Nghệ sĩ Thanh Loan gắn liền với vai diễn trong Biệt Động Sài Gòn, xóa bỏ định kiến về hồng nhan, giờ là Đại tá về hưu.
Có những vai diễn đã “đóng đinh” sự nghiệp của người diễn viên. Sau 38 năm kể từ ngày phát hành bộ phim Biệt Động Sài Gòn, giờ đây nhiều người không nhớ tên của nghệ sĩ Thanh Loan mà chỉ gọi bà là “ni cô Huyền Trang” như chính nhân vật bà đã hóa thân xuất sắc. Có nhiều khán giả còn đặt tên con là Huyền Trang.
Vai diễn ni cô Huyền Trang trở thành dấu son chói lọi trong sự nghiệp của nghệ sĩ Thanh Loan.
Tên tuổi gắn liền với nhân vật ni cô Huyền Trang
Chia sẻ với báo Dantri, nữ diễn viên từng bộc bạch cảm xúc về vai diễn để đời: “Với tôi, vai diễn nữ chiến sĩ biệt động ni cô Huyền Trang đến với mình như định mệnh và tôi xem đó là nốt thăng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Mỗi lần nhắc đến, trong tôi luôn dâng lên cảm xúc tự hào vì đã có một vai diễn để đời, sống mãi với thời gian”.
NSƯT Thanh Loan kể năm 1984, trong chuyến công tác vào TP.HCM khi đó bà còn là đạo diễn Truyền hình an ninh, bà tình cờ gặp họa sĩ thiết kế mỹ thuật chính của phim – Trịnh Thái. Qua cuộc trò chuyện, bà mới hay tin đoàn phim Biệt Động Sài Gòn quay 1 năm vẫn chưa tìm được ai thủ vai ni cô Huyền Trang. Vì thế, bà xin được đọc kịch bản, nhận thấy vai ni cô rất hay, cá tính nên xin phép cơ quan để đi diễn.
Ngày đó, phim dài 4 tập nhưng phải quay trong 4 năm rất vất vả, công phu. Vì cả nước chỉ có 1 cơ sở duy nhất in tráng phim nhựa nên mỗi lần quay xong, ekip đều phải gửi ra Hà Nội kiểm tra chất lượng xong mới tiếp tục quay. Bối cảnh hoành tráng, kỹ thuật cầu kỳ, gian nan là thế nhưng khi Biệt Động Sài Gòn thành công, trở thành 1 trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, cả đoàn đều vui sướng tự hào.
Vẻ xinh đẹp của nữ nghệ sĩ.
Để hoàn thành vai Huyền Trang, nghệ sĩ Thanh Loan phải hy sinh mái tóc dài ngang thắt lưng để cắt đầu tém cho hợp vai nữ biệt động giả trang, bởi ngày đó không có mũ cao su nịt đầu.
Muốn nhân vật có thần thái giống với người đi tu thật, nữ nghệ sĩ vào chùa Dược Sư 1 tuần ăn ngủ nghỉ, tụng kinh gõ mõ, học cách đi khất thực. Tới cảnh sông nước Nam Bộ, bà học tập chèo ghe, ngâm mình trong nước.
Đóng phim trong khoảng thời gian dài, nữ diễn viên phải thu xếp chuyện gia đình, đón bố ruột, mẹ chồng và các con vào Nam. Lúc đó, chồng của Thanh Loan vẫn đang ở nước ngoài, nhà có 2 con nhỏ, lên 10 và lên 8 tuổi. Mẹ chồng nữ nghệ sĩ cũng tham gia vai diễn quần chúng trong phim.
XEM VIDEO: Nghệ sĩ Thanh Loan và dàn sao "Biệt Động Sài Gòn" tái xuất khán giả truyền hình vào năm 2019.
Nghệ sĩ Thanh Loan phải hy sinh mái tóc dài ngang thắt lưng để xuống tóc, vào chùa tu tập sao cho giống với nhân vật ni cô nhất.
Vai ni cô Huyền Trang trở thành dấu mốc trong sự nghiệp của NSƯT Thanh Loan. Bà cũng thừa nhận vì cái bóng quá lớn của nhân vật nên sau vai này, bà chưa ưng ý kịch bản để nhận lời với 1 tác phẩm nào khác.
Nữ nghệ sĩ cũng chia sẻ theo cảm nhận, bà có nhiều vai diễn ấn tượng hơn vai ni cô. Ví như bà thích vai cô Riêng trong Người Về Đồng Cói hơn.
Người đẹp phố cổ nên duyên với nhà Toán học
Nghệ sĩ Thanh Loan là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh em. Tuổi thơ bà gắn liền với con phố kinh doanh buôn bán sầm uất ở phố cổ nhưng chỉ có bà bén duyên nghệ thuật. Bà nói: “May hơn khôn, chứ mình có phải con nhà nòi đâu”.
Vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện của cô thiếu nữ Hà Nội nổi tiếng khắp khu phố thuở 15, 16. Khi ấy, Thanh Loan nổi bật với đôi mắt đen to tròn, mũi thẳng tắp. Bà còn cười bảo, người ta nói “mũi to mới giàu”, chứ như bà, cánh mũi thon, sống mũi cao chỉ đẹp thôi.
Hình ảnh ngày trẻ của nghệ sĩ.
16 tuổi, Thanh Loan vào trường Nghệ thuật Quân đội theo học lớp diễn viên, sau đó về công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị.
Năm 23 tuổi, Thanh Loan vẫn chưa có người yêu khiến người thân sốt sắng. Khi ấy bà là bộ đội, không được phép sinh hoạt tại nhà, cuối tuần cũng không được về nhà nên ít có thời gian, điều kiện để tìm hiểu.
Xinh đẹp là thế nhưng Thanh Loan lại nên duyên với ông xã qua mai mối. Đạo diễn Thu Chung thấy Thanh Loan ưng mắt nên đã giới thiệu cháu trai mới đi du học chuyên ngành Toán Tin về nước. Dù được giới thiệu nhưng ngay lần gặp đầu tiên, 2 người đã “cảm nắng” nhau.
Trong hồi tưởng của nữ nghệ sĩ, chồng bà là 1 người đàn ông cao to, đẹp trai, tri thức, hiểu biết, vẻ ngoài lạnh lùng nhưng bên trong ấm áp tình cảm. Bà được ông xã “tán đổ” bằng thơ, vẽ tranh chân dung.
Thanh Loan nổi bật với đôi mắt đen to tròn, mũi thẳng tắp, luôn được xếp vào hàng mỹ nhân màn ảnh.
Sau hơn 1 năm tìm hiểu, 2 người kết hôn vào tháng 12/1974. Lúc ấy chiến tranh ở giai đoạn ác liệt nên đám cưới diễn ra đơn sơ. Cô dâu chú rể đèo nhau bằng xe đạp, khách mời chủ yếu là chị em văn công. Quà tặng là những vật dụng hữu ích thời đó như nồi niêu xoong chảo, bếp dầu, chậu nhựa, phích nước… Cũng vì thế, 2 vợ chồng trẻ không phải mua sắm thêm gì.
Vì tính chất đặc thù công việc của chồng là nghiên cứu khoa học, phải dành nhiều thời gian cho Toán học, rồi đi công tác, sau đó học lên tiến sĩ ở nước ngoài nên bà luôn thấu hiểu, cảm thông. Cũng như gia đình bên chồng không hề khắt khe khi bà theo đuổi nghệ thuật. Bà vẫn luôn tâm niệm nếu không có gia đình chồng đỡ đần, bà khó có thể trọn vẹn về nghề.
Được phân nhà ở công vụ còn trả lại, viên mãn ở tuổi về hưu
Ở tuổi thất thập, bà vẫn giữ được vẻ đẹp hiền hậu, minh mẫn.
Những năm tháng nghệ sĩ Thanh Loan đóng Biệt Động Sài Gòn, ông xã bà vẫn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Qua những bức thư bà gửi từ Việt Nam, ông mới biết được chuyện gia đình từ cha mẹ tới con cái. Khi biết tin vợ phải xuống tóc vì vai ni cô trong phim, ông tiếc mãi.
Cuộc sống hôn nhân của nữ nghệ sĩ từng phải chịu những tin đồn ác ý như bà bị đánh ghen, tạt axi, đi tu… nhưng bà chọn cách không để tâm trước thị phi. Như năm 1987, bà cùng Đoàn đại biểu điện ảnh Việt Nam sang Liên Xô. Khi trở về, Đoàn về trước còn bà lên tàu hỏa đi thăm chồng và ở lại với chồng 6 tháng. Không thấy Thanh Loan trở về, trong nước có tin đồn nữ nghệ sĩ qua đời khiến bố của Thanh Loan phải lóc cóc đạp xe tới tận cơ quan để hỏi có thật hay không.
Rồi trong Nam có nghệ sĩ trông giống Thanh Loan nhưng li dị chồng, thế là người ta đồn ầm ĩ “tận mắt thấy Thanh Loan và chồng dắt tay nhau ra tòa”, hay lời đồn “Thanh Loan bị tạt axit nên không xuất hiện trên màn ảnh”. Bà coi đó là mấy tin đồn bình thường khi làm diễn viên bởi sẽ có người đố kị, bịa đặt.
Nữ nghệ sĩ bên cạnh các đồng nghiệp trên màn ảnh.
Làm nghề hơn 40 năm, nghệ sĩ Thanh Loan về hưu mang quân hàm Đại tá. Chồng bà là giáo sư, tiến sĩ Toán. Bà kể lúc về hưu, 2 vợ chồng ngỡ ngàng nhìn nhau vì chả có cái sổ tiết kiệm nào ra tấm ra món. “Ngẫm thấy thời của mình trong sáng quá, đến nỗi được phân nhà còn trả lại, nghĩ cũng tiếc thật. Nếu cứ nhận thì cũng chả sao. Tích cóp mãi xây được cái nhà ở Kim Mã Thượng (P.Liễu Giai, Q.Ba Đình) đi lại thì tiện nhưng có tuổi rồi leo trèo với dọn dẹp cũng mệt lắm. Vì thế, chúng tôi bàn nhau bán đi để mua căn hộ chung cư ở Ciputra, vừa đỡ khoản leo trèo, vừa để hai ông bà có khoản tiết kiệm gửi ngân hàng có thêm đồng ra đồng vào, không phụ thuộc vào con cái”, nữ nghệ sĩ từng chia sẻ.
Hiện, bà đã về hưu, nhưng vẫn giữ chức Phó chủ tịch hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Phó chủ tịch phụ trách Hội Điện ảnh Hà Nội.
Ở tuổi ngoài 70, bà thích đi chơi đây đó, “ngao du thiên hạ” nên đã lập nhóm “Hoa chân” để cùng giao lưu gặp gỡ bạn bè. Các con bà đều đã trưởng thành có gia đình riêng, cháu ngoại học ở Úc nên thi thoảng bà cùng con cái sang thăm. Có Tết bà ở New Zealand 2 tháng, khi lại sang nước ngoài dự lễ tốt nghiệp của cháu.
Nghệ sĩ Thanh Loan có 2 người con đều đã trưởng thành, cháu ngoại học ở Úc.
NSƯT Thanh Loan cũng rất hay tham gia làm công tác từ thiện. Bà tâm sự: “Tôi nghĩ mình may mắn hơn nhiều người khi có một gia đình hạnh phúc, bình yên nên đem sự may mắn đó chia sẻ cho những người thiếu may mắn một ít. Tôi nghĩ đơn giản lắm: Nếu mình giúp họ thì con cháu, người thân của mình cũng được người khác giúp lại. Mọi sự đều có nhân quả”.