Gìn giữ nhịp trống hội dân gian

Trâm Anh
Chia sẻ

Ở tuổi 85, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Minh Tám (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) vẫn không ngừng đi truyền dạy các điệu trống và điệu múa cổ ở khắp các địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy nét văn hóa phi vật thể quý giá của quốc gia. Với bà, mỗi nhịp trống không chỉ là âm thanh lễ hội mà còn là hồn cốt văn hóa dân tộc.

Nữ nghệ nhân sinh ra tại xã Nguyên Xá (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) - mảnh đất có truyền thống múa rối nước và chèo cổ lâu đời. Bố mẹ, anh chị em bà đều là nhạc công của đoàn múa rối nước và đoàn chèo làng Nguyên Xá. Vì thế, bà thường được theo ra xem mọi người chơi trống, đàn, múa hát. Những điệu trống dần ngấm vào cô bé Minh Tám lúc nào không hay. Rồi những lúc các nhạc công nghỉ ngơi, bà lại mượn trống để gõ thử. Cứ tự học như thế dần thành kỹ năng, rồi được người lớn chỉ dạy thêm, tiếng trống của bà dần tròn đều, có nhịp điệu hơn. Không chỉ say mê trống hội, bà còn tự học theo các điệu múa cổ như: Múa cờ, múa quạt, múa chén, múa sinh tiền, múa trống cơm…; các làn điệu chèo, cải lương, ca trù,...

Bước ngoặt đến với cuộc đời nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám khi đến tuổi trưởng thành, bà được nhận vào Đoàn Chèo Trung ương 2 do có khả năng diễn xuất tốt. Nhưng ban đầu, bà chỉ được đảm nhận các vai hề, không được phân công các vai khác. Vậy mà duyên nợ với tiếng trống hội và các điệu múa cổ vẫn âm ỉ trong bà.

Hòa bình lập lại, Nhà nước cho khôi phục đình chùa, sau đó việc tế lễ tại các đình chùa cũng dần được tái lập. Nhà ở ngay cạnh các đình, chùa, nên bà Minh Tám dành nhiều thời gian hướng dẫn mọi người cách thức tập các nghi thức lễ, múa cổ và gõ trống. Bà chủ động đi các nơi xem biểu diễn múa cổ và trống hội, rồi ghi chép lại để dạy mọi người. Với sự đam mê với tiếng trống hội và những điệu múa cổ, bà biểu diễn thành thục nhiều làn điệu. Đến nay, bà thành thạo hơn 40 bài trống, mỗi bài dài khoảng 7-8 phút; còn với múa cổ, bà thuộc hầu hết các bài múa phục vụ nghi thức tế, lễ trong các hội, hè.

Gìn giữ nhịp trống hội dân gian - 1

Năm 2022, bà Nguyễn Thị Minh Tám vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú bởi thành tích cống hiến xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật trống hội dân gian.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Minh Tám, nghệ thuật chỉ thực sự tồn tại khi được trao truyền và tiếp nối. Vì vậy, nhiều năm qua, khoảng sân nhỏ trước nhà bà Tám trở thành nơi ươm mầm cho những tâm hồn yêu nghệ thuật truyền thống. Mỗi buổi chiều, tiếng trống, tiếng ca lại vang lên, hòa cùng nhịp gõ đều đặn của bà và các học trò.

Nữ nghệ nhân từng rất ấn tượng với dàn trống hội 100 trống trong lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Từ đó, bà đã mơ ước và dày công sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo thêm các bài trống hội, kết hợp với các đường nét múa cổ truyền để tạo nên những bài trống hội công phu. Bà cũng cất công đi tìm những người đam mê để truyền lại tâm huyết của mình, vận động chị em tham gia thành lập câu lạc bộ trống hội, thuyết phục được hơn 20 người tham gia. Kinh phí mua trống do bà vận động từ các hội viên, người quen biết và bỏ cả tiền túi ra mua.

Công sức không phụ lòng người, cuối cùng Đoàn nghệ thuật trống hội đầu tiên của bà cũng được thành lập và thu hút ngày càng nhiều hội viên. Chị em phấn khởi say mê luyện tập, biểu diễn và gây được tiếng vang, tạo dựng nên một đội trống hội Thăng Long hùng hậu, từ đó lan tỏa phong trào trống hội đi nhiều địa phương khác. Dàn trống còn được mời biểu diễn tại nhiều tỉnh thành trong nước như: Hà Nội, Huế... và ngoài nước như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan... Đến nay, bà đã dạy cho hàng chục dàn trống ở khắp các nơi, từ đình Nam Đồng, đình Võng Thị, đền Đồng Cổ, Bái Ân, An Phú, đến đền Quán Đôi, Cổ Nhuế… và rất nhiều địa phương khác. Riêng đội trống các đình, đền đều được bà dạy miễn phí.

Hiện nay, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Minh Tám là Chủ nhiệm Đoàn nghệ thuật Trống hội Thăng Long. Bên cạnh đó, với vai trò là Phó ban Văn hóa của Trung tâm UNESCO Phát triển Văn hóa và Thể thao, bà còn tham gia cố vấn, hỗ trợ chuyên môn, dìu dắt các CLB, đoàn nghệ thuật trực thuộc trung tâm. Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy vẫn sẵn sàng dạy bất kỳ ai miễn là muốn học. “Chỉ khi nào tay không còn vung nổi dùi trống, tôi mới dừng lại”, bà bộc bạch. Với những cống hiến đó, nữ Nghệ nhân Ưu tú đang được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.

Chia sẻ

Trâm Anh

Tin cùng chuyên mục

Đề nghị thanh tra các cơ sở mầm non sau hàng loạt vụ bạo lực, xâm hại trẻ em

Đề nghị thanh tra các cơ sở mầm non sau hàng loạt vụ bạo lực, xâm hại trẻ em

Thời gian gần đây ghi nhận nhiều vụ việc liênquan đến bạo lực, xâm hại trẻ em taij một số cơ sở mầm non. Cụ thể như vụ việc tại cơ sở mầm non tư thục ở thôn Phước Chánh (xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam); nhóm lớp mầm non Thu Sương (khu phố An Bình, thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre); Trường mầm non may Đáp Cầu thuộc Công ty cổ phần may Đáp Cầu (phường...

Tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em trước khi vào hè

Tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em trước khi vào hè

Bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn đề nhức nhối đang diễn ra ở nhiều nơi và nhiều hình thức, để lại hậu quả nghiêm trọng về cả vật chất và tinh thần cho trẻ. Vừa qua, các địa phương trên cả nước đã liên tục có các buổi tập huấn, ngoại khoá tại các trường học, cung cấp cho các em học sinh kiến thức để phòng, chống xâm hại.

Cái giá phải trả cho “quái xế”

Cái giá phải trả cho “quái xế”

Với sự ngông cuồng, liều lĩnh, nhóm 24 quái xế đã lái xe máy lạng lách, vượt đèn đỏ tông chết người dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu. Vụ án thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội bởi hành vi coi thường pháp luật của các “quái xế”, đòi hỏi phải được xét xử nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, nhằm giáo dục, cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa...

Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.