Cột cờ - Biểu tượng của Thủ đô văn hiến

Đinh luyện
Chia sẻ

Dọc theo dải đất hình chữ S Việt Nam từ cực Bắc ở Lũng Cú (Hà Giang), đến cực Nam ở mũi Rạch Tàu (Cà Mau), ở nơi hồn thiêng sông núi ấy có những cột cờ đánh dấu chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, là niềm tự hào của người Việt. Ở Hà Nội cũng vậy, hình ảnh cột cờ còn là biểu tượng cho Thủ đô văn hiến, là chứng tích lịch sử của một thời giữ nước.

Biểu tượng cho Thủ đô anh hùng

Ngày 10/10/1954, lễ thượng cờ Tổ quốc tại Cột cờ Hà Nội đã trở thành giây phút thiêng liêng, đánh dấu mốc son cho lịch sử dân tộc Việt Nam: Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Cột cờ Hà Nội là “nhân chứng” cho giờ phút lịch sử hào hùng đó của Thủ đô.

Hà Nội vừa náo nức kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Trải qua những biến thiên của thời gian, là một trong số ít những di tích từng chứng kiến cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Hà Nội bảo vệ Thủ đô, cũng như thời khắc hạnh phúc khi đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội, câu chuyện mà di tích này “kể lại” với đời sau vẫn còn nguyên vẹn.

Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, trong không khí tưng bừng của đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, có một buổi lễ đặc biệt diễn ra ngay sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột cờ). Đó chính là lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng.

Các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối nghiêm chỉnh, đứng đầu là Trung đoàn Thủ đô. Tiếp theo đội hình bộ binh là cơ giới, pháo binh hàng ngũ thẳng tắp, trang nghiêm. Chung quanh sân vận động, quần chúng nhân dân chen chân đứng kín các trục đường, háo hức tham dự lễ chào cờ lịch sử.

Cột cờ - Biểu tượng của Thủ đô văn hiến - 1

Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính Thành phố tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng vạn đồng bào. Đoàn quân nhạc cử Quốc ca. Còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh Cột cờ, phấp phới tung bay.

Tại lễ chào cờ lịch sử này, người dân Hà Nội lắng nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc) gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Lời kêu gọi đã giúp quân, dân Thủ đô cùng đoàn kết một lòng để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô.

Theo tìm hiểu, Cột Cờ được xây dựng bao gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều dài 42,5m; cao 3,1m có hai thang gạch dẫn lên.

Tầng hai, mỗi chiều dài 27m; cao 3,7m có 4 cửa, cửa hướng Đông trên có đắp hai chữ “Nghênh Húc” (đón ánh sáng ban mai), cửa Tây với hai chữ “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam với hai chữ “Hướng Minh” (hướng về ánh sáng), cửa Bắc không có chữ đề.

Tầng ba, mỗi chiều dài 12,8m; cao 5,1m có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân Cột cờ, cao 18,2m; hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng (và thông hơi) bằng 39 lỗ hình dẻ quạt. Đỉnh Cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 cửa sổ tương ứng với tám cạnh. Giữa lầu là một hình trụ tròn, đường kính 40cm cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cán cờ cao 8m). Toàn bộ Cột cờ cao 33,4m, nếu kể cả cán cờ là 41,4m.

Cột cờ Hà Nội là một trong những công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất thuộc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2010.

Chứng nhân lịch sử nơi xứ Đoài

Ở nội thành Hà Nội, hình ảnh Cột cờ mang tính chất thiêng liêng của ngày giải phóng thì tại nơi vùng lõi xứ Đoài – Sơn Tây, Cột cờ cũng là chứng nhân của một thuở cha ông giữ nước.

Nhắc đến Sơn Tây, không thể không kể đến di tích lịch sử Thành cổ Sơn Tây. Đây là tòa thành cổ đá ong gần như được gìn giữ nguyên vẹn nhất ở thời điểm hiện tại. Tòa thành là nơi ghi dấu những chiến tích bi tráng trong lịch sử của vùng đất xứ Đoài hồi cuối thế kỷ XIX. Đó là trận đánh oanh liệt của quân dân xứ Đoài chống lại tám ngàn quân xâm lược Pháp do Thủy sư đô đốc Amiral Courbet, tổng chỉ huy các lực lượng quan viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ dẫn đầu, kéo quân từ Hà Nội lên đánh chiếm thành Sơn Tây vào cuối năm Quý Mùi (1883).

Cột cờ - Biểu tượng của Thủ đô văn hiến - 2

Cột cờ Sơn Tây là đã lưu dấu hàng triệu lượt khách tham quan. 

Sau này, Thành cổ Sơn Tây cũng là nơi được vinh dự hai lần đón Bác về thăm, làm việc, nói chuyện với nhân dân xứ Đoài; và đây cũng là nơi diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào tháng 12 năm 1946 để bàn định các vấn đề quan trọng của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Bên trong Thành cổ Sơn Tây có các công trình: Kỳ Đài (Cột cờ), Đoan Môn, Điện Kính Thiên, dinh Tổng đốc, Bố chính, Án sát, Đề đốc, kho tiền, nhà chứa vũ khí, kho lương thực, trại giam… và ở bốn góc thành có bốn ao hình vuông có bậc làm bằng gạch đá ong dùng để chứa nước sinh hoạt.

Tuy nhiên theo thời gian và sự tàn phá của chiến tranh hiện chỉ còn Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên và hai ao vuông. Kỳ Đài hay còn được người dân gọi với tên thân thuộc là Cột cờ Sơn Tây có vị trí ở giữa Thành cổ. Cột cờ được xây dựng theo hình tháp có tám cạnh và cao mười tám mét. Từ chân Cột cờ lên đỉnh tháp có một cầu thang đá được làm theo kiểu xoáy trôn ốc với năm chục bậc đá, trên đường cầu thang ấy có bố trí các ô cửa sổ nhỏ để lấy ánh nắng sáng và thông khí.

Thuở xưa, đây là nơi thượng cờ nhưng đồng thời cũng là một tháp quan sát, canh phòng cao nhất trong khu vực thị xã. Đứng trên đỉnh tháp có thể nhìn bao quát khuôn viên cả một vùng rộng lớn.

Có một điểm chung giữa Cột cờ Hà Nội và Cột cờ Sơn Tây đó là sự quan tâm, bảo tồn di tích của ngành chức năng. Chẳng hạn, để bảo vệ và phát huy giá trị di tích Cột cờ Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định tại Công văn số 2477/BVHTTDL-DSVH ngày 3/7/2020, theo đó Kỳ đài (di tích Cột cờ Hà Nội) được đề xuất bảo quản, tu bổ và tôn tạo với nội dung: "Không gian xung quanh Kỳ đài sẽ được xử lý giải tỏa các nhà dân, vườn cây, trả lại khoảng không thông thoáng, mở rộng tầm nhìn từ các hướng đến công trình". Cho đến nay, khuôn viên di tích Cột cờ Hà Nội vẫn là điểm đến thú vị được khách du lịch tìm đến tham quan.

Tương tự, tại Sơn Tây, Cột cờ nói riêng và khuôn viên Thành cổ Sơn Tây nói chung vào năm 1994 đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để khai thác hiệu quả di tích, Sơn Tây đã triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp để “đánh thức” tiềm năng của di sản, như: Hình thành tuyến phố đi bộ Thành cổ; tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà văn hóa về bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành cổ Sơn Tây; xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - đền Và - Đường Lâm”… Dĩ nhiên, khi du khách thập phương ghé thăm Sơn Tây thì đều tìm đến Cột cờ đầu tiên để lưu lại những hình ảnh kỷ niệm nơi xứ Đoài.

Nhìn từ di tích Cột cờ Hà Nội và Cột cờ Sơn Tây có thể thấy, nếu biết gìn giữ, phát huy giá trị thì di sản sẽ trở thành nguồn lực lớn thúc đẩy du lịch, qua đó nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Chia sẻ

Đinh luyện

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc nhờ dung hòa khác biệt với chồng ngoại quốc

Hạnh phúc nhờ dung hòa khác biệt với chồng ngoại quốc

Lan Phương là một trong những nữ diễn viên có tiếng của làng giải trí Việt. Năm 2018, cô thông báo kết hôn với ông xã David Duffy, một người Úc gốc Anh. Lan Phương tâm sự, cô và chồng có những khác biệt về tính cách cũng như văn hóa. Để duy trì hôn nhân hạnh phúc, nữ diễn viên cùng ông xã đã cố gắng tìm cách dung hòa, ở gần nhau để dễ dàng chia sẻ và thấu hiểu.