Tổng tỷ suất sinh toàn quốc năm 2023 của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo, dẫn đến những hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số…
Xu hướng mức sinh giảm
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. Theo một báo cáo gần đây của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), 2/3 dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có tỷ suất sinh dưới mức thay thế. Đây không phải là hiện tượng tạm thời mà là thực tế mới đối với nhiều quốc gia.
Theo bà Trần Thị Thúy Anh, Chuyên gia quản lý Chương trình của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, tỷ lệ sinh đạt mức thấp kỷ lục ở nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ trong thập kỷ qua. Tỷ lệ này dưới 1,5 ở 46 quốc gia. Cho đến gần đây, các quốc gia có tỷ lệ sinh khoảng 1,8-2,0 như Pháp, Mỹ, Anh và những quốc gia trong khu vực Bắc Âu hiện cũng có tỷ lệ sinh giảm. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ này giảm xuống còn 0,81 con/phụ nữ vào năm 2021.
Theo bà Thúy Anh, một trong các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh là nam, nữ - mà chủ yếu là nữ không lựa chọn sinh con bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều gia đình lo ngại về việc chi phí cao, không đủ tiền để nuôi con tốt; vấn đề sức khỏe; tình trạng việc làm không phù hợp để có thêm con; mất quá nhiều thời gian và công sức cho chăm sóc con và không có sự hỗ trợ người chăm sóc…
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số phát biểu tại hội thảo "Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế" sáng 11/12 do Cục Dân số (Bộ Y tế) chủ trì phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tổ chức.
Các nghiên cứu cho thấy, mong muốn có 2 con đang phổ biến trong xã hội nhưng không bền vững bởi các yếu tố cản trở sinh đẻ đang dần chiếm ưu thế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, thể hiện rõ nhất ở những vùng, tỉnh/thành có mức sinh thấp. Chi phí và mất mát cho sinh đẻ và nuôi dạy con dần gia tăng vượt quá khả năng của nhiều gia đình trong bối cảnh nhu cầu nâng cao mức sống cũng như giá trị cá nhân ngày càng được chú trọng.
Yếu tố bất bình đẳng giới trong việc làm và thu nhập cũng khiến nhiều phụ nữ lo ngại việc sinh nhiều con. Các bằng chứng cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ khá cao, số liệu năm 2023 là 67,9%. Khoảng cách giới gia tăng trong những năm cao điểm sinh con, nuôi dạy của phụ nữ cho thấy nhiều phụ nữ rời khỏi thị trường lao động, có thể là do thiếu các dịch vụ chăm sóc và nền kinh tế chăm sóc chưa phát triển. Cùng với đó là thu nhập không ổn định, không tiếp cận đến an sinh và dịch vụ xã hội với chi phí hợp lý.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua. Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số được phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: Việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; theo vùng kinh tế - xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số là 53,873,500 người, chiếm 53,7% dân số cả nước, cho thấy xu hướng tăng các tỉnh có mức sinh thấp và quy mô dân số chiếm tỷ trọng lớn hơn, hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
“Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước”, Cục trưởng Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.
Mức sinh có xu thế giảm sâu, có thể dưới mức sinh thay thế.
Quyết liệt tìm giải pháp duy trì mức sinh thay thế trên cả nước
Cũng theo ông Lê Thanh Dũng, trước xu hướng biến động mức sinh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 về Công tác dân số trong tình hình mới; Chính phủ đã ban hành Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ-TƯ về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, trong đó nêu rõ “Đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và phát triển theo hướng có quy mô, cơ cấu, phân bố hợp lý, cân bằng tỉ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, nhất là đối với một số địa bàn và nhóm dân cư.
Nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả thời kỳ dân số vàng;… đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TƯ xác định "Thực hiện có hiệu quả chính sách dân số và phát triển theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả thời kỳ dân số vàng", trong đó, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan "Nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số" trình Quốc hội.
Còn bà Trần Thị Thúy Anh, Chuyên gia quản lý chương trình thuộc UN Women tại Việt Nam, để thực hiện khuyến sinh tại những vùng mức sinh thấp, giúp duy trì mức sinh thay thế trên cả nước, Việt Nam cần mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em (nhà trẻ, mẫu giáo công và tư) có chất lượng và chi phí phù hợp để hỗ trợ các bậc cha mẹ đi làm, giúp họ dễ dàng cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.
Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ tài chính cho các gia đình thông qua cung cấp gói trợ cấp sinh đẻ/trẻ em/gia đình và nghỉ thai sản có lương cho cả cha và mẹ phép có lương, đảm bảo cả cha và mẹ đều có thể nghỉ để chăm sóc con cái của họ.
Thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nam giới. Thực hiện các chính sách khuyến khích thời gian làm việc ngắn hơn và sắp xếp công việc linh hoạt cho nam giới, cho phép họ tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc trẻ em và trách nhiệm gia đình.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ có trình độ học vấn và có việc làm. Điều chỉnh các chính sách việc làm, tuyển dụng, thăng tiến và bình đẳng giới để giải quyết các vấn đề cụ thể của phụ nữ có trình độ học vấn, có việc làm, giúp họ cân bằng nguyện vọng nghề nghiệp với kế hoạch hóa gia đình... Liên tục đánh giá hiệu quả của các chính sách bình đẳng giới và thực hiện các điều chỉnh dựa trên dữ liệu để đảm bảo chúng đang đạt được mục tiêu và giải quyết các thách thức mới nổi.