19 năm trước, người phụ nữ trẻ có hai bằng đại học, một gia đình hạnh phúc, một đứa con thơ và một tương lai tươi sáng đang chờ ở phía trước bất ngờ bị tai nạn giao thông và trở nên tàn tật. Bằng ý chí kiên cường, chị Lê Thị Hà (phường La Khê, quận Hà Đông) bây giờ là người phụ trách mảng marketing online của Vụn Art - một tổ chức hỗ trợ người khuyết tật qua nghệ thuật tái chế vải vụn đã giúp nhiều người khuyết tật đã có việc làm ổn định. Đồng thời, chị Hà còn duy trì một lớp dạy Tiếng Anh cho trẻ em vào buổi tối.
Sau khi tốt nghiệp xuất sắc Khoa Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chị Hà trở thành một giáo viên Tiếng Anh đầy nhiệt huyết, mang trong mình những ước mơ và hoài bão lớn. Chị kết hôn và sống hạnh phúc bên chồng và cậu con trai nhỏ 7 tháng tuổi. Nhưng biến cố bất ngờ xảy ra vào năm 2003 khi chị Hà gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vụ tai nạn đó khiến cột sống chị bị chấn thương nặng kèm theo đó là gãy 6 xương sườn và dập xương bên tay trái. Chị kể, sau khi bị tai nạn 1 tuần điều trị ngoài Việt Đức chị mới tỉnh lại. “Tôi đã từng thấy đời mình chẳng còn gì nữa, sụp đổ hoàn toàn. Nhưng rồi gia đình luôn kề cạnh động viên, bố mẹ, chồng con ở bên quan tâm từng chút một đã giúp tôi tìm thấy ánh sáng cuộc đời mà đi tiếp”, chị Hà chia sẻ.
Và rồi bằng ý chí và sự kiên trì tập luyện, sức khỏe của chị cũng hồi phục dần. Chị cũng xác định, đôi chân mình sẽ phải gắn với chiếc xe lăn cả đời. Nỗi buồn ấy cứ len lỏi mãi, khiến chị co mình lại với xã hội một thời gian dài, cho đến khi người thầy giáo chị kính trọng biết tin đến thăm chị, động viên, chị mới ổn định và bắt đầu quay trở lại với công việc.
Chị Lê Thị Hà (áo vàng) giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã VỤN Art với người Ấn Độ.
Công việc đầu tiên chị Hà làm sau khi sức khoẻ ổn định là viết báo; rồi sẵn có bằng Ngoại ngữ chị dạy thêm Tiếng Anh cho học sinh gần nhà. Ngoài ra chị còn bán vé máy bay online, dịch sách… Rồi dần dần công việc cuốn chị đi, chị cũng không nghĩ nhiều đến hoàn cảnh, mà cố gắng, kiên trì làm mọi công việc vừa để đảm bảo kinh tế gia đình và hơn hết chị muốn chọn những công việc để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Năm 2010, chị tham gia vào Trung tâm hỗ trợ sống độc lập của Hà Nội; năm 2015 tham gia BCH Hội Người khuyết tật Hà Đông; năm 2019 hỗ trợ marketing cho Vụn Art.
Là người phụ trách mảng marketing online, chị Hà đã giúp Vụn Art tiếp cận nhiều khách hàng trên không gian mạng, thu hút sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước. Nhờ những nỗ lực đó, rất nhiều người khuyết tật đã có việc làm ổn định và khẳng định giá trị bản thân trong xã hội.
Bên cạnh công việc tại Vụn Art, chị Hà còn duy trì một lớp dạy Tiếng Anh cho trẻ em vào buổi tối. Chị mong muốn mang kiến thức và ngôn ngữ quốc tế đến gần hơn với các em nhỏ để các em có thêm cơ hội vươn lên trong tương lai.
Số phận không may mắn đẩy đưa chị trở thành người khuyết tật, nhưng chị Hà vẫn trân trọng từng phút giây mình được sống trên đời. Chị đồng cảm và thấu hiểu hơn với những người đồng cảnh ngộ. Chị trở thành “chuyên gia tâm lý”, nói chuyện với họ, lấy chính bản thân mình làm ví dụ để giúp họ thay đổi, có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. “Tôi cũng hiểu hơn về rào cản mà người khuyết tật còn gặp phải, đó là không có thu nhập, không tự chủ được kinh tế được như người bình thường”, chị nói. Bởi vậy, với vai trò marketing cho Vụn Art - một hợp tác xã của người khuyết tật làm các sản phẩm tranh ghép từ lụa vụn, chị Hà vẫn ngày ngày cố gắng mày mò học thêm về marketing, về thương mại điện tử. Mỗi mặt hàng hàng của Vụn Art được vươn ra thế giới, đến với nhiều khách hàng hơn, cũng chính là công sức lao động của người khuyết tật được thừa nhận, được trả lương.
Chị Hà cũng rất khéo tay và có thể làm được nhiều bức tranh từ vải vụn. Tuổi trẻ của chị, theo một cách nào đó vẫn rất tỏa sáng bởi sự không từ bỏ. Câu chuyện của chị hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh và cảm hứng để nhiều người tìm thấy ánh sáng ngay cả trong những ngày tối tăm nhất.