Với hơn 30 năm tồn tại, chợ chè Phúc Xuân không chỉ đơn thuần là nơi giao thương mà còn trở thành điểm gặp gỡ của những người yêu thích loại nông sản nổi tiếng của vùng đất Thái Nguyên.
Mỗi ngày, vào lúc 5h sáng, những người bán chè lại tất bật vận chuyển các bao chè đã được chuẩn bị từ tối hôm trước đến phiên chợ chè Phúc Xuân (xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên). Đến khoảng 6h sáng, hàng trăm tiểu thương từ khắp nơi đổ về, mang theo những bao chè chất đầy trên xe máy hay thùng xe tải, khiến không khí chợ thêm nhộn nhịp, sôi động.
Chợ chè Phúc Xuân được biết đến là một trong những khu chợ lâu đời và có tiếng về buôn bán chè tại Thái Nguyên. Mỗi phiên chợ có khoảng 1,5 đến 2 tấn chè được tiêu thụ, từ đây chè được phân phối đi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Không chỉ là nơi giao thương, chợ còn là không gian gặp gỡ, trao đổi giữa những người có chung niềm đam mê với chè, góp phần quảng bá và nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên.
Dù chè từ nhiều vùng được mang về chợ, nhưng loại được ưa chuộng nhất vẫn là chè Tân Cương, với mức giá dao động từ 150.000 đồng đến vài triệu đồng mỗi kg. Có những ngày, các hộ kinh doanh có thể bán đến cả trăm kg chè. Các sản phẩm chè phổ thông có giá khoảng 300.000 đồng/kg, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng rộng rãi.
Điểm đặc biệt của chợ chè Phúc Xuân không chỉ nằm ở lịch sử hơn 30 năm mà còn ở tần suất hoạt động, khi mỗi tháng chỉ họp 12 phiên chính. Các phiên chợ chỉ diễn ra vào buổi sáng, bắt đầu từ 7h và kết thúc vào lúc 12h trưa.
Chợ nằm ở trung tâm Phúc Xuân với diện tích hơn 200m2, quy tụ gần 100 hộ kinh doanh buôn bán thường xuyên. Để phục vụ khách hàng kiểm tra chất lượng chè, các bộ bàn ghế cùng ấm chén và nước sôi luôn sẵn sàng.
Có nhiều cách thử chè khác nhau, điển hình như chè móc câu - đặc sản của vùng Tân Cương với cánh chè cong nhỏ như lưỡi câu. Để nhận biết chè thật, người mua có thể bốc một nắm chè, dốc ngược tay, nếu các cánh chè liên kết chặt chẽ, không rơi rụng thì đó là chè đạt chất lượng.
Những người sành chè cho rằng, chè ngon phải hội tụ đủ hai yếu tố "hình" và "hương", điều này chỉ có thể cảm nhận rõ ràng khi pha và thưởng thức trực tiếp. Khi tham gia phiên chợ, những người yêu chè có cơ hội giao lưu và trải nghiệm nhiều sản phẩm khác nhau. Chè ngon khi pha ra nước có màu vàng xanh trong, không đục, khi uống có vị đắng nhẹ ban đầu nhưng hậu ngọt kéo dài.
Những người am hiểu về chè thường có cách thử riêng. Sau khi chọn được mẫu chè ưng ý, họ sẽ lấy một nhúm chè cho vào chén, rót nước sôi tráng qua rồi tiếp tục đổ nước sôi ngập chè, sau đó úp một chén khác lên. Sau khoảng 30 giây, nước chè sẽ được rót qua lại giữa các chén để quan sát màu nước, ngửi hương thơm, nếm vị và kiểm tra hình dạng bã chè nhằm đánh giá chất lượng búp chè.
Cách thử này còn giúp xác định nguồn gốc chè và kiểm tra xem có bị nhuộm phẩm màu hay không, bằng cách quan sát màu nước. Ví dụ, chè Tân Cương thường có hương cốm đặc trưng, vị đắng nhẹ, trong khi chè Đồng Hỷ lại mang vị hơi ngang.
Trải qua nhiều năm, chợ chè Phúc Xuân đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu chè và giới tiểu thương. Mặc dù không gian chợ không quá lớn, nhưng lại chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị về loại nông sản nổi danh của Thái Nguyên.
Là một khu chợ truyền thống nổi tiếng về mua bán chè, mỗi phiên chợ tiêu thụ gần 1,5 tấn chè. Không chỉ giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, chợ chè Phúc Xuân còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.