Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân”. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: "Học tập, làm theo Bác để xây dựng Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”, mỗi đảng viên thật sự là “người đày tớ trung thành của nhân dân”. Thấm nhuần tư tưởng ấy, có những “nữ tướng” là cán bộ chủ chốt, là lãnh đạo Đảng uỷ, chính quyền địa phương đã mạnh dạn làm việc khó vì lợi ích của dân và được nhân dân tin yêu.
Nữ chủ tịch giải quyết dứt điểm những việc “nóng”
Những ngày cuối năm này, trên con đường vào làng cổ Đường Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây có những trạm chốt được dựng ở ven đường, có cán bộ trực 24/24 giờ/ngày đảm nhiệm một việc hết sức đặc biệt: Canh giữ đất, không để cho người ngoài địa phương đến “biến đất ruộng làng cổ thành làng nghĩa địa”.
Xã Đường Lâm là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra 2 vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Vài năm trở lại đây, rộ lên thông tin vùng đất này “long mạch tốt” làm nơi xây mộ người quá cố thì con cháu sẽ hiển vinh, nên nhiều người ở các nơi khác đã tìm về mua đất ruộng của người dân để đặt mộ người thân, thậm chí xây cả khu nghĩa trang gia đình. Vào dịp cuối năm (tháng 10 và 11 Âm lịch) là cao điểm về việc cải táng, an táng, do đó xuất hiện tình trạng ồ ạt xây mộ chờ, khiến cho công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương gặp khó khăn. Dư luận, người dân không khỏi lo lắng, bức xúc: “Cứ như vậy thì chả mấy chốc mà làng cổ, vùng đất hai vua lại thành làng nghĩa địa”.
Bà Phạm Thị Lệ Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
Đang trực ở chốt an ninh trật tự đặt tại gốc đa xứ đồng Áng Độ, thôn Mông Phụ, anh Nguyễn Ngọc Sơn, Đội an ninh trật tự thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm cho biết: Hằng ngày ở trạm chốt luôn có 4 người trực 24/24 để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo xã giao canh giữ, tuần tra trên các nẻo đường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp vi phạm. Chỉ sau hơn 2 tuần, các đội viên ở trạm chốt đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, báo cáo cán bộ lãnh đạo xã huy động lực lượng xử lý được hơn 20 trường hợp người ở nơi khác mang tiểu quách đến có ý định an táng tại các cánh đồng của xã. Thậm chí, có trường hợp còn nguỵ trang đưa 2 tiểu quách lên xe của Công ty môi trường đô thị quận huyện khác, đi loanh quanh từ trưa đến tối, hòng mang vào cánh đồng để chôn, đã bị lực lượng trạm chốt kịp thời phát hiện.
Qua rà soát, phát hiện thêm 4 trường hợp vi phạm xây dựng mộ chờ trên đất ruộng, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phạm Thị Lệ Thuỷ đã chỉ đạo xử lý nghiêm, dứt điểm bằng việc dỡ bỏ vi phạm, lấp đất, trả lại mặt bằng cho khu ruộng. Trong thời gian lực lượng an ninh làm nhiệm vụ, Chủ tịch Phạm Thị Lệ Thuỷ không quản ngày đêm trực tiếp cùng cán bộ trực chốt, xử lý các vi phạm, động viên anh em kịp thời.
Cùng với việc lập trạm chốt, lãnh đạo xã còn triển khai các biện pháp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, qua các diễn đàn, các hội nghị và mời các nhân viên môi giới mua bán đất nông nghiệp, người xây dựng mồ mả thuê, người vận chuyển vật liệu xây dựng cung cấp cho các đối tượng lên nhắc nhở, yêu cầu cam kết... Nhờ đó, việc đưa mộ về cũng giảm hẳn nhưng vẫn còn một vài đối tượng lén lút đào trộm, tranh thủ đặt vào lúc đêm khuya, mờ sáng...
Bà Trịnh Thị Thuần ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy, bà Phạm Thị Lệ Thuỷ, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm là người nói đi đôi với làm, năng động, nhiệt tình, sát sao công việc và luôn gần dân, sát dân, động viên nhân dân kịp thời. Việc ngăn chặn người nơi khác đến lập mộ, Chủ tịch xã đã chỉ đạo mạnh, làm nghiêm, nên nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Bởi mục đích cuối cùng là lập lại trật tự, không để biến đất ruộng của chúng tôi thành nghĩa địa của những người ở nơi khác.
Bà Phạm Thị Lệ Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm thăm cán bộ trực ở trạm chốt an ninh xứ đồng Áng Độ, thôn Mông Phụ.
Bên cạnh đó, nữ Chủ tịch xã Đường Lâm còn tích cực vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, kịp thời chỉ đạo cán bộ giúp người dân thực hiện kê khai biến động đất đai. Theo bà Thuần, vị nữ Chủ tịch xã đương nhiệm còn lập lại trật tự trong họp chợ đúng nơi đúng chỗ, tổ chức tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa, cây cảnh, chỉnh trang lại khắp các tuyến đường vào thứ 7, Chủ nhật hằng tuần, giữ cho đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.
Vào dịp cuối tuần, Chủ tịch Thủy còn tổ chức hội chợ, nhằm tạo điều kiện phát triển giao thương, mua bán hàng hoá nông sản, đặc sản của địa phương. Đây cũng là hoạt động giúp thu hút nhiều khách tham quan đến với làng cổ Đường Lâm và mua sắm, tạo việc làm cho người dân…
Nữ Bí thư, chủ tịch HĐND xã không quản nắng mưa cùng dân vượt khó
Trên cương vị là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, bà Cao Thị Hào đã để lại dấu ấn trong lòng người dân địa phương hình ảnh nữ lãnh đạo giản dị, gần gũi với nhân dân. Bà Hào luôn có mặt kịp thời, chỉ đạo giải quyết tháo gỡ những khó khăn, tồn tại vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng trên địa bàn, chỉ đạo phòng chống lụt bão, kiểm tra các khu vực đê, sông, thăm hỏi, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa bão số 3 năm 2024… Trong phát triển kinh tế xã hội, bà Hào cũng rất quan tâm, thường xuyên đến động viên, hỗ trợ người dân mạnh dạn chuyển đổi các mô hình kinh tế.
Trên địa bàn xã Xuân Sơn có mô hình chuyển đổi từ diện tích trồng cỏ, ngô hiệu quả thấp sang trồng cây dưa lê Hàn Quốc công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Trung Tấn ở thôn Lễ Khê. Ngay từ những ngày đầu anh Tấn khởi nghiệp trên đất ruộng sau nhà, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Cao Thị Hào đã chỉ đạo UBND xã, các cán bộ chuyên môn hỗ trợ. Năm 2023 anh Tấn đã đầu tư hơn 600 triệu đồng dựng nhà màng 1.000m2 cùng hệ thống tưới tiêu hiện đại trồng cây theo hướng sạch, an toàn.
Bà Cao Thị Hào, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Xuân Sơn (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình trồng dưa Hàn Quốc của gia đình anh Nguyễn Trung Tấn.
Ngay từ vụ đầu tiên thu hoạch, anh Tấn đã thu được sản phẩm dưa lê Hàn Quốc ngon, ngọt, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Cao Thị Hào đã đề nghị lãnh đạo thị xã, các ban, ngành, đoàn thể để tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật chăm sóc, tìm kiếm đầu ra ổn định để khuyến khích mô hình này phát triển, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Khi nắm bắt được tâm tư của người dân, nữ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Xuân Sơn đã không ngần ngại, trực tiếp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ngay. Từ sự thành công của mô hình này, bà Hào cũng mong muốn sẽ nhân rộng được thêm nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao để tạo việc làm, thu nhập cao hơn cho người dân ở địa phương vốn nhiều năm nay chủ yếu trồng cây lúa.
Anh Nguyễn Trung Tấn chia sẻ: Được sự quan tâm, động viên, khích lệ của Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Cao Thị Hào, gia đình tôi đã vững tin, tập trung trồng và chăm sóc cây sao cho đạt hiệu quả năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn để đưa ra thị trường. Bước đầu đã cho thấy cây dưa lê Hàn Quốc này khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nữ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Xuân Sơn rất tâm đắc, sát sao chỉ đạo các đầu mối tập trung thực hiện các công việc. Nhờ đó, hệ thống giao thông của xã đã được quy hoạch đồng bộ, hiện đại với 3 tuyến đường trục xã, liên xã dài 9,1km và 26,45km đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông kiên cố, hơn 60km điện chiếu sáng... Trong các tiêu chí xã Xuân Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nổi bật là lĩnh vực du lịch với 2 điểm quần thể sinh thái yên bình, thơ mộng, tiếp đón hàng nghìn lượt khách nước ngoài đến lưu trú mỗi năm. Khu du lịch sinh thái Glory Resort được công nhận là điểm đến đạt tiêu chuẩn 5 sao duy nhất của thị xã Sơn Tây. Mỗi năm Glory Resort đón tiếp hơn 26.000 lượt khách du lịch. Thu nhập bình quân toàn xã Xuân Sơn đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Xã Xuân Sơn vinh dự được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Trong những kết quả đáng mừng đó có dấu ấn của người “nữ tướng” luôn tận tâm với công việc, vì lợi ích của nhân dân và được nhân dân tin yêu.