Gisèle Pélicot - Biểu tượng nữ quyền của Pháp

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

Từng là nạn nhân của một vụ bạo lực tình dục kinh hoàng, bà Gisèle Pélicot - 72 tuổi đã trở thành biểu tượng nữ quyền của Pháp. Cuộc chiến đấu của bà, từ bỏ quyền ẩn danh để đứng trước công lý không chỉ là một tuyên ngôn về sự dũng cảm, mà còn là lời kêu gọi thay đổi sâu sắc về cách xã hội Pháp đối mặt với vấn nạn bạo lực tình dục.

Vụ việc kinh hoàng của bà đã gây trấn động dư luận Pháp. Các điều tra viên cho biết, nạn nhân đã bị ít nhất 72 người cưỡng hiếp ít nhất 92 lần trong lúc bị mê man. Trong gần 10 năm (2011 - 2020), bà đã bị gã chồng bệnh hoạn nghiền thuốc chống lo âu có tác dụng an thần, bỏ vào bữa tối khiến bà bị xâm hại. Hành vi của Dominique bị chú ý vào năm 2020 sau khi 3 người phụ nữ tố ông cố quay phim dưới váy của họ.

Phiên tòa xét xử Dominique và hơn 50 người đàn ông khác vẫn đang diễn ra và dự kiến sẽ kéo dài đến tận cuối năm nay. Bà Gisèle Pélicot thay vì chọn cách ẩn danh đã mạnh mẽ lựa chọn sự công khai, đặt mình vào tâm điểm của cuộc chiến đấu cho sự công bằng và thay đổi. Chọn đứng trước công lý, bà không chỉ nói lên nỗi đau cá nhân của mình mà còn là nỗi đau chung của hàng ngàn phụ nữ khác. Bà đã mạnh mẽ khẳng định rằng, nạn nhân không đáng phải xấu hổ và sự im lặng, sợ hãi, xấu hổ không phải là câu trả lời. Bà muốn câu chuyện của mình được lắng nghe, hơn hết, bà muốn nó lan tỏa để kêu gọi sự thay đổi. "Đối với những người phụ nữ khác, nếu họ thức dậy mà cũng không nhớ những chuyện gì đã xảy ra, họ có thể nhớ lời khai của tôi. Không có người phụ nữ nào phải chịu đựng việc bị chuốc thuốc và bị đối xử tàn nhẫn”.

Gisèle Pélicot - Biểu tượng nữ quyền của Pháp - 1

Bà Gisèle Pélicot cùng luật sư tại tòa án Avignon.     Ảnh: Le Monde

Sự dũng cảm của bà không chỉ dừng lại ở việc đối mặt với phiên tòa. Bà Gisèle Pélicot đã kêu gọi cả xã hội Pháp phải nhìn thẳng vào vấn đề bạo lực tình dục, không chỉ ở các môi trường công cộng như hộp đêm, mà còn ở trong gia đình - nơi sự tin tưởng và sự an toàn tưởng như tuyệt đối lại bị phá vỡ một cách tàn bạo. Vụ án của bà đã phơi bày hành vi mà bà gọi là "sự khuất phục bằng hóa chất" một cách ghê rợn khiến sự tự nguyện bị tước đoạt, sự tự do bị xâm phạm và sự an toàn bị đe dọa.

Bà đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà hoạt động nữ quyền, các tổ chức xã hội và dư luận khi một cuộc biểu tình quy tụ hơn 10.000 người ủng hộ bà được tổ chức tại nhiều thành phố của Pháp. Các thẩm phán, luật sư và chính trị gia cũng lên tiếng ủng hộ việc bà đặt câu hỏi cho hệ thống tư pháp, cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi luật pháp và chính sách nhằm bảo vệ phụ nữ tốt hơn. Phản ứng từ các nhà hoạt động nữ quyền, từ Ủy ban tư vấn quốc gia về nhân quyền, cho đến các chuyên gia pháp lý đều nhấn mạnh vụ án của bà là lời cảnh tỉnh. Con số đáng báo động: 9 trong 10 phụ nữ là nạn nhân của hiếp dâm không đệ đơn kiện và 80% các vụ án bị hủy bỏ, cho thấy một thực trạng cần thay đổi ngay lập tức. Vụ án của bà cũng đặt ra câu hỏi về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự của Pháp về tội phạm tình dục. Các nghị sĩ, luật sư, và chính trị gia kêu gọi sửa đổi luật pháp để bất kỳ hành vi tình dục nào được thực hiện mà không có sự đồng ý tự nguyện đều cấu thành tội hiếp dâm.

Cuộc chiến đấu của bà Gisèle Pélicot không chỉ là một vụ án cá nhân, mà còn là một cuộc chiến xã hội, cuộc chiến chống lại bạo lực tình dục, phân biệt giới tính và kỳ thị phụ nữ. Bà đã vượt qua những đau khổ, mặc cảm của một nạn nhân để trở thành người tiên phong, người truyền cảm hứng, đồng thời là biểu tượng cho sự dũng cảm và đoàn kết. Hành trình của bà sẽ còn tiếp tục để đưa tiếng nói của những nạn nhân khác được vang vọng, để thay đổi xã hội trở thành một xã hội công bằng và an toàn hơn đối với phụ nữ.

Chia sẻ

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Dành trọn tâm huyết cho bảo tồn di tích, kiến trúc Thủ đô

GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Dành trọn tâm huyết cho bảo tồn di tích, kiến trúc Thủ đô

Là một người con của Hà Nội, gần 50 năm qua, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã dành trọn thời gian, tâm sức để nghiên cứu việc trùng tu, phục dựng, bảo tồn di tích, di sản, những kiến trúc cổ… trên cả nước và tại Thủ đô. Cũng vì lẽ đó, bạn bè và đồng nghiệp gọi ông là “hiệp sĩ của những di tích kiến trúc”, mặc dù ông khiêm tốn không nhận về mình danh xưng này.