Trong thời đại 4.0, khi hỏi về hạnh phúc, Google sẽ trả cho bạn hàng nghìn kết quả liên quan: “Hạnh phúc là gì?”, “Làm sao để hạnh phúc”,… Người ta sẽ bảo bạn làm cái này, làm cái kia. Nhưng thực ra không có mẫu số chung cho hạnh phúc, chỉ có một điều chắc chắn là: Để mỗi ngày trôi qua đều đầy năng lượng và ấm áp như có mặt trời chiếu rọi, mỗi người đều cần không ngừng cố gắng và thêm yêu thương chính bản thân mình.
Hạnh phúc là được thấy gia đình bình an
Nhớ lại hồi mới lấy chồng, chị Bích Diệp (quận Đống Đa, Hà Nội) được các chị em bạn bè khuyên rằng, nếu được, tốt nhất nên ở riêng chứ đừng ở chung với bố mẹ chồng. Vì dù ít hay nhiều va chạm thì cũng sẽ có chuyện. “Nhưng mình vẫn quyết định ở chung, và đến giờ mình thấy đó là một quyết định đúng đắn. Mình được bố mẹ chồng hỗ trợ rất nhiều trong công việc nhà và chơi với con của mình để mình có thể đi làm hay nấu những món ăn mà mình yêu thích”, chị Diệp nói.
Riêng với mẹ chồng, chị Diệp dành một tình cảm đặc biệt bởi bà là người phụ nữ sống đơn giản nhưng sâu sắc. “Mẹ sống tiết kiệm và luôn nghĩ cho chồng con. Ngoài 70 rồi nhưng mẹ vẫn thích tự trồng rau, gội đầu bằng bồ kết, nấu những món ăn đơn giản. Đặc biệt mẹ rất thích tự may vá, mặc dù chưa đẹp nhưng cả gia đình mình vẫn sử dụng những đồ của mẹ. Mẹ may váy, áo cho chính mình, may quần áo, khăn cho con trai mình và may vỏ chăn, gối cho cả nhà. Mình nghĩ, có lẽ bà hạnh phúc vì được chăm sóc cho cả nhà nên sự hạnh phúc ấy đã giúp cả nhà luôn giữ được không khí đầm ấm, yêu thương”.
Chị Diệp nhớ về thời gian mình sinh con, mẹ chồng là người chăm sóc chị. “Mẹ thay đổi món thường xuyên, hỏi mình thích ăn gì để nấu chứ không hề áp đặt hay bắt chỉ ăn đồ khô. Đồ mẹ nấu luôn đủ các món canh - rau - mặn. Đồ cháu là mẹ luôn giặt tay, bởi con mình sinh vào mùa hè, mẹ bảo giặt tranh thủ nắng phơi cho thơm đồ cháu. Một lần mình đau dạ dày vào lúc giữa đêm, mẹ cũng là người xoa bụng rồi pha nước nghệ sắc cho mình uống”, chị kể. Với chị Diệp, mẹ chồng chị chưa bao giờ phân biệt con dâu với các chị chồng. Cũng bởi vậy nên nàng dâu ấy có cuộc sống hôn nhân nhẹ nhàng, bình yên, từ đó mà hạnh phúc.
Lấy nhau một thời gian, vợ chồng chị Hạnh (sống tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) mới dành dụm rồi thêm cả vay mượn để mua được một căn nhà bé tin hin mà theo chị kể, cái bếp sát ngay vệ sinh, khổ đủ bề. “Nhưng kể cả một cái bếp bé con con chỉ đặt vừa một bếp ga đôi, nhưng lúc nào nấu nướng xong tôi cũng lau dọn sạch sẽ ngăn nắp, bởi của bền tại người. Và cũng vì ngôi nhà ấy, căn bếp ấy là của riêng mình, nên chăm chút cho nó cũng khiến bản thân mình vui lắm, hạnh phúc lắm”, chị Hạnh nói.
Ảnh minh hoạ
Các con chị lớn lên từ ngôi nhà nhỏ ấy, bàn tay chị cũng nấu biết bao bữa cơm ấm nóng trong căn bếp còn đơn sơ ấy. Khó khăn mãi rồi cũng đến ngày anh chị phấn đấu xây một ngôi nhà to hơn. “Lúc xây nhà, tôi bảo với chồng mình: Tất cả các phòng khác, anh toàn quyền quyết định làm thế nào cũng được, nhưng riêng bếp thì cho em tham gia góp ý với. Tôi ước mơ có được một căn bếp đẹp đẽ và theo ý mình. Nhưng cũng như nếp xưa đối với căn bếp hẹp, bếp bây giờ của nhà tôi luôn được lau dọn sạch sẽ và ngăn nắp. Tôi nghĩ bếp là nơi giữ lửa. Hạnh phúc là không thể đong đếm khi người mẹ chăm sóc con, được nấu những món ăn các thành viên trong gia đình thích”, chị Hạnh kể. Với chị, cuộc sống dẫu còn nhiều mảnh vỡ chưa ưng ý hay những lục đục xáo trộn thì vẫn sẽ luôn tồn tại một sợi dây liên kết vô hình mang tên mái ấm gia đình. Nên ngày qua ngày chỉ cần nhìn thấy bố mẹ gia đình hai bên nội ngoại khoẻ mạnh, con cái bình an, vợ chồng thuận hoà đã là an yên rồi.
Hạnh phúc nằm trong tay mình
Sinh ra trong một gia đình bình thường, Anh Đào (29 tuổi, đang sống tại Úc) từng ví mình như một món hàng trong dây chuyền sản xuất công nghiệp, mẫu mã bình thường, công năng bình thường, không đặc sắc, không tinh xảo, không có cá tính. Kể cả tới khi vừa đặt chân đến Úc 2 năm trước, cô cũng vẫn “xem thường” bản thân mình, vì không kỹ năng, không kinh nghiệm, không quen biết ai, nên chỉ xin được việc làm công nhân đóng gói cho một nhà máy chế biến thịt ở Úc.
“Có lẽ, đây là công việc không ai muốn làm, bởi môi trường làm việc nhiều áp lực như: phải nhét mình dưới nhiều lớp áo phao để giữ ấm cơ thể trong suốt 10 tiếng đứng chuyền ở nhiệt độ 5 độ C trong nhà máy; phải đeo một tai nghe chống ồn nhưng tai vẫn luôn đau nhức; phải mang một đôi bốt lao động nặng nề. Và tất cả chỉ là đồng phục trang bị cho 10 giờ lao động miệt mài dưới áp lực của tiếng ồn động cơ, của những băng chuyền không bao giờ dứt. Lúc đó mình đã khóc, rất nhiều, vì cơ thể rã rời mệt lả, vì những áp lực chưa từng trải qua trong đời. Sức khoẻ của mình cũng vì thế mà giảm sút”, Đào kể lại. Những nỗi buồn, nỗi cô đơn ấy đã tích tụ ngày càng nhiều trong suy nghĩ và cơ thể Đào, đẩy cô đến sự tủi thân và yếu đuối.
Ảnh minh hoạ
Nhưng cũng chính lúc đó, cô gái trẻ này mới nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe và quan tâm nhiều hơn đến bản thân mình. Đào bắt đầu học nấu ăn, từ những món nho nhỏ đơn giản mỗi bữa, rồi sau đó nấu cho cả ngày, cả tuần để tiết kiệm thời gian.
Ăn uống đàng hoàng và tập thể dục, sức khỏe của Đào cải thiện hơn, cô rạng rỡ hơn nhiều so với thời gian trước. “Tư tưởng của mình bây giờ cũng thoải mái hơn trước, cố gắng thay đổi bản thân mỗi ngày. Dành thời gian rảnh rỗi đọc thêm 1 cuốn sách, xem 1 bộ phim yêu thích, mua hoa về cắm hay ngắm cây cỏ hoa lá, hoặc nấu nướng cầu kỳ một chút. Khi bản thân suy nghĩ tích cực thì cuộc sống nó sẽ đơn giản, nhẹ nhàng hơn”.
Như bao người khác, Thanh Hằng (kinh doanh trong lĩnh vực thẩm mỹ, sống tại TP Hồ Chí Minh) cũng chỉ có 24h/ngày. “Mình có công việc, có chồng và các con. Mọi người nói mình may mắn nhưng mình hiểu được đó là nỗ lực từ chính bản thân, là thành quả từ tư duy sống tích cực, lạc quan và chăm chỉ nên mình luôn nhắc nhở chính mình không bao giờ được quên những điều cốt lõi”.
Từ những trải nghiệm cuộc sống, Hằng nhận ra rằng, hạnh phúc không ở đâu xa mà nằm trong tay mình. “Phụ nữ chúng mình dễ bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực, thế nên chị em cố gắng sống tích cực, luôn nhìn vào niềm vui nhé. Đừng để ai làm hỏng hoặc quyết định cảm xúc của mình. Khi bạn nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực, nó sẽ tích cực. Mình chân thành hy vọng và mong ước rằng những người phụ nữ như mình sẽ luôn tìm ra con đường hạnh phúc cho riêng mình. Tích cực, vui vẻ và ấm áp. Cùng với đó, đừng quên quản lý thời gian, vạch ra timeline cho mỗi ngày. Nhưng cũng đừng vì guồng quay cuộc sống hối hả mà quên mất chăm sóc bản thân, khi bản thân từ biết yêu mình trước, sẽ biết cách yêu thêm những người thân. Biết hạnh phúc và hài lòng với những gì mình có. Hạnh phúc không có một đáp án chuẩn mực, niềm vui cũng không chỉ xuất phát từ một con đường”, Hằng chia sẻ.