Thú chơi hoa "nhân phẩm" của hội chị em khi năm hết Tết đến

Dung Phạm
Chia sẻ

Với sự "đỏng đảnh" của mình, hoa tuyết mai luôn khiến hội chị em hồi hộp mỗi dịp Tết đến.

Những năm gần đây, bên cạnh các loài hoa thường được trang trí trong nhà dịp Tết như đào, mai, cúc, vạn thọ, ly,... thì tuyết mai nổi lên như một "nàng thơ mới". Chưa bung nở, loài hoa này thường được gọi vui là "bó củi" nhưng khi những cánh hoa trắng xuất hiện xen kẽ màu xanh non của lá, tuyết mai góp phần tạo nên không khí trang nhã, sang trọng cho không gian sống của nhiều gia đình.

"Cháy hàng" mỗi dịp Tết

Xuất xứ từ Trung Quốc, tuyết mai là loài hoa trắng thanh tao và có mùi hương nhẹ nhàng, tượng trưng cho tài lộc và may mắn trong năm mới. Hiện tại, thị trường Việt Nam có 2 loại là tuyết mai thường (hàng công ty) và tuyết mai rừng nhưng đa số các chị em sẽ chọn tuyết mai rừng vì dáng đẹp, cành cong mềm mại dễ uốn. Thông thường, cành tuyết mai có chiều dài khoảng 90 - 120 cm và mỗi lần nở hoa sẽ bền khoảng 3 - 4 tuần.

Thú chơi hoa "nhân phẩm" của hội chị em khi năm hết Tết đến - 1

Tuyết mai vẫn giữ được độ hot của mình khi tiếp tục được "săn đón" dịp Tết Giáp Thìn.

Giá của tuyết mai không hề rẻ và cũng "thượng vàng hạ cám", dao động từ 120.000 - 250.000 đồng/bó hoặc rẻ hơn cũng có, khoảng 90.000 đồng/bó/5-7 cành. Theo chia sẻ từ một chủ sạp hoa, giá tuyết mai năm nay rẻ hơn so với năm ngoái để kéo sức mua của người tiêu dùng trong thời điểm kinh tế khó khăn. Nhiều người mua tuyết mai từ sớm và bắt đầu chăm từ khoảng mùng 10 tháng Chạp để kịp chơi Tết.

Thú chơi hoa "nhân phẩm" của hội chị em khi năm hết Tết đến - 2

Những bông tuyết mai nhỏ làm sáng bừng góc nhà ngày Tết. (Ảnh: Thanh Nhài Vũ/ Group Yêu Bếp)

Thú chơi hoa "nhân phẩm"

Đẹp là vậy nhưng tuyết mai cũng khiến hội chị em có thú chơi hoa này hồi hộp mỗi lần mang về nhà. Bởi không chỉ đơn giản là cắm và chăm sóc mà tuyết mai nở đẹp - đúng thời điểm hay không lại là chuyện khác, mà theo cách cư dân mạng hay gọi là... tùy thuộc vào "nhân phẩm".

Không ít người từng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười vì mua tuyết mai trang trí Tết nhưng đến tận đêm 30, bình hoa vẫn không một động thái bung nở và tựa như... một bó củi. Hoặc cũng có lúc, không rõ vì lý do gì mà gia chủ mua hoa "ngủ đông" từ sớm để chăm dần và cuối cùng tuyết mai lại bung nở trước Tết hơn 10 ngày.

"Thật sự chơi tuyết mai như kiểu test nhân phẩm vậy. Mình chăm từng chút một, tưới nước ngày 2 lần, học theo người ta cắt xéo gốc để hút nước tốt hơn nhưng kết quả là nở ra được 1 chùm duy nhất" - M. Tâm (34 tuổi, TP.HCM) cho biết.

Thú chơi hoa "nhân phẩm" của hội chị em khi năm hết Tết đến - 3

Hội chị em thường nói vui rằng chơi tuyết mai phải tùy thuộc vào nhân phẩm.

Dù vậy, điều này không cản được thú vui dịp Tết của nhiều người và xem đó như một thử thách "mát tay". Trên các diễn đàn, không ít người cho biết sau kỳ "thất thu" năm ngoái, Tết năm nay đã có nhiều kinh nghiệm để chăm tuyết mai nở đẹp và đúng thời gian, chơi được lâu.

Theo kinh nghiệm của nhiều chị em từng "trải qua kiếp nạn tuyết mai", nên chọn loại có nụ mập và dày, dáng cong để khi cắm vào bình sẽ đẹp hơn. Sau khi mang về, việc đầu tiên cần làm là ước chừng độ cao của cành phù hợp với bình cắm (thường là loại bình to và cao) sau đó chặt vát góc 45 độ, chẻ đôi (cành nhỏ) hoặc chẻ tư (cành to) với độ dài khoảng 5 - 7 cm. Việc này giúp gốc hấp thu nước tốt để truyền cho cả cành và nụ hoa.

Tuyết mai cần được tưới nước 2 lần/ngày theo chế độ phun sương hoặc vòi sen và tránh nóng. Một bí quyết nhỏ cho hội chập chững chơi tuyết mai là khi mua về nên cắm vào xô nước trước để dễ dàng thay nước, hoa nở mới mang cắm vào bình. Tưới nước đều đặn là mấu chốt để tuyết mai có nở hay không nên cần chú ý điều này. Khi hoa đã nở, bạn có thể mang cắm vào bình và trưng trong nhà.

Chia sẻ

Dung Phạm

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Gia Lâm vận động thực hiện “ứng xử đẹp” tại các danh lam, di tích lịch sử

Phụ nữ Gia Lâm vận động thực hiện “ứng xử đẹp” tại các danh lam, di tích lịch sử

Năm 2022, Hội LHPN huyện Gia Lâm thực hiện điểm mô hình Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu với không gian thực hiện chính là khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan tại xã Dương Xá. Chúng tôi xác định thực hiện thành công mô hình sẽ góp phần khẳng định vai trò của phụ nữ trong xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, thanh lịch, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu Hà Nội và khát vọng...

Từ phụ nữ nhập cư đến nghị sĩ Pháp

Từ phụ nữ nhập cư đến nghị sĩ Pháp

Là nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên, bà Stéphanie Đỗ đã viết nên một câu chuyện đầy cảm hứng và kiên định: Không chỉ nỗ lực để thành công trên con đường chính trị của mình mà còn truyền cảm hứng tới nhiều phụ nữ khác để họ tự tin tiến bước trên con đường đã chọn.