Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người cựu chiến binh may mắn sống sót trở về vẫn luôn canh cánh nỗi lòng, ước nguyện đi tìm đồng đội đã gửi xương máu lại chiến trường. Suốt phần đời còn lại, họ dành thời gian, công sức, tiền bạc để tìm về chiến trường xưa, mong có thể đưa những đồng đội cũ về quê hương đất mẹ yêu dấu…
Nghĩa tình một thuở khắc ghi
Những ngày này, tại các nghĩa trang liệt sĩ, từng đoàn người đã có mặt để thành kính dâng hoa, dâng hương, dành những phút mặc niệm cho người thân, người đồng đội, những anh hùng, liệt sĩ đã nằm lại nơi chiến trường khói lửa.
Hoà trong dòng người ấy, 3 cựu chiến binh Trần Tường Huấn, Vũ Doãn Tùng và Nguyễn Thắng Lợi - những người đồng chí, đồng đội cùng trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội) khi về thắp hương cho những người đồng đội cũ một thời đã cùng "vào sinh ra tử".
Trò chuyện cùng chúng tôi, hồi ức lại một thời chiến trường đã xa, dường như ký ức một thời hoa lửa giữa bom đạn ác liệt vẫn hiển hiện trong tâm can mỗi người lính - đại tá Trần Tường Huấn.
Theo lời kể của ông Huấn, khi chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, ông Huấn và nhiều người bạn cùng trang lứa rời ghế nhà trường, tình nguyện tòng quân ra chiến trận. Trong số những thanh niên Hà Nội ở độ tuổi học sinh tham gia chiến đấu, có nhiều người mãi không trở về.
Ông Huấn chia sẻ, bản thân nhập ngũ vào tháng 1/1972 thuộc Trung đoàn 59 - Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Cùng nhập ngũ năm đó với ông còn có hai bạn học cùng độ tuổi 17-18 chung trường cấp 3 Chu Văn An là liệt sĩ Đặng Trần Cảnh và liệt sĩ Vũ Duy Hùng.
Trong hai trường hợp liệt sĩ là bạn học cùng nhập ngũ với ông Huấn có liệt sĩ Vũ Duy Hùng được xác định hy sinh ngày 25/11/1972 tại chiến trường Quảng Trị đã được về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hà Nội. Tuy nhiên, hiện còn liệt sĩ Đặng Trần Cảnh vẫn chưa thể trở về với quê hương, đất mẹ.
Các cựu chiến binh Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 ứng dụng công nghệ thông tin để tìm đồng đội.
Ông Nguyễn Thắng Lợi, cũng không giấu được sự mất mát, đau thương trước phần mộ người đồng đội cũ - liệt sĩ Bùi Trọng Cảnh. Xúc động nhớ về người bạn của mình, ông Lợi kể: “Ông Cảnh nhập ngũ cùng tôi, anh ấy học rất giỏi và chơi bóng đá cũng rất xuất sắc. Năm 1972, đồng chí Cảnh xung phong đi bộ đội đến ngày 25/8/1972 thì hy sinh tại mặt trận Quảng Trị, đến nay đã 51 năm. Năm nào tôi cũng xuống thắp hương cho anh ấy” – ông Lợi nghẹn ngào.
Còn Đại tá Vũ Doãn Tùng - nguyên cán bộ Cục cán bộ Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cũng nghẹn lòng khi thắp những nén hương cho 5 liệt sĩ đồng đội cũ trong tổng số 60 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến tại Khu Ba Càng, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Ông Tùng cho biết, từ năm 2019 đến nay, anh em cựu chiến binh Trung đoàn 1 khu vực Hà Nội đã tổ chức hành trình đi tìm đồng đội thông qua việc giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ. Theo đó, Ban liên lạc đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương lấy gần 300 mẫu ở 300 ngôi mộ để giám định ADN và đã xác định được danh tính 45 liệt sĩ.
Đặc biệt, ngày 17/4/2022, Ban liên lạc đã phối hợp cùng gia đình tổ chức lễ đón nhận 5 hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang TP Hà Nội. Hàng năm, anh em đồng đội cũ đều tổ chức dịp 27/7 để đến thắp hương, đây cũng là dịp mà cả nước toàn Đảng toàn dân và mọi người đều tưởng nhớ tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Là thương binh 2/4, nhưng nhiều năm nay, cựu chiến binh Trần Tường Huấn vẫn cùng những người bạn trong nhóm “Tìm bạn về” và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1, Quân khu 9 rong ruổi trên hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ, tìm đồng đội để đưa họ trở về với quê nhà.
Ông Huấn cho biết, hành trình tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ ở các phần mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin là rất khó, phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Hầu hết các thành viên trong ban liên lạc phải tự bỏ tiền, kinh phí với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng để tham gia chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ trải dài khắp mọi miền Tổ quốc. Đến nay, đoàn đã tìm được 45 liệt sĩ, hy sinh ở các chiến trường miền Nam để quy tập ra Bắc, đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội hoặc các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Đau đáu tìm lại chiến trường xưa
Đã hơn 15 năm trôi qua, nhưng năm nào cũng vậy, cựu chiến binh Hồ Đại Đồng, Phó Ban liên lạc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, hiện đang ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình đều cùng các đồng đội vẫn miệt mài hành quân đến những nơi “rừng thiêng, nước độc” để tìm kiếm, cất bốc, đưa hài cốt các liệt sĩ về với đất mẹ yêu thương, góp phần xoa dịu đau thương, mất mát của gia đình liệt sĩ.
Căn nhà ở của cựu chiến binh Hồ Đại Đồng lâu nay trở thành nơi gặp mặt, họp bàn của các cựu chiến binh về việc tìm đồng đội. Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cận kề sinh tử và biết bao lần rơi nước mắt, các ông đã quặn lòng khi chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống.
Ba cựu chiến binh Trần Tường Huấn, Vũ Doãn Tùng và Nguyễn Thắng Lợi thắp hương cho những người đồng đội cũ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hà Nội.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2008, khi những người lính năm xưa gặp nhau mới biết, nhiều đồng đội của mình hy sinh trên núi vẫn chưa được cất bốc, bởi không ai biết vị trí cụ thể ở đâu. Có gia đình liệt sĩ bị một số đối tượng lừa đảo, cất bốc hài cốt của người khác trở về. Đau nỗi đau mất đồng đội, giờ lại nhận tin thân nhân của họ bị lừa, lấy hài cốt của người khác, các cựu chiến binh Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 quyết tâm trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội.
Năm 2009, ông Hồ Đại Đồng cùng các đồng đội bắt đầu tự nguyện tham gia việc trợ giúp thân nhân liệt sĩ. Dù rất nóng lòng nhưng các ông không vội vàng mà liên hệ nhiều đơn vị để tìm kiếm các nguồn tin. Các ông kết nối với các cựu chiến binh cùng trong chiến đấu, vào các nghĩa trang địa phương, đi đến những vùng hy sinh ác liệt, ghi chép và lưu vào máy tính các trường hợp bộ đội hy sinh và chôn lấp chưa được biết. Ngoài ra, các ông cũng nhờ các bạn trẻ am hiểu ngoại ngữ, tìm thông tin từ những người lính bên kia chiến tuyến để hỗ trợ mình.
Mặc dù tuổi đã cao, công tác tìm kiếm hết sức khó khăn, nhưng các ông không hề nản lòng. Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng hiện là thương binh hạng 3/4 sức khoẻ yếu, nhưng ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm về những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường. Sau mỗi lần có thông tin là cựu chiến binh Hồ Đại Đồng cùng các đồng đội của mình lại sắp xếp hành trang lên đường, quyết tâm tìm hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập và tìm kiếm thân nhân cho những liệt sĩ đã được chôn cất tại nghĩa trang, lấy đó làm niềm vui cho những tháng ngày còn lại của cuộc đời mình. Có những chuyến đi ngắn thì một tuần, dài thì gần 40 ngày và có khi đến hàng chục chuyến đi các ông mới tìm thấy đồng đội trở về.
Với Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 1 là một trong những thành viên trong nhóm tìm kiếm, thì mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đáng nhớ và xúc động. Ở tuổi 80, đôi chân Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm và đồng đội lại bước tiếp những bước chân trên đại ngàn Trường Sơn. Ăn cơm rừng, lội suối, trèo đèo, ngủ võng, đằm mình trong những cánh rừng…, những người lính già cùng chạy đua với thời gian, tìm những gì còn lại cho gia đình, quê hương đồng đội.
Hơn 100 hài cốt liệt sĩ được những người lính già tìm thấy cùng sự hỗ trợ của quân đội, chính quyền địa phương, trong đó có 5 liệt sĩ xác định được danh tính, còn lại phần lớn hài cốt trong các hố chôn tập thể.
Bằng kinh nghiệm thực tế tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhiều năm, các cựu chiến binh Ban Liên lạc Trung đoàn 209 đã tìm được phương pháp mới từ việc kết hợp nguồn tin từ Trích lục liệt sĩ của Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng và báo cáo chiến trường của quân đội Mỹ, đồng thời sử dụng phương pháp chọn vật chuẩn theo thời gian, không gian để khử dung sai giữa toạ độ bản đồ quân sự và toạ độ thiết bị định vị GPS. Từ đó, đã giúp công tác tìm kiếm mang lại hiệu quả lớn.
Đến nay, các ông cùng đồng đội đã tìm được hàng trăm hài cốt và di vật liệt sĩ để lại trên địa bàn khắp cả nước. Các ông luôn tâm niệm, khi mình còn sức khoẻ thì sẽ tiếp tục đưa các hài cốt liệt sĩ đồng đội trở về. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là sự tri ân của ông với các anh hùng liệt sĩ, với những đồng đội đã hy sinh.