Với chủ đề "Kinh tế xanh và đóng góp của phụ nữ", đại biểu phụ nữ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm, các sáng kiến phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế xanh; góp phần tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân và phụ nữ hai nước, đóng góp tích cực vào quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hiệu quả và thực chất.
Thực hiện tốt những nội dung trong biên bản ghi nhớ
Phát biểu tại diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11, do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc tổ chức ngảy 10/9, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11 là một sự kiện vô cùng ý nghĩa, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc. Thế giới và khu vực đang phải đối mặt với những thách thức sau đại dịch Covid-19, sự suy giảm nghiêm trọng của chất lượng môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam và Hàn Quốc đều đưa ra cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu.
Ở Việt Nam, phát triển xanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và được cụ thể hóa bằng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ Việt Nam với các nhiệm vụ chiến lược được đề ra: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đối với Việt Nam, những thành tựu của Hàn Quốc trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vấn đề quản trị giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong kinh tế xanh là những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh.
Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại diễn đàn
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga mong muốn hai bên sẽ tiếp tục phát huy sáng kiến, thực hiện tốt những nội dung trong Biên bản ghi nhớ mà Hội ký với Mạng lưới Nữ đại biểu Quốc hội Hàn Quốc tại diễn đàn lần này.
Theo Tiến sĩ Kim Jong Sook, Chủ tịch Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, Diễn đàn Phụ nữ Hàn Quốc - Việt Nam năm nay là cơ hội để đánh dấu bước tiến quan trọng cho thập kỷ tới, dựa trên những thành quả đã đạt được trong 10 năm qua. “Với chủ đề của diễn đàn “Kinh tế xanh và đóng góp của phụ nữ”, chúng ta sẽ thảo luận về các cách thức hai nước hợp tác hướng tới các chiến lược phát triển bền vững, trong đó theo đuổi các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”, Chủ tịch Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc nhấn mạnh.
Cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến
Bà Yoon Jiso, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hợp tác quốc tế (KWDI) cho biết: Từ năm 2019, nhu cầu về công việc xanh tại Hàn Quốc tăng nhanh hơn 30% so với toàn bộ thị trường lao động. Mức lương cho các công việc xanh có thể cao hơn tới 20% so với các lĩnh vực khác. Điều này mở ra cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các công việc xanh. Do đó, bà Yoon Jiso nhấn mạnh việc mở rộng cơ hội giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực STEM để phụ nữ và trẻ em gái có thể tham gia và duy trì sự nghiệp trong các công việc xanh, xây dựng môi trường làm việc bao dung để duy trì sự nghiệp, phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực chủ đạo và trong quá trình ra quyết định.
Chia sẻ vấn đề về tăng trưởng xanh và Quản trị giới ở Hàn Quốc, Tiến sĩ Kim Eun Kyung Chủ tịch Viện Phát triển lãnh đạo Sejong cho biết: Việc lồng ghép giới mới chỉ được khuyến nghị thực hiện như một hướng dẫn, không có tính ràng buộc đối với thực hiện hiệp ước của các quốc gia có liên quan trong Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề khí hậu thường được ưu tiên hơn việc lồng ghép giới hoặc thảo luận về bình đẳng giới trong biến đổi khí hậu. Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác cần thảo luận những chiến lược mang tầm khu vực về bình đẳng giới, như một ứng phó có trách nhiệm đối với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm nón của huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Bà Đào Mai Hoa, Phó ban phụ trách, Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam cho biết: Nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn có nhiều chủ động, tích cực, sáng tạo trong thúc đẩy, hỗ trợ kết nối phụ nữ tham gia các chương trình tín dụng xanh, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Các chương trình tín dụng xanh của Hội không chỉ giúp chị em phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi mà còn khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ kết nối tín dụng xanh; Hội hỗ trợ, khuyến khích nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong đó luôn đề cập đến các giải pháp phát triển kinh tế bền vững thông qua các hình thức như: đào tạo, tư vấn, kết nối, tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cho các chủ doanh nghiệp nữ, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh. Hội cũng chủ trì Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và Đề án Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế và định hướng phát triển bền vững của Chính phủ. Nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế bền vững cũng được Hội khuyến khích hội viên, phụ nữ áp dụng như: Dự án phát triển nông nghiệp xanh, mô hình giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng hạ tầng xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Chia sẻ tại diễn đàn, Tiến sĩ Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Bộ đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoặc trực tiếp ban hành các văn bản ở 3 cấp độ. Cấp độ chủ trương, đường lối chung được thể hiện thông qua Nghị quyết số 24/NQ/TƯ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường... Hiện nay, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và Danh mục các dự án được vay tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện để phát triển kinh tế xanh.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước về kinh tế xanh thành các chương trình, kế hoạch hành động thiết thực của Hội; đồng thời thúc đẩy một số giải pháp mang tính tổng thể như: Nâng cao nhận thức, năng lực, trang bị cho phụ nữ kiến thức và kỹ năng về kinh tế xanh, hướng tới tăng việc làm xanh cho phụ nữ; tăng cường lồng ghép giới vào quá trình thiết kế, thực hiện và đánh giá các chính sách, chương trình, dự án về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, môi trường và biến đổi khí hậu; phát huy sáng kiến của phụ nữ trong thúc đẩy văn hóa sống xanh, sản xuất kinh doanh xanh và tiêu dùng bền vững; tăng cường kết nối, hợp tác trong nước và quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến phát huy vai trò của phụ nữ trong kinh tế xanh…