tôi" thay vì những khẳng định mang tính phổ quát, mệnh lệnh. Cách tiếp cận này mời gọi sự lắng nghe và đối thoại cởi mở hơn. Điều này khiến người trò chuyện cùng cảm thấy được thông báo, không phải được thuyết giảng; được tham vấn, không phải được sửa chữa.
7. Biết khi nào nên "rút lui" một cách khéo léo
Người có trí tuệ cảm xúc cao có khả năng đánh giá chiến lược và biết khi nào nên "rút lui" một cách khéo léo. Họ biết một số người không sẵn sàng xem xét các quan điểm thay thế, bất kể họ có trình bày chúng thuyết phục như thế nào.
Thay vì tự làm mình kiệt sức trong những nỗ lực vô ích, họ nhẹ nhàng xoay chuyển tình thế: "Chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề này theo cách khác và điều đó không sao cả. Còn mốc thời gian của dự án thì sao?"
Họ không giả vờ đồng ý vì mục đích hòa hợp mà thừa nhận sự khác biệt một cách tôn trọng và chuyển hướng sang phần có hiệu quả. Họ nhận ra khi nào một cuộc tranh luận trở nên vô ích và sẽ chuyển hướng sang những vấn đề mang tính xây dựng hơn, bảo tồn năng lượng cho những "trận chiến" thực sự quan trọng.
8. Giữ bình tĩnh khi bị "chọc tức"
Khả năng điều chỉnh cảm xúc là một siêu năng lực thực sự. Người có trí tuệ cảm xúc cao rèn luyện kỹ năng này thông qua nhận thức về những dấu hiệu cảm xúc ban đầu và sử dụng các kỹ thuật như hít thở sâu hay tạm dừng để tránh bị cuốn vào cơn nóng giận. Họ quan sát cuộc trò chuyện một cách khách quan thay vì phản ứng theo cảm tính.
9. Ưu tiên sự kết nối hơn sửa lỗi
Trong những tương tác khó khăn, người có trí tuệ cảm xúc cao luôn đặt mối quan hệ lên trên sự thắng thua. Họ chú trọng đến giọng điệu, thời điểm và lựa chọn ngôn ngữ sao cho phù hợp. Họ tự hỏi liệu sự bất đồng này có còn quan trọng trong tương lai hay không và họ chọn duy trì sự kết nối thay vì cố gắng sửa sai bằng mọi giá.