Mùa hạ

Việt Phương
Chia sẻ

“Đó là mùa…” của những định nghĩa bằng thơ.

Đó là mùa của những tiếng chim reo

Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả

Đất thành cây, mật trào lên vị quả

Bước chân người bỗng mở những đường đi

Đó là mùa không thể giấu che

Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng

Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng

Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.

Đó là mùa của những ước mơ

Những dục vọng muôn đời không xiết kể

Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể

Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu

Đó là mùa của những buổi chiều

Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút

Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức

Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa

Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa

Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?

Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển

Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.

                                                28/6/1986

                                           Xuân Quỳnh

Mùa hạ - 1

Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

“Đó là mùa…” của những định nghĩa bằng thơ.

Cũng như bao thi sĩ khác, nhà thơ Xuân Quỳnh nhạy cảm với sự biến động của mùa, trước những dấu hiệu tinh tế nhất của mùa hạ. Cũng như nhiều bài thơ khác, mùa hạ của chị cũng bắt đầu bằng sự náo nức của thiên nhiên:

Đó là mùa của những tiếng chim reo

Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả

Đất thành cây, mật trào lên vị quả

Bước chân người bỗng mở những đường đi

Nếu đọc tinh tế, bạn sẽ nhận ra một sự khác biệt. Nếu hai câu thơ đầu là sự tả thực với tiếng chim, trời xanh, nắng vàng, thì hai câu sau là sự kỳ diệu của thiên nhiên: “Đất thành cây”, “mật trào” thành “vị quả”. Sự kỳ diệu ấy mở ra khổ thơ thứ hai với đầy sức sống, đầy khát vọng của mùa:

Đó là mùa không thể giấu che

Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng

Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng

Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.

Thơ Xuân Quỳnh không cầu kỳ về chữ nghĩa nhưng thi tứ khá linh hoạt. Sức gợi của câu thơ đến từ hình ảnh được thống nhất với logic khá chặt chẽ. Nếu ở Thơ tình cuối mùa thu là sự liền mạch cảm xúc: “Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em”, ở Hoa cúc xanh là sự hồ nghi: “Hoa cúc xanh có hay là không có/ Tháng năm nào ấp ủ thuở ngây thơ/ Có hay không thung lũng của ngày xưa/ Anh đã ở và em thường tới đó”. Còn ở đây, “cánh buồm lồng lộng trắng” như sự thăng hoa của biển cả, hóa giải bão giông, hiểm nguy thành sự bình yên: “Từ những miền cay đắng hoá thành thơ”. Ở khổ thơ thứ ba, chất thơ của đất trời đã hóa thành mùa của ước mơ:

Đó là mùa của những ước mơ

Những dục vọng muôn đời không xiết kể

Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể

Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu

Mùa ấy, đã màu nhiệm từ bao giờ, đến cả gió mưa cũng quấn quýt, quần tụ trong sự mãnh liệt để mà sinh sôi. Cơn mưa mùa hạ trong thơ nữ sĩ Xuân Quỳnh không phải cơn mưa nông nổi tràn trề, thừa thãi mà dẫu có xối xả, dầm dề vẫn là cơn mưa của sự ngưng tụ: “Mưa thành sông thành bể”. Nhưng say đắm nào cũng  bước vào hồi kết. Mùa hè gắt gao, nóng bỏng nhưng vẫn có những buổi chiều khép lại:

Đó là mùa của những buổi chiều

Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút

Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức

Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa.

Dường như, nhà thơ đã nhận ra trong oi bức đỉnh điểm đó đã dự báo, hàm chứa sự chuyển mình sang thu. Đó là sự nhạy cảm của một người yêu đời tha thiết:

Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa

Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?

Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển

Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.

Có lẽ mùa hạ là chiếc cầu nối giữa xuân và thu, là tấm gương phản chiếu “nhan sắc” của đất trời. Trong màu của biển hạ, của trái chín là màu của nhựa sống, mạch sống, giúp tâm hồn ta mãi tha thiết yêu cùng những vần thơ…

Chia sẻ

Việt Phương

Tin cùng chuyên mục