Dù bạn ở độ tuổi nào, điều quan trọng là phải bắt đầu ngay bây giờ, nhận ra bây giờ chính là điểm khởi đầu.
Tuổi 50 có vẻ còn xa bạn hay đã cận kề, điều quan trọng là bạn phải nỗ lực tiết kiệm cho tuổi nghỉ hưu để có thể tự tin về tài chính. Để giúp bạn theo dõi khoản tiết kiệm của mình khi đến gần tuổi nghỉ hưu, các chuyên gia tại Fidelity Investments khuyên bạn nên có khoản tiết kiệm gấp 6 lần thu nhập năm vào tuổi 50 để có thể nghỉ hưu ở tuổi 67.
Điều này có nghĩa rằng, giả sử thu nhập của bạn là 200 triệu đồng/năm thì ở tuổi 50, bạn nên có khoản tiết kiệm 1,2 tỷ đồng để có thể nghỉ hưu ở tuổi 67 với mức sống không thay đổi nhiều.
Eliza Badeau, Phó Chủ tịch phụ trách tư tưởng nơi làm việc tại Fidelity và chuyên gia về hưu trí cho biết: “Chúng tôi đưa ra những hướng dẫn này như mục tiêu để mọi người hướng tới. Phương pháp quan trọng nhất ở đây là bắt đầu sớm và tiết kiệm đều đặn trong suốt sự nghiệp của bạn”.
Và ngay cả khi bạn thấy tiêu chuẩn của Fidelity có vẻ khó đạt được thì bằng cách phát triển 3 thói quen tài chính dưới đây trước tuổi 50, bạn sẽ sớm đạt được mục tiêu đó.
1. Theo dõi chi tiêu của bạn
Diahann Lassus, chuyên gia hoạch định tài chính, chủ tịch và giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Lassus Wherley cho biết: “Theo kinh nghiệm của tôi, trong nhiều trường hợp, vấn đề nằm ở chi tiêu hơn là thu nhập. Vì vậy, tôi sẽ bắt đầu từ đó”.
Để kiểm soát tài chính của bạn khi gần tuổi 50, hãy hiểu rõ bạn đang chi tiêu bao nhiêu mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm và cho những gì. Lập ngân sách là một điểm khởi đầu tốt giúp bạn thấy tiền của mình được phân bổ như nào và đâu là những lĩnh vực tiềm năng để cắt giảm. Nếu bạn thường xuyên thanh toán bằng thẻ tín dụng, hãy tạo thói quen xem bảng sao kê thẻ tín dụng mỗi tháng.
YouTuber Aja Dang, người đã trả hết khoản nợ 200.000 đô la (5,1 tỷ đồng) trong 2 năm đã sử dụng bảng tính ngân sách hàng tháng, theo dõi chi tiêu hàng ngày thông qua các ứng dụng tài chính cá nhân trên điện thoại di động và cả sổ kế hoạch. Mỗi tối, cô đều tạo thói quen ghi lại các khoản chi tiêu trong ngày.
“Kiểm soát chi tiêu của bạn cho phép bạn tiết kiệm cho tương lai”, Lassus nói.
2. Bắt đầu sớm
Khi nói đến việc xây dựng khoản tiết kiệm, phần quan trọng nhất là bắt đầu càng sớm càng tốt. Tiết kiệm tiền trong những năm đầu đời là điều cần thiết để bạn đạt được các mục tiêu dài hạn như nghỉ hưu.
Lassus nói: “Ngay cả khi bạn bắt đầu với số tiền nhỏ, hiệu ứng lãi kép sẽ bổ sung vào số tiền đó và tạo ra sự khác biệt đáng kể. Dù bạn có đạt được mục tiêu “tiết kiệm số tiền gấp 6 lần thu nhập năm vào tuổi 50” hay không, nếu bạn bắt đầu, bạn ít nhất cũng cho mình cơ hội đạt được mục tiêu”.
Ngoài ra, tạo thói quen tiết kiệm trước tuổi 50 không chỉ giúp xây dựng quỹ hưu trí mà còn giúp bạn đạt được các mục tiêu nhỏ hơn trên chặng đường như quỹ khẩn cấp. Khi bạn xây dựng mạng lưới an toàn tiết kiệm này sớm, nó sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực sau này để không phải lo lắng về việc trang trải một số chi phí bất ngờ lớn và có thể từ từ xây dựng khoản tiết kiệm theo thời gian.
3. Trả tiền cho chính bạn trước
Theo Fidelity, để tiết kiệm số tiền gấp 6 lần thu nhập năm vào tuổi 50, bạn cần bắt đầu đầu tư 15% thu nhập của mình vào kế hoạch hưu trí, bắt đầu từ tuổi 25. Một trong những ví dụ điển hình nhất về việc “trả tiền cho chính bạn trước” là tiết kiệm trực tiếp từ tiền lương của bạn trước khi bạn định tiêu nó.
Rất nhiều người chỉ dùng tiền của mình để chi trả và sinh hoạt, đợi đến cuối tháng mới chuyển số tiền còn lại vào phần tiết kiệm. “Thật không may, bạn có thể không còn gì vào thời điểm đó. Vì vậy, hãy trả tiền cho chính bạn trước và tránh sự khổ sở khi không còn gì vào cuối tháng để tiết kiệm”, Lassus nói.
Bạn có thể đặt ra mức mục tiêu tiết kiệm cụ thể như 20% thu nhập song điều quan trọng là dựa vào nhu cầu dòng tiền của bạn. Điều quan trọng là đặt khoản tiết kiệm của bạn ở chế độ tự động để đảm bảo khoản tiết kiệm của bạn được tiếp tục qua mỗi tháng.
Hướng dẫn của Fidelity về việc có số tiền tiết kiệm gấp 6 lần thu nhập năm vào tuổi 50 để có thể nghỉ hưu ở tuổi 67 có vẻ khó khăn nhưng Badeau lưu ý rằng bạn hãy làm từng bước một. Đối với mục tiêu tiết kiệm 20% thu nhập của bạn, hãy nghĩ đến từng 1% một.