6 điều sếp không nói ra nhưng người nào biết được chính là khôn ngoan

Bảo Anh.
Chia sẻ

Dưới đây là 6 điều mà cấp trên của bạn có thể không nói ra nhưng là nhân viên, bạn rất cần biết.

1. Thái độ của bạn quan trọng như công việc của bạn

Bạn có thể nghĩ rằng nếu bạn làm việc tốt, đó là tất cả những gì quan trọng nhưng sự thật là thái độ và kỹ năng giao tiếp có thể còn quan trọng hơn nhiều. Quản lý một nhóm là điều không hề dễ dàng và sẽ càng khó khăn hơn khi một thành viên trong nhóm luôn phản hồi theo hướng phản đối, khó làm việc cùng hoặc chỉ đơn giản là luôn khó chịu.

Nếu bạn thường xuyên phàn nàn, bác bỏ các ý tưởng hoặc hành động thì có lẽ cấp trên đã coi bạn là một nỗi phiền toái khi phải đối phó, ngay cả khi sếp không nói ra. Điều đó có thể khiến bạn bị mất cơ hội nhận được các nhiệm vụ công việc thú vị hơn, linh hoạt hơn, mức tăng lương hấp dẫn hơn và thậm chí là khả năng cao đứng đầu danh sách nếu cần phải cắt giảm ngay cả khi kết quả công việc của bạn không vấn đề.

Điều này không có nghĩa là bạn được nói ra ý kiến của mình bởi những người quản lý giỏi rất coi trọng ý kiến đóng góp. Nhưng nếu bạn thấy mình chống lại nhiều hơn là chấp nhận hoặc bạn nhận được phản hồi rằng bạn đang tỏ ra tiêu cực, hiếu chiến thay vì mang tính xây dựng thì đó chính là vấn đề.

2. Bạn có thể không đồng tình nhưng hãy làm theo đúng cách

6 điều sếp không nói ra nhưng người nào biết được chính là khôn ngoan - 1

Những cấp trên giỏi muốn lắng nghe các quan điểm khác nhau nhưng bạn cần phải thông minh về mặt cảm xúc khi trình bày ý kiến của mình. Đa phần những trường hợp nhân viên bất bình vì cấp trên không hoan nghênh sự bất đồng quan điểm hoặc phản hồi là do họ đã đưa ra sự bất đồng quan điểm hoặc phản hồi theo cách không đúng.

Chìa khóa ở đây là trình bày lập trường của bạn một cách bình tĩnh và không đưa cảm xúc vào. Giọng điệu thực sự đóng vai trò quan trọng. Và bất kể là về vấn đề gì, bạn sẽ đạt được kết quả tốt nhất khi bạn định hướng cuộc trò chuyện rằng bạn hiểu người cuối cùng đưa ra quyết định là sếp và bạn sẵn sàng đồng ý ngay cả khi quyết định đó khác với bạn.

3. Cấp trên không nhớ mọi thứ bạn làm và điều đó không sao cả

Bạn đã bao giờ cảm thấy khó chịu khi cấp trên dường như quên hết chi tiết công việc mà bạn đã thảo luận rõ ràng với họ trước đó chưa? Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao sếp dường như không thể theo dõi công việc quan trọng đó?

Thực tế là cấp trên của bạn phải nhớ tất cả các chi tiết về công việc của chính họ, cộng với những điều cơ bản về những gì cả nhóm đang làm. Vì vậy, nếu bạn cần nhắc nhở họ về một chi tiết quan trọng nào đó, nó không có nghĩa là họ không quan tâm.

4. Những phản hồi là nhằm giúp ích cho bạn, ngay cả khi điều đó khó nghe

Bạn có thể thấy khó chịu khi phải nghe về những gì bạn làm chưa đủ tốt. Nhưng hãy tưởng tượng, sẽ ra sao nếu cấp trên của bạn thậm chí không bao giờ đưa ra phản hồi nào, bản thân bạn lại bị bỏ qua trong khi những người khác được giao nhiệm vụ và thăng chức tốt hơn?

Đa phần cấp trên không đưa ra phản hồi để khiến bạn cảm thấy tệ hơn hay hạ thấp bạn. Họ làm vậy vì họ muốn bạn hoàn thành tốt hơn công việc của mình, vì lợi ích chung của công ty và của chính bạn.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tiếp nhận phản hồi một cách bình tĩnh, hãy nhớ rằng bạn không ở trong phòng xử án và không cần phải tự bảo vệ mình. Điều mà cấp trên của bạn thực sự muốn nghe là bạn đang xử lý phản hồi đó và sẽ tiếp thu, đưa nó vào công việc. Bạn có thể nói rằng: "Em rất vui vì được sếp chia sẻ. Em sẽ… để giải quyết vấn đề này".

5. Cảm xúc của bạn ảnh hưởng đến uy tín của bạn

6 điều sếp không nói ra nhưng người nào biết được chính là khôn ngoan - 2

Khi cảm xúc của bạn tô màu cho các phán đoán bạn đưa ra, nó sẽ khiến bạn trở nên không đáng tin cậy. Chúng ta đều có lúc cảm thấy thất vọng trong công việc nhưng sếp của bạn sẽ nhận ra nếu bạn giữ được bình tĩnh, lý trí và khách quan. Bạn sẽ uy tín hơn nếu bạn đánh giá mọi người và mọi việc một cách trung thực, ngay cả khi bạn không thích chúng. Làm được vậy, bạn sẽ thấy rằng ý kiến của mình được coi trọng hơn và các tình huống có khả năng gây tranh cãi sẽ diễn ra suôn sẻ hơn.

6. Đôi khi người khác được đối xử đặc biệt vì một lý do nào đó

Nếu bạn từng tự hỏi tại sao đồng nghiệp A được làm việc tại nhà vào thứ 6 mà bạn không được, hoặc tại sao đồng nghiệp B không phải nộp nhiều báo cáo như bạn… hãy cân nhắc rằng có thể có lý do chính đáng. Có thể đồng nghiệp A có vấn đề riêng về sức khỏe mà cấp trên không muốn mọi người biết, đồng nghiệp B luôn hoàn thành công việc xuất sắc nên cấp trên thấy không cần phải báo cáo ở cùng mức độ như những người khác...

Thường thì việc cấp trên đối xử khác nhau với những nhân viên khác nhau là khá hợp lý. Nếu bạn muốn yêu cầu một đặc quyền, tốt hơn hết là bạn nên dựa trên lập luận về công trạng của riêng mình thay vì so sánh với đồng nghiệp.

Chia sẻ

Bảo Anh.

Tin cùng chuyên mục