Lưu giữ cho con Trung thu truyền thống

Chi Mai
Chia sẻ

Khó có thể tránh được sự xoay vần của thời gian, những nếp cũ rồi cũng phải nhường chỗ cho sự sôi động, náo nhiệt của nhịp sống hiện đại. Nhưng với Tết Trung thu – tết của đoàn viên, các bậc ông bà, cha mẹ vẫn mong muốn gìn giữ cho con cháu mình mâm ngũ quả, cặp bánh nướng, bánh dẻo hay chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân… để vừa nhớ về tuổi thơ, vừa để con em mình không quên giá trị truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời để lại.

Ngôi làng múa sư tử trông trăng suốt 3 đêm

Rằm tháng Tám đã gõ cửa từng nhà. Đó cũng là lúc đường làng, ngõ xóm thôn Cao Hạ (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) lại rộn ràng không khí đón Trung thu. Cách trung tâm Hà Nội chỉ 20km, cứ độ vài ngày trước khi Rằm Trung thu bắt đầu, đội lân sư rồng của Đoàn Thanh niên thôn Cao Hạ sẽ cùng nhau biểu diễn những tiết mục múa lân, thổi lửa độc đáo, với mong muốn cho trẻ em trong làng được đón một Trung thu truyền thống thật ý nghĩa, đáng nhớ.

Đội lân sư rồng của Đoàn Thanh niên thôn Cao Hạ có khoảng 15 thành viên. Trước đêm Trung thu khoảng 1 tuần, đội trưởng sẽ kêu gọi thanh niên, trai làng tham gia, tập luyện. Người có kinh nghiệm hướng dẫn người mới để tất cả đều thành thục, nhuần nhuyễn các động tác. Được biết, đội múa lân đã có từ những những năm 80 của thế kỷ trước, dần trở thành một nét văn hóa riêng của thôn. Toàn bộ quá trình tập luyện, trang thiết bị đều được dân làng quyên góp hoặc đội múa lân tự tay làm.

Lưu giữ cho con Trung thu truyền thống - 1

Đèn lồng được anh Tùng tự đan bằng trẻ và dây nhựa.

Vào những ngày “chính hội” này, con đường thôn Cao Hạ rộn rã tiếng cười, rộn ràng người qua lại từ sáng tới tối. Khoảng 20 giờ, tiếng trống bắt đầu vang lên từ đầu làng. Từ nhà văn hóa thôn, đoàn múa lân biểu diễn và di chuyển xung quanh làng, dừng lại ở những điểm như đình, chùa hoặc những nơi đủ không gian để biểu diễn cho người dân thưởng thức.

Để có màn diễn múa lân, phun lửa kéo dài khoảng 3 giờ, đội múa lân phải dày công chuẩn bị. Mỗi năm có một kiểu đầu lân sư có hình dáng, màu sắc khác nhau. Độc đáo nhất trong tiết mục múa lân là phần thổi lửa. Các thành viên của đội phải tập luyện phun nước trước khi phun dầu để thổi lửa. Trong đêm diễn, đội múa lân chuẩn bị ít nhất 2 bình cứu hỏa mang theo khi đoàn múa lân biểu diễn quanh thôn, đều có sự giám sát của lực lượng chức năng, bảo đảm người dân đứng khoảng cách an toàn với đội múa lân. Những khu vực được lựa chọn để phun lửa đều ở những khu vực đường thông thoáng, không có dây điện trần, xa nhà của người dân.

Mâm cỗ Trung thu đi ngay sau đoàn múa lân, người dân hân hoan theo dõi, hưởng ứng, trẻ em thì chờ phá cỗ. Theo quan niệm của thôn, múa lân còn có ý nghĩa cầu bình an, hạnh phúc và mùa màng bội thu. Cứ mỗi dịp Trung thu thì đây là hoạt động được các gia đình trong thôn chờ đón nhất, không chỉ là hoạt động gắn kết tình làng nghĩa xóm mà còn giúp trẻ nhỏ nhớ đến những nét văn hóa và truyền thống xưa.

Lưu giữ cho con Trung thu truyền thống - 2

Chị Khánh Linh làm cho con chú chó bưởi đón Trung thu.

Ngày hội của ký ức

Trải qua năm tháng, Trung thu đã không chỉ còn là ngày Tết của mùa màng, sự đoàn viên hay dành riêng cho thiếu niên, nhi đồng, mà còn trở thành ngày hội “ký ức” của tất cả mọi người. Bởi thế, có rất nhiều người mẹ đã không ngại tự tay chuẩn bị cho con một Trung thu mang đậm sắc màu truyền thống.

“Ngày còn bé, mình luôn mong ngóng đến Trung thu! Buổi chiều đi học về háo hức tắm rửa sạch sẽ để nhanh chóng đi ăn Trung thu cùng chúng bạn. Trung thu ở quê, tổ chức ở một hội trường nhỏ, mắc một chiếc bóng đèn sáng và tập trung tất cả trẻ con trong xóm. Chúng mình háo hức vì được nhận quà bánh”, chị Nguyệt Nga (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) nhớ lại.

Chị Nga vẫn không quên giây phút ngắm những chiếc bánh Trung thu bày ở các sạp hàng của tuổi thơ. “Ngày nào đi học qua cũng ngắm đi ngắm lại chứ làm gì có tiền mà mua. Thế nên lúc được mẹ đưa 1 chiếc bánh Trung thu ra cắt nhỏ cho mấy đứa mỗi người một miếng, mình sướng rơn! Trăng sáng trên cao, tiếng dế kêu, tiếng trẻ con hát hò vui vẻ, người lớn trong nhà ngồi uống nước chè! Khung cảnh sao mà yêu thương, yên bình đến thế!”.

Giờ khi đã làm mẹ, chị Nga đã tự làm những chiếc bánh Trung thu để tặng người thân, bạn bè và cho các con mình được tận hưởng một Trung thu ấm áp. “Với mình, dù ở thời điểm nào đi nữa, Trung thu vẫn là điều tốt đẹp, sum vầy, quây quần của mỗi gia đình”, chị cho biết.

Lưu giữ cho con Trung thu truyền thống - 3

Tiết mục múa lân, thổi lửa độc đáo của đội lân thôn Cao Hạ vào đêm rằm Trung thu.     Ảnh: Int

Trung thu luôn là dịp lễ mà gia đình và bản thân chị Khánh Linh (29 tuổi, quận Hoàng Mai) yêu thích nhất. Trong ngày rằm tháng Tám, cả gia đình chị sẽ quây quần, sum họp bên nhau, cùng thưởng thức bánh nướng bánh dẻo, nhâm nhi tách trà trong tiết trời đầu thu mát mẻ, cùng trò chuyện và tặng nhau những món quà xinh xắn, hàng xóm thì cùng nhau bày mâm cỗ và trang trí lồng đèn. “Với mình thì mình thích màu sắc rực rỡ của đèn lồng, của hoa quả, sự đáng yêu của những món đồ thủ công truyền thống và không khí trẻ thơ ngập tràn. Vào ngày Trung thu mình như được quay lại tuổi thơ vậy nên cũng muốn các con được trải nghiệm và hiểu ý nghĩa của ngày Trung thu truyền thống, dù bận bịu chuẩn bị đến 3h sáng nhưng thực sự là rất vui”, chị Linh kể.

Tự nhận mình không khéo tay khoản làm bánh nên anh Tùng (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) quyết định, bánh thì sẽ đi mua còn anh sẽ tự tay làm đồ chơi Trung thu cho con. Vậy nên cứ mỗi mùa Trung thu, ngoài đèn ông sao truyền thống, các con anh còn được rước đèn lồng con thỏ, đèn đan tre, đèn con cừu, đèn từ lon bia… “Không hẳn là đồ chơi truyền thống nhưng hai con thì thích lắm, mê tít dù chưa chắc đã biết Trung thu là gì. Bố làm cho mấy loại đèn thế là con tha hồ đổi mốt chơi cả tháng, nhìn thằng bé tung tăng chạy khoe với bạn mà mình vui lây, thấy hạnh phúc chỉ cần có thế”, anh Tùng chia sẻ.

Không thể phủ nhận cuộc sống bận rộn ngày nay khiến nhiều người dành nhiều thời gian hơn cho công việc, các mối quan hệ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những điều từng được coi là tốt đẹp có thể bị thay thế hoặc mất đi. Tết Trung thu chính là một dịp để mọi người cùng nhau sống chậm hơn, tìm về những tình cảm ấm áp, thiêng liêng của gia đình.

Chia sẻ

Chi Mai

Tin cùng chuyên mục

Đồ dùng nhà bếp thời nay

Đồ dùng nhà bếp thời nay

Nhà tôi thuê cô giúp việc theo giờ. Hàng tuần đúng ngày cô sẽ đến lau dọn nhà cửa bếp núc. Đôi khi tôi cũng xắn tay áo làm cùng.

Cùng nhau xây hạnh phúc

Cùng nhau xây hạnh phúc

Mai à, em đừng cố lảng tránh anh nữa. Chúng mình hãy cùng vượt qua khó khăn để đến với nhau, được không? Em đã nói với anh, hạnh phúc phải do mình tạo ra và chủ động nắm giữ đó thôi.

Loại chảo “đầu độc” người dùng có thể thải ra kim loại nặng, giá chưa đến 100 nghìn, chị em đừng ham rẻ mua về

Loại chảo “đầu độc” người dùng có thể thải ra kim loại nặng, giá chưa đến 100 nghìn, chị em đừng ham rẻ mua về

Bạn có biết rằng chiếc chảo gang tưởng chừng an toàn lại có thể chứa đựng nguy cơ độc hại? Với những kim loại nặng và hóa chất độc hại, việc chọn lựa chảo gang chất lượng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Có 6 bí quyết giúp bạn tránh xa chiếc chảo độc hại này.