Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu (Art Glass Museum) - bảo tàng chuyên đề đầu tiên tại Việt Nam tôn vinh nghệ thuật kính màu vừa chính thức khai trương tại Trại Da Vinci, thuộc xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Các tác phẩm nghệ thuật kính màu huyền bí, chế tác tinh hoa từ nghệ nhân hàng đầu thế giới hứa hẹn sẽ là thu hút du khách bốn phương.
Sự kỳ diệu của mảnh kính
Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu được thành lập theo Quyết định số 5058/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, là bảo tàng về chủ đề thủy tinh và kính màu đầu tiên ở Việt Nam, tọa lạc trên diện tích hơn 2.000m2 tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì, dự kiến mở cửa miễn phí cho du khách trải nghiệm trong những tháng đầu.
Bảo tàng Kính màu được hình thành trên cơ sở bộ sưu tập hơn 1.500 hiện vật nghệ thuật thủy tinh và kính màu có giá trị do nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu – Top 4 nhà sưu tập hàng đầu thế giới, dành gần 40 năm sưu tầm trên khắp thế giới.
Các tác phẩm tại bảo tàng là những tinh hoa của loại hình nghệ thuật thủy tinh từ các sàn đấu giá quốc tế đến tác phẩm đặt chế tác từ nghệ nhân hàng đầu thế giới. Nổi bật nhất là bức “Giáng Sinh” (The Nativity), khổ lớn 8mx6m, do hãng Mayer Munich (Đức) chế tác cho một nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở New York vào đầu thế kỷ 19, được giới chuyên gia Hoa Kỳ đánh giá là một trong những tác phẩm kính màu kinh điển đẹp nhất thế giới. Bộ sưu tập trải dài từ các dòng thủy tinh nghệ thuật chế tác nóng của Bohemian (Tiệp Khắc), thủy tinh Murano (Italia), thủy tinh Anh, các dòng thủy tinh đa sắc, lưỡng sắc, phát quang... trong đó dành sự ưu tiên đặc biệt cho dòng kính màu Tân nghệ thuật (Art Nouveau) mà tiêu biểu là nghệ thuật kính màu của Tiffany.
Các đại biểu Trung ương và TP Hà Nội dự lễ khai trương tại khuôn viên Bảo tàng.
Nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Xuân Thắng say sưa kể về sự kỳ diệu của những tấm kính màu: Trong thế giới kiến trúc và thiết kế nội thất, kính không chỉ là một vật liệu chức năng mà còn là cầu nối giữa ánh sáng và không gian. Độ trong suốt của kính đóng vai trò cốt lõi, cho phép ánh sáng tự nhiên len lỏi vào từng góc nhỏ, mang đến sự sống cho căn phòng. Có thể nói kính màu là một trong những phương tiện đem lại nhiều cảm hứng sáng tạo nhất cho nhiều thế hệ nghệ nhân và nghệ sĩ, là chất liệu không thể thiếu được góp phần tạo nên những kỳ quan kiến trúc vĩ đại, các kiệt tác nghệ thuật độc đáo, choáng ngợp và vô giá của loài người.
Ông nói thêm về kính Tiffany - điều làm nên sự diệu kỳ tới mức huyền bí: Khi ánh sáng từ bóng đèn tỏa ra qua lớp kính màu của đèn Tiffany, hiệu ứng thị giác trở nên dịu dàng, như một lời thì thầm thư thái. Độ trong của kính được căn chỉnh khéo léo: Nếu quá mỏng, ánh sáng có thể trở nên gay gắt, làm lóa mắt; quá dày hoặc mờ đục lại khiến không gian chìm vào sự tù mù. Kính Tiffany đạt đến sự cân bằng hiếm có, khuếch tán ánh sáng một cách hài hòa, vừa đủ để soi sáng trang sách hay góc bàn làm việc, vừa tạo nên một bầu không khí dễ chịu.
Vào cuối thế kỷ 19 với sự phát triển không ngừng của công nghệ chế tác kính màu cùng với tốc độ phổ cập nhanh chóng vào đời sống của nghệ thuật kính màu, càng ngày càng xuất hiện nhiều dòng kính màu và thủy tinh màu đặc biệt, thu hút nhiều người quan tâm và say mê sưu tầm, muốn tìm hiểu về kính màu và nghệ thuật kính màu. Nghệ thuật chế tác thủy tinh cũng đã được du nhập vào Việt Nam từ vài thế kỷ trước, dẫu vậy nhưng nó chưa từng được tôn vinh qua một bảo tàng chuyên đề.
“Tôi hy vọng rằng sự ra đời của một Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu tại Việt Nam sẽ góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật kính màu, làm đa dạng hóa lĩnh vực bảo tồn và bảo tàng ở Việt Nam, có thể đem lại nhiều cảm hứng, khích lệ các ý tưởng sáng tạo trong ứng dụng công nghệ chế tác thủy tinh và nghệ thuật kính màu”, ông Thắng chia sẻ.
Theo đó, Bảo tàng sau khi ra đời sẽ làm nhiệm vụ sưu tầm, phân loại, bảo quản có hệ thống và trưng bày các hiện vật liên quan đến kính màu, nghệ thuật kính màu nói chung của Việt Nam và quốc tế; tổ chức nghiên cứu, đánh giá có hệ thống về lịch sử kính màu, sự xuất hiện nghệ thuật kính màu, các dòng sản phẩm, các kiệt tác và các tác phẩm nghệ thuật kính màu phục vụ cho định hướng phát triển lâu dài của bảo tàng; cung cấp kiến thức về kính màu và nghệ thuật kính màu cho những người quan tâm, nghiên cứu về kính màu, nghệ thuật kính màu, góp phần bồi dưỡng trình độ hiểu biết nghệ thuật, nâng cao thị hiếu và thẩm mỹ cho đại chúng; tổ chức các hoạt động giao lưu trong nước và quốc tế, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về nghệ thuật kính màu cho các chuyên gia, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà sưu tầm trên lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng kính màu...
Tất cả các hiện vật và phần lớn tài sản của Bảo tàng cũng như quần thể Trại Da Vinci sẽ được nhà ngoại giao Nguyễn Xuân Thắng hiến tặng cho cộng đồng. Số tài sản ý nghĩa này được đặt dưới sự quản lý và điều hành của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, hướng tới mục tiêu đem lại giá trị bổ ích trong sự nghiệp nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Bức tranh kính màu kinh điển “The School of Athens” là một trong những hiện vật đáng chú ý của bảo tàng.
Hứa hẹn xu hướng du lịch mới
Nằm tại Ba Vì, vùng đất linh thiêng cách Hà Nội khoảng 50km, nổi tiếng với thiên nhiên hùng vĩ, bảo tàng hoàn toàn có thể khai thác địa linh này nhờ không gian trưng bày 2.000m² và định vị cao cấp.
Để tăng sức hấp dẫn, Ban tổ chức khuyến nghị triển khai tour “Ba Vì - Nghệ thuật và Thiên nhiên” (tour trong ngày), kết hợp bảo tàng với các địa danh đặc sắc. Tour có thể khởi hành từ trung tâm Hà Nội lúc 8 giờ sáng, đến bảo tàng lúc 9h30 để khám phá hiện vật, sau đó thưởng thức đặc sản địa phương tại nhà hàng trong khuôn viên bảo tàng vào buổi trưa, rồi tiếp tục hành trình buổi chiều tại Vườn quốc gia Ba Vì (cách 10km) với rừng thông, đền Thượng, và kết thúc bằng trải nghiệm thư giãn tại Thác Đa hoặc Ao Vua (cách 15-20km). Trang du lịch uy tín Booking.com 2022 tính toán: Nếu được hiện thực hóa với giá 600.000-800.000 đồng/người trên Klook (một trang đặt vé du lịch trực tuyến), tour này sẽ đáp ứng xu hướng du lịch ngắn ngày, phù hợp với 62% khách trẻ yêu văn hóa. Trong nhà hàng nội khu, việc kết hợp đặc sản Ba Vì như gà đồi nướng với các món từ sữa - vốn là thế mạnh của vùng đất chăn nuôi bò sữa lâu đời cùng nhiều món ăn địa phương khác có thể làm phong phú trải nghiệm ẩm thực tại chỗ.
Một đề xuất khác là sản phẩm lưu niệm như postcard (20.000 - 50.000đồng) magnet kính màu (50.000 - 100.000đồng), và móc chìa khóa thủy tinh (70.000 - 120.000đồng), cũng có thể làm phong phú thêm trải nghiệm của khách du lịch. Ngoài ra, trải nghiệm tô tượng hoặc tranh phong cách Tiffany với phí 100.000 - 150.000 đồng/người, nếu được triển khai, sẽ vừa mang tính giáo dục vừa thu hút du khách trẻ yêu thích sự cá nhân hóa. Thực tế cho thấy, mỗi năm, Ba Vì đón 1,2 triệu lượt khách, nếu các khuyến nghị này được triển khai, bảo tàng có thể tăng 100.000-150.000 lượt khách/năm, đồng thời hỗ trợ cộng đồng qua việc hợp tác với hợp tác xã và quảng bá quán ăn địa phương, đón đầu xu hướng du lịch bền vững.
Tuy hấp dẫn du khách, nhưng Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu đối mặt với thách thức lớn về giao thông khi tuyến Hà Nội - Ba Vì hiện thiếu phương tiện công cộng nhanh và thuận tiện, khiến du khách không có xe cá nhân hoặc khách quốc tế phải chịu chi phí cao hơn để di chuyển. Thông tin về nghệ thuật kính màu cũng còn hạn chế trong công chúng, dù lượt tìm kiếm “bảo tàng Việt Nam” đã tăng 25% từ 11/2024 đến 1/2025.
Sự ra đời của bảo tàng, dưới sự quản lý của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (VFUA), hy vọng sẽ lấp đầy khoảng trống văn hóa của Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật toàn cầu, nơi các bảo tàng kính màu vốn rất hiếm, mà còn hứa hẹn đón đầu xu hướng du lịch mới của Thủ đô: Tìm kiếm những điểm đến mới lạ, độc đáo.