Anh yêu em như yêu đất nước

Mai Chi
Chia sẻ

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ta, những câu chuyện về tình yêu đôi lứa hòa vào tình yêu đất nước luôn được ngợi ca như một phần của lịch sử. Tình yêu ấy là điểm tựa để trai gái đôi mươi tin tưởng vào một ngày mai đất nước hòa bình, họ lại được sum họp trở về bên nhau.

Những cuốn nhật ký về một thời rực lửa

Những kỷ niệm về một thời hoa lửa ở Trường Sơn được cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Phượng (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) ghi chép tỉ mỉ trong cuốn nhật ký mang tên Đất lửa. Trân trọng kỷ vật đã gần nửa thế kỷ của vợ, cựu chiến binh Bùi Văn Thuân không khỏi bùi ngùi: “Những dòng lưu bút em ghi trong cuốn nhật ký bé nhỏ này hình như đã hòa cùng với máu thịt của chúng tôi”.

Tháng 6/1971, vừa mới học xong cấp 2, bà Phượng cùng 120 nữ thanh niên của tỉnh Thái Bình gia nhập Đại đội 3 dân công hỏa tuyến, sau lại chuyển sang đơn vị TNXP, hành quân vào tăng cường cho Bộ đội Trường Sơn mở đường chi viện chiến trường miền Nam, làm nhiệm vụ phá đá mở đường đoạn từ Km 6 đến Km 12 (thuộc Đường 10), khu vực phía tây tỉnh Quảng Bình. Trong cuốn nhật ký đã ngả vàng là hồi ức về những năm tháng đau thương và đáng nhớ, nhiều hy sinh mất mát và có cả những lúc bà đối diện với tử thần trong gang tấc. Nhưng cho đến tận bây giờ, khi nhắc về thời hoa lửa ấy, bà Phượng vẫn thường nói với chồng con, “đau thương mà cũng rất đỗi hào hùng. Đó mãi là ký ức không phai”.

Cuối năm 1973, e ngại sức khỏe khó đáp ứng được công việc, bà Phượng hoàn thành nghĩa vụ, về quê và trở thành giáo viên mầm non. Cũng khoảng thời gian này, cô giáo Phượng nên duyên với người thanh niên cùng quê Bùi Văn Thuân, kém mình một tuổi. Thầm ngưỡng mộ người vợ đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước, noi gương vợ, nên một thời gian sau đó, ngày 6 tháng Giêng năm Ất Mão 1975, ông Thuân tình nguyện lên đường đi B. Tuổi xuân ở chiến trường, giờ làm vợ, bà Phượng là hậu phương son sắt, thay chồng chăm sóc bố mẹ, chu toàn việc nhà, việc đôi bên. Tình yêu thời chiến khó mà tránh khỏi chuyện chia xa, ông Thuân cứ đi biền biệt. Mãi mà họ chẳng có con. Tưởng như khó lòng vượt qua cú sốc ấy, nhưng nhờ luôn tin tưởng và thấu hiểu nhau, họ lại nắm tay nhau cùng hy vọng. “Chuyến về phép đầu năm 1981, vợ chồng đã chuẩn bị chia tay, song do thời gian thay đổi nên anh được ở lại thêm mấy ngày. Khoảng 9 tháng sau, tôi sinh con trai đầu lòng. Ít lâu sau đó, tôi sinh thêm con gái. Vậy là đủ cả nếp cả tẻ”, bà Phượng bồi hồi nhớ lại.

Anh yêu em như yêu đất nước - 1

Vợ chồng ông Thắng – bà Tự

Giờ đây, các con của ông Thuân, bà Phượng đã trưởng thành, đều là những quân nhân công tác trong các đơn vị quân đội. Còn hai ông, bà vẫn tích cực tham gia công tác hội ở địa phương. Cựu Chiến binh Bùi Văn Thuân hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thượng Thanh, còn bà Phượng cũng tham gia Ban chấp hành Hội cựu TNXP của phường.

Cuốn nhật ký “Tình yêu và chiến tranh” dài tới 164 trang của ông Trần Công Thắng (75 tuổi) viết trong những năm tháng ở Trường Sơn, từng được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam như một kỷ vật về tình yêu thời chiến hòa cùng với tình yêu đất nước. Trong cuốn nhật ký ấy là rất nhiều bức thư tình ông viết cho vợ mình, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, đều mở đầu bằng câu “Em thương yêu” và tái bút “Yêu em nhiều. Hôn em”.

Gần sáu mươi năm trước, anh bộ đội Trần Công Thắng thuộc Trung đoàn công binh 251 phải lòng cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, quê Hưng Yên, khi đóng quân ở Yên Bái. Thế là cứ tối cuối tuần, ông Thắng lại đi bộ sang đơn vị của bà Ánh để gặp. Những đợt bận việc, không gặp được bạn gái thì ông Thắng lấy giấy poluya mang từ Hà Nội ra viết thư, nhờ đồng đội cầm sang. Nhận thư, bà Ánh phải cất kỹ, chờ lúc không có ai mới mang ra đọc. Bao tâm tình chỉ dám bày tỏ vào thư, vì thời ấy, đến cái nắm tay còn thẹn thùng. Thế mà, ngày chia tay để ông Thắng lên đường nhận nhiệm vụ trực chiến trên các trọng điểm Tây Trường Sơn (tháng 3/1968), bà Ánh dúi vào tay người yêu chiếc khăn mỏng làm tín vật, giọng run run nhưng đầy ước hẹn: "Em sẽ đợi anh về".

8 năm sau đó, sau rất nhiều chuyện vật đổi sao dời, bà Ánh chuyển đơn vị, còn những lá thư dài ông Thắng bền bỉ viết cho người yêu chưa từng đến được tay bà vì thất lạc, họ cũng gặp được nhau. Câu đầu tiên ông Thắng hỏi bà: “Em còn yêu anh không?”. “Nếu không, sao em còn đợi anh về”, bà đáp. Ngay tối đó, anh bộ đội đèo người yêu trên chiếc xe đạp cọc cạch, vượt đường đất về nhà gái ở huyện Kim Động, Hưng Yên, xin phép gia đình cho qua lại.

Tháng 7/1974, đám cưới nhỏ với vài thanh kẹo lạc, ấm chè tươi được tổ chức. Hai người đồng chí mặc áo sơ mi trắng, quần bộ đội, chính thức nên duyên vợ chồng. “Vì gặp nhau trong gian khổ mà tình thương quyện chặt với tình yêu”, ông Thắng nói. Tháng 8 năm ấy, ông vào Quảng Trị tiếp tục chiến đấu. Lại xa nhau, 3 năm sau đó họ mới sinh con gái đầu lòng.

Giờ đây, ở tuổi xế chiều, khi tuổi thanh xuân đã trôi đi từ lâu, họ vẫn dành cho nhau tình cảm bền chặt. Một tình cảm hòa quyện giữa tình yêu lứa đôi với tình đồng đội, đồng chí.

Anh yêu em như yêu đất nước - 2

Cuốn nhật ký Đất lửa

Tình yêu còn xanh mãi

Bao nhiêu năm chưa một lần quên lời hẹn “ra Hà Nội nhất định sẽ tìm nhau”, để giờ đây, trong căn nhà nhỏ ở phố Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy luôn là những tiếng cười hạnh phúc, ấm êm của hai vợ chồng người cựu chiến binh Trần Đức Thắng và Vũ Thị Tự.

Khói lửa chiến tranh, mưa bom lửa đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã ươm mầm cho tình yêu của đôi trẻ. Khi đó, ông thuộc trung đoàn chiến đầu còn bà thuộc trung đoàn phục vụ chiến đấu, đơn vị C22, Tiểu đoàn 768, Trung đoàn 15, Quân khu 3 tại Thạch Thành, Thanh Hoá. Nghị lực của cô gái nhỏ nhắn khoảng 40kg gánh trên vai mình những tải lương thực nặng cố gắng leo từng con dốc đã khiến ông Thắng quyết tâm phải… ngỏ lời.

Nhưng chiến tranh ác liệt, tình yêu phải chia xa, khó có thể đoán trước được gì. Tháng 4 năm 1973, ông vào Nam tập kết. Ngày tiễn biệt nhau ở bến xe, ông chỉ kịp nhắn nhủ bà: “Nếu có ra Hà Nội thì đi trên tàu từ Ninh Bình ra tới ga Tía (ga Chợ Tía, Thường Tín), nhìn sang bên phải là làng Mui (làng của ông) có cây đa cao nhất, tìm người tên Thắng có chị gái sinh đôi, rồi hỏi thêm tên bố mẹ là tìm được tôi”.

Suốt những năm tháng xa nhau, chưa từng một lần ông quên đi người con gái đang ở hậu phương chờ mình. Và bà Tự cũng không một lần nguôi lời ước hẹn. Hòa bình năm 1975, bà đạp xe từ đơn vị tìm đến nhà ông ở thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín (Hà Nội) và như được trời thương, bà nhanh chóng tìm được ngay nhà ông Thắng. Ngày gặp lại sau giải phóng là ngày ông vẫn còn nằm dưỡng bệnh vì sốt rét. Lời hẹn gửi gắm hôm tiễn biệt ấy, chưa một lần bà quên. Lần gặp lại này, ông bà biết sẽ không bao giờ phải chia xa nữa.

Chỉ là những lời hứa hẹn, nhưng tình yêu của họ là minh chứng cho sự sắt son, dành hết hy vọng cho nhau, rằng đất nước thống nhất, ta sẽ được sum vầy. Họ trân trọng nhau và chẳng để lạc mất nhau thêm một lần nào nữa. Giờ đây, ông bà vẫn hạnh phúc sống những ngày tháng thật bình dị bên con cháu.

Chia sẻ

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm...

Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới

Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới

Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới không chỉ khơi dậy niềm tự hào về quá khứ mà còn là bước đi chiến lược để phụ nữ Thủ đô tự tin khẳng định vị trí của mình, đưa Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh.

Cùng phụ nữ dân tộc thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”

Cùng phụ nữ dân tộc thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025” được Hội LHPN Hà Nội chủ trì, triển khai tại 5 huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.

Tiếp lửa truyền thống qua câu chuyện lịch sử

Tiếp lửa truyền thống qua câu chuyện lịch sử

Tại Hà Nội, thời gian qua, nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, giao lưu nhân chứng lịch sử tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nói chuyện truyền thống về 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2025 đã được tổ chức, qua đó khơi dậy trong thế hệ trẻ hôm nay lòng yêu nước, tự hào dân tộc.