8 dấu hiệu cho thấy bạn đang suy nghĩ quá nhiều, cần sớm thay đổi

Bảo Anh.
Chia sẻ

Suy nghĩ quá nhiều không phải lựa chọn có ý thức mà là hành vi tâm lý có thể dẫn bạn đến những thách thức thực sự trong cuộc sống hàng ngày. Nếu nhận ra hình ảnh của mình trong những điều dưới đây, đã đến lúc bạn cần thay đổi.

1. Bạn không thể đưa ra quyết định

8 dấu hiệu cho thấy bạn đang suy nghĩ quá nhiều, cần sớm thay đổi - 1

Nếu bạn thấy mình liên tục rơi vào trạng thái do dự thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy việc suy nghĩ quá nhiều đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn. Ví dụ, bạn có thể gặp khó khăn khi quyết định mặc gì vào buổi sáng hoặc chọn ăn gì cho bữa trưa. Điều này có vẻ bình thường nhưng lại là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang suy nghĩ quá nhiều ngay cả trong những tình huống đơn giản nhất.

Vấn đề không phải sự lựa chọn, mà là sức ép về mặt tinh thần và thời gian cần thiết để đưa ra lựa chọn đó. Suy nghĩ quá nhiều không có nghĩa là bạn chu đáo hay cẩn thận hơn mà thường dẫn đến căng thẳng và lo lắng không cần thiết. Khi mất nhiều thời gian hơn để cân nhắc mọi kết quả có thể xảy ra, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng tê liệt.

Thường xuyên thiếu quyết đoán có thể khiến bạn nghi ngờ khả năng phán đoán của mình và làm xói mòn lòng tự tin. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không ổn. Hãy nhớ rằng, suy nghĩ thấu đáo hoàn toàn bình thường, nhưng khi việc này bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn và ngăn cản bạn đưa ra những quyết định cơ bản thì đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc suy nghĩ quá mức đang ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn.

2. Bạn thường mệt mỏi khi không vận động thể chất

Một dấu hiệu bất ngờ cho thấy bạn đang suy nghĩ quá nhiều là tình trạng mệt mỏi liên tục, ngay cả khi bạn không hề hoạt động thể chất đáng kể. Bạn có thể thấy mình lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, khó khăn khi rời giường hoặc dễ mất tập trung. Đó là cảm giác kiệt sức dai dẳng dường như không thuyên giảm, bất kể bạn có nghỉ ngơi nhiều đến đâu.

Suy nghĩ quá mức có thể khiến bạn phải làm việc quá sức. Hoạt động tinh thần liên tục này có thể gây mệt mỏi như hoạt động thể chất, như bạn phải chạy marathon trong tâm trí mỗi ngày và nó khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.

Sự kiệt sức do suy nghĩ quá nhiều cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Tâm trí bạn có thể vẫn hoạt động khi bạn cố gắng ngủ và điều này dẫn đến tình trạng mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Nếu bạn thấy mình liên tục bị kiệt sức mà không rõ nguyên nhân, có lẽ đã đến lúc bạn nên xem xét liệu suy nghĩ quá mức có phải là nguyên nhân hay không.

3. Năng suất của bạn giảm mạnh

Suy nghĩ quá mức có thể tạo ra cảm giác sai lầm về năng suất. Bạn có thể nghĩ rằng việc liên tục suy nghĩ về một vấn đề hoặc tình huống sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp, nhưng thực tế thì thường ngược lại.

Bộ não con người chỉ có thể tập trung hiệu quả vào một việc tại một thời điểm. Khi bạn bận suy nghĩ quá nhiều, nguồn lực của bạn sẽ bị sử dụng hết mà không đạt được là bao. Điều này có thể khiến bạn khó tập trung vào các nhiệm vụ trước mắt, dẫn đến năng suất giảm.

Bạn có thể thấy mình trễ thời hạn, mắc lỗi hoặc đơn giản là không hoàn thành được nhiều việc như trước. Điều này không phải vì bạn đột nhiên trở nên kém đi mà là nguồn lực nhận thức của bạn đang bị cạn kiệt bởi việc suy nghĩ quá mức. Sự sụt giảm năng suất này có thể dẫn đến cảm giác bất lực và thất bại, tạo nên vòng luẩn quẩn khiến chúng ta suy nghĩ quá mức hơn.

4. Bạn đang đấu tranh để tận hưởng hiện tại

8 dấu hiệu cho thấy bạn đang suy nghĩ quá nhiều, cần sớm thay đổi - 2

Khi suy nghĩ quá nhiều, chúng ta dễ quên mất hiện tại. Bạn có thể thấy mình liên tục bận tâm đến những sai lầm trong quá khứ hoặc lo lắng về những viễn cảnh trong tương lai, để rồi không còn thời gian để thực sự trân trọng khoảnh khắc hiện tại.

Chúng ta có thể suy ngẫm về quá khứ và lập kế hoạch cho tương lai nhưng khi những suy nghĩ này bắt đầu lấn át khả năng tận hưởng niềm vui giản đơn trong hiện tại thì đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc suy nghĩ quá mức đang gây hại đến bạn.

Có thể bạn gặp khó khăn trong việc tận hưởng trọn vẹn cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp vì bạn đang nhớ lại một cuộc trò chuyện ngượng ngùng hồi sáng. Bạn cũng có thể bỏ qua bữa cơm cùng những người thân yêu vì lo lắng cho bài thuyết trình ngày mai. Thật khó khăn khi tâm trí bạn cảm thấy như đang ở múi giờ khác với cơ thể.

Thừa nhận điều này có thể là bước đầu tiên giúp bạn giành lại quyền kiểm soát suy nghĩ và học cách đắm mình vào vẻ đẹp của từng khoảnh khắc. Suy cho cùng, cuộc sống diễn ra ở hiện tại và đừng đánh mất những giây phút quý giá ấy vì suy nghĩ quá nhiều.

5. Bạn liên tục tìm kiếm sự an tâm

Chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác không chắc chắn của một quyết định, muốn tìm kiếm ý kiến ​​thứ hai. Nhưng khi bạn suy nghĩ quá nhiều, việc tìm kiếm sự đảm bảo có thể trở thành nhu cầu gần như liên tục.

Bạn luôn hỏi ý kiến ​​người khác về quyết định của mình, nghi ngờ lựa chọn của bản thân ngay cả sau khi đã tìm kiếm sự xác nhận. Như đang ở trong một mê cung có quá nhiều lối đi, bạn cứ liên tục tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy mình đang đi đúng hướng nhưng rồi lại càng bối rối và không chắc chắn.

Nhu cầu liên tục được trấn an này có thể gây căng thẳng cho các mối quan hệ và làm xói mòn sự tự tin của bạn. Nhận ra được điều đó là một bước quan trọng để thoát khỏi vòng lặp suy nghĩ quá mức và học cách tin tưởng bản thân hơn.

6. Bạn gặp khó khăn khi ngủ

Nếu bạn từng thấy mình nằm thao thức vào ban đêm, không thể ngừng suy nghĩ thì bạn sẽ biết suy nghĩ quá nhiều có thể gây rối loạn giấc ngủ như thế nào. Bạn nằm trên giường và sẵn sàng cho một giấc ngủ ngon nhưng thay vì chìm vào giấc ngủ, bạn đang tua lại các sự kiện trong ngày hoặc lo lắng về cuộc họp sắp tới, hết suy nghĩ này đến suy nghĩ khác. Và trước khi bạn nhận ra điều đó, nhiều giờ đã trôi qua.

Đây là trải nghiệm thường gặp ở những người suy nghĩ quá mức. Tâm trí bạn từ chối nhấn nút "tắt", miên man với những dòng suy nghĩ không ngừng. Việc thiếu ngủ không chỉ khiến bạn mệt mỏi vào ngày hôm sau mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần tổng thể của bạn.

Nếu bạn trằn trọc nhiều hơn là ngủ ngon thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy việc suy nghĩ quá nhiều đang ảnh hưởng đến giấc ngủ cần thiết của bạn. Nhận ra điều này có thể là bước đầu tiên hướng bạn tới giấc ngủ ngon hơn và tinh thần khỏe mạnh hơn.

7. Bạn đang bỏ lỡ những cuộc phiêu lưu trong cuộc sống

Cuộc sống luôn có nhiều cơ hội để phiêu lưu và suy nghĩ quá nhiều có thể khiến bạn bỏ lỡ những trải nghiệm này. Bạn có thể thấy mình từ chối nhiều lời mời, tránh những trải nghiệm mới hoặc ngần ngại chấp nhận rủi ro vì quá bận rộn với việc phân tích mọi kết quả tiềm năng.

Đã bao lần bạn từ chối một chuyến đi ngẫu hứng vì lo lắng về những điều "nếu như"? Đã bao lần bạn từ bỏ một cơ hội đầy hứa hẹn vì những rủi ro đi kèm?

Suy nghĩ quá mức có thể biến cuộc sống thành một loạt các bước đi được tính toán kỹ lưỡng và dù thận trọng là tốt nhưng thận trọng quá mức có thể ngăn bạn thực sự sống.

Cuộc sống là không thể đoán trước và đó chính là điều làm cho nó trở nên thú vị. Nếu bạn chỉ ở trong vùng an toàn vì suy nghĩ quá nhiều, đã đến lúc bạn cần thừa nhận và thay đổi.

8. Hạnh phúc của bạn đang bị lu mờ

8 dấu hiệu cho thấy bạn đang suy nghĩ quá nhiều, cần sớm thay đổi - 3

Dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy việc suy nghĩ quá nhiều có thể đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống là khi hạnh phúc của bạn trở nên mờ nhạt. Bạn ít thấy mình vui vẻ hơn, ít tìm được lý do để mỉm cười hoặc khó có thể thực sự cảm thấy hài lòng.

Suy nghĩ quá mức có thể phủ bóng đen lên những điều tích cực trong cuộc sống. Bạn dễ tập trung vào việc phân tích và lo lắng về mọi thứ đến nỗi quên mất việc thực sự tận hưởng.

Nhớ rằng, hạnh phúc không phải là có tất cả câu trả lời hay loại bỏ mọi rủi ro mà là chấp nhận cuộc sống với tất cả những thăng trầm, bất trắc và bất ngờ. Nếu việc suy nghĩ quá nhiều làm suy giảm hạnh phúc của bạn, đã đến lúc bạn nên lùi lại một bước và nhớ rằng, không sao cả nếu bạn không có tất cả câu trả lời.

Chia sẻ

Bảo Anh.

Tin cùng chuyên mục

7 điều bạn vô tình làm khiến ai cũng thoải mái khi ở bên

7 điều bạn vô tình làm khiến ai cũng thoải mái khi ở bên

7 thói quen mà bạn vô thức thể hiện dưới đây sẽ thúc đẩy sự kết nối, tạo ra không gian nơi người khác cảm thấy được nhìn nhận, lắng nghe và trân trọng. Nhớ rằng, mỗi tương tác là một cơ hội để bạn kết nối và tác động tích cực đến cuộc sống của ai đó.

9 mẹo nhỏ giúp người khôn ngoan học hỏi từ sai lầm

9 mẹo nhỏ giúp người khôn ngoan học hỏi từ sai lầm

Cuộc sống là một quá trình thử nghiệm và bạn sẽ mắc phải những sai lầm lớn hay nhỏ, lúc này hay lúc kia. Học hỏi từ những sai lầm đó chính là chìa khóa giúp bạn đạt được mục tiêu và tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống.