Nhiều phụ nữ đã cầm trên tay quyết định ly hôn nhưng vẫn chưa thoát khỏi bất hạnh của cuộc hôn nhân cũ. Chồng đã cũ mà nỗi đau vẫn mới!
Tôi đã gặp những người phụ nữ như thế, ly dị rồi mà vẫn chưa bước ra khỏi cuộc hôn nhân cũ. Họ vẫn bị chồng cũ hành hạ, vẫn bị cuộc hôn nhân cũ trói siết họ lại, biến họ thành những phụ nữ xám xịt, chằng chịt vết thương.
Đó là những gã chồng cũ ly dị xong không cấp dưỡng cho con. Vì bị vợ bỏ nên cay cú mà hành xử hèn hạ, nên cho rằng tiền cấp dưỡng không phải cho con mà là cho… vợ cũ. Đó cũng là những gã đàn ông có tình mới quên luôn cả con mình. Có con mới là bỏ thẳng con cũ. Cũng có khi là gã cho rằng vợ cũ phá nát hôn nhân nên gã cũng chẳng cần phải nương tay mà không phá nát cuộc đời mới của vợ cũ…
Phụ nữ sau ly hôn phần đa đều nhìn con mà sống. Nhìn con mà sống nên con đau họ khóc. Tiền cấp dưỡng vốn chẳng phải là số tiền to tát với họ, mà là vì họ sợ con mình bị bố bỏ rơi. Làm mẹ thì ai muốn con mình thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác kia chứ? Nhất là mình đã vì mình mà quyết định ly dị, là mình đã góp phần đẩy con mình vào một gia đình khuyết. Nên đau.
Ly dị chưa bao giờ là dễ dàng với rất nhiều phụ nữ. Cho dẫu trong 600.000 cuộc ly hôn hàng năm ở Việt Nam, 70% số người đứng đơn là phụ nữ. Cho dẫu trên mạng xã hội hàng ngày ta vẫn đọc được hàng chục bài phụ nữ vùng lên, phụ nữ buông tay, phụ nữ từ chối cuộc hôn nhân có độc… thì cầm quyết định ly hôn rồi, chẳng phải ai cũng mỉm cười cho nổi.
Bởi phụ nữ, sau ly hôn nhiều khi là chuỗi ngày dằng dặc. Nước mắt nửa đêm vẫn lăn dài khi thấy con mình thiệt thòi quá, giận mình vì hạnh phúc của mẹ mà tước đi hạnh phúc của con. Không phải vì còn thương nhớ gì chồng cũ đâu, chỉ là thương nhớ một mái ấm của con vậy.
Nên thật đáng thương với những phụ nữ ly dị rồi mà vẫn sống mãi trong cuộc hôn nhân cũ, trong đống đổ nát cũ…
Ảnh minh họa
Đừng để nỗi đau thành thù hận
“Không còn là vợ chồng với nhau nữa thì vẫn có thể là bạn bè để cùng nhau nuôi dạy con cái nên người chứ”. Ai cũng nghĩ thế. Cho đến khi chúng ta như họ, trải qua những ngày tháng cuối cùng của một cuộc hôn nhân. Ai còn tiếc nuối hôn nhân nhiều hơn thì họ sẽ đau đớn nhiều hơn. Con người là vậy. Hôn nhân khi còn sống càng hạnh phúc thì lúc ly dị sẽ càng đớn đau.
Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, đớn đau cũng là một xác tín cho chúng ta thấy chúng ta đã trân quý những năm tháng hạnh phúc đến thế nào. Vậy thì cứ đau đớn đi. Chỉ là đừng để nỗi đau làm cho mắt bị nhòa đi thành thù hận. Chúng ta không mất đi cuộc hôn nhân này đâu, chỉ là cuộc hôn nhân đó đã hoàn tất rồi.
Hãy cho hôn nhân của mình một cái kết đúng nghĩa, mỗi người một đường riêng. Là bạn cũng có cuộc đời mới của mình để bạn sống. Đối phương cũng vậy. Hãy chừa một con đường sống cho nhau.
Đừng phán xét lỗi tại ai nữa. Đừng tranh thắng. Đừng ham muốn đối phương phải đau khổ như mình. Hãy thử tử tế lần cuối với nhau đi. Hãy thử nói chuyện với nhau như hai đối tác bắt đầu một hợp đồng mới đi. Hợp đồng chia sẻ việc nuôi dạy con sau ly dị. Chúng ta cùng mong con cái bớt tổn thương nhất khi cha mẹ ly dị kia mà?
Phụ nữ ạ, hãy bằng sự mềm mỏng của mình. Đàn ông ạ, hãy bằng sự chính trực của mình. Và ngay cả khi cô ấy không có sự mềm mỏng, anh là đàn ông, hãy bỏ qua được không? Và ngay cả khi anh ấy lộ rõ bản chất xấu xí, bạn là phụ nữ, hãy vị tha được không? Là nhắc nhau rằng: Hãy cho hôn nhân được quyền an tử. Bởi hôn nhân ấy cũng đã không còn nữa rồi. Bởi chúng ta cũng đã từng có một thời đầu gối tay ấp đầy hạnh phúc mà, nhớ không?
Đối thoại thay vì đối đầu. Là cùng ngồi xuống với nhau để nói về việc cùng nhau chăm sóc con cái. Như hai đối tác làm chung một công ty vậy. Mục tiêu cuối cùng là con không bị tổn thương và có thể phát triển một cách lành mạnh. Cùng nhau lên những nguyên tắc, lịch trình một cách cụ thể và bắt buộc. Là bảo vệ mọi quyền lợi của con thay vì bảo vệ cảm xúc của mình.
Ảnh minh họa
Không nói được thì viết thư đi. Không được nữa thì nhờ người trợ giúp. Bằng nếu anh ta vẫn giữ nguyên sự cay cú với bạn, đừng bị cuốn theo. Bạn đâu còn yêu anh ta để thấy đau với những gì anh ta làm với bạn?
Và đàn ông cũng vậy, trừ những gã tận cùng xấu xa, tôi vẫn tin vào lương tri của đàn ông, sự trưởng thành của anh ta sau khi đã rất… trẻ con. Đứa trẻ nào cũng sẽ phải lớn, và chồng bạn cũng vậy, miễn là bạn đừng làm cho anh ta nổi cơn trẻ con nữa. Đừng tranh cãi, hãy tranh thủ. Bằng sự mềm mỏng, lạt mềm buộc chặt. Bằng sự minh bạch, đường thẳng là đường ngắn nhất. Bằng cả sự quyết liệt, anh đang làm cho con chứ không phải cho em. Những gì anh làm, con sẽ ghi nhận chứ không phải em.
Khi đã cùng mục tiêu, bạn sẽ tới đích cùng anh ta trong việc ly hôn rồi con vẫn còn cha mẹ!
PHỤ NỮ ƠI, MÌNH ĐÃ THƯƠNG MÌNH ĐỦ CHƯA?
Có khi nào mình soi gương và tự hỏi: Mình à, mình đã thương mình đủ chưa?
Là thương chứ đừng chỉ là yêu. Thương là biết xót. Biết xót mình sau những vất vả của cuộc đời, mà đừng buộc vào mình thêm những nặng nợ nữa. Mình chẳng nợ ai cả ngoài cha mẹ mình, con cái mình. Nhưng cha mẹ nào cũng sẵn sàng xoá nợ cho con. Nhưng con cái nào cũng chẳng đòi cha mẹ trả. Vì họ cũng thương mình xiết bao. Sao mình chẳng biết thương lấy mình hả mình ơi?
Thương mình đi, mình ơi! Đừng trói buộc mình trong những nỗi đau đã cũ. Đừng để nỗi đau làm mờ mắt, khiến mình nhìn đâu cũng thấy nguy cơ, nhìn gì cũng thành định kiến. Mà lòng thành nguội lạnh, nói gì cũng thành tanh.
Thương mình thêm chút nữa được không? Để mà phủi bụi đi, để mà mới mẻ lại. Giặt giũ tinh tươm lại mình đi. Để thấy mình trong gương là một mình tươi mới. Bằng lòng tin rằng mình xứng đáng chứ đừng đợi ai công nhận mình. Mình không công nhận mình thì ai sẽ công nhận mình nổi đây?
Thương lấy mình để thấy cả những khuyết hao trong mình mà đắp bù lại. Làm cho mình tốt lên chút nữa, chút nữa, mỗi ngày. Chẳng cần phải giống ai, như ai, hơn ai hay bằng ai cả. Chỉ cần là tốt hơn chính mình của hôm qua thôi. Đó mới thực là thương mình vậy.
Thương mình thì phải học cách lắng nghe chính mình đi, nhiều hơn, sâu hơn, ân cần hơn, dịu dàng hơn. Để biết rằng mình đang ổn không, mà tặng mình cái ôm. Để biết rằng không ai thương mình bằng chính mình đâu. Cha mẹ thương mình nhưng thế là đủ rồi, đừng bắt cha mẹ vất vả thêm nữa. Con cái thương mình nhưng hãy để chúng được sống cuộc đời của chúng, đừng bắt chúng gánh thêm cha mẹ. Mình thương mình cũng là cách mình thương cha mẹ, mình thương con cái mình vậy, biết không?
Hôm nay, mình ơi, mình thương mình nhé, được không?