"Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội". Câu hát ngân lên trong buổi sáng cuối tuần giữa không gian tràn đầy hương sắc, thoang thoảng mùi thơm dịu nhẹ mà nồng nàn, quyến rũ của những ly cà phê, làm tâm hồn tôi chênh chao một nỗi nhớ: Hà Nội ơi!
Hà Nội thiện lành miền ký ức. Tuổi thơ tôi may mắn được hai lần gieo duyên. Đó là hè năm lớp 1 và hè năm lớp 4. Khi ấy, bố tôi đang công tác ở một đơn vị thuộc Viện Khảo sát Thiết kế Thủy lợi. Cơ quan bố ở Nhổn. Dù trái tim non nớt ngày ấy cảm nhận chưa được nhiều, cùng với lớp bụi thời gian vô tình cũng xóa mờ đi không ít, nhưng tôi vẫn nhớ. Một xí nghiệp nhỏ với vài dãy nhà cấp bốn nằm dưới chân con đê cao đầy cỏ gà và những bông cỏ may lưu luyến dấu chân người xen lẫn mấy loài hoa dại.
Hà Nội nhiều hoa đẹp. Những cành đào Nhật Tân điểm nụ phớt hồng, e ấp làm duyên mỗi độ Tết đến xuân về. Nữ hoàng loa kèn trắng muốt, tinh khôi mềm lòng tao nhân ngày chớm hạ. Nhành thạch thảo tím biếc, mộng mơ, dịu ngọt chiều thu. Những đóa cúc họa mi mỏng manh, thuần khiết, gần gụi lúc đông sang... Tất cả đều lung linh, rực rỡ, lãng mạn, nhưng với tôi, chính những khóm hoa trắng xinh, nhỏ nhắn, xen chút nhụy vàng hoang hoải dưới chân đê mới là loài hoa đẹp nhất.
Bên kia, phía bãi sông Hồng là nhà máy gạch mươi ngày lại cuộn lên từ chiếc lò cao như con quái vật há miệng phun những làn khói đậm đặc rồi lơ lửng, tan dần trong không gian mênh mang để lại mùi hăng hắc, ngai ngái mỗi khi có con gió nghịch chiều. Chếch lên hướng tây chừng ba cây số là cây cầu Thăng Long huyền thoại. Ngày ấy cầu mới xây xong. Tối đến, những ánh đèn điện hắt ra từ phía cầu rực rỡ cả một vùng. Đã nhiều lần theo anh Chiến, anh Tú, chị Hà nhà bác Khoát lên mặt đê chơi, tôi lặng lẽ ngắm nhìn và thả những mơ ước non tơ, không định hình, chẳng rõ nét về phía lung linh ấy.
Ảnh minh họa
Kỷ niệm khó quên là mỗi tuần nghe tiếng "báo đây, báo đây" của bác đưa thư, bốn anh em chúng tôi như bầy chim vút ra rồi bay lên triền đê mà ai có nhanh chân hơn cũng rất dễ bị người sau kéo giật lăn lóc xuống. Bởi một quy ước trong cái thời thiếu thốn trăm bề ấy: Ai nhận được báo trước thì được đọc trước. Tôi còn nhớ lắm hình ảnh anh Tú mỗi lần dẫn đầu rồi nhận báo, cẫng lên y như võ sĩ được trọng tài giơ tay công nhận chiến thắng sau những hiệp đấu te tua, bầm dập. Còn chị Hà thì gần như lần nào khuôn mặt búp bê cũng ỉu xìu, đôi mắt ngân ngấn nước bởi làm sao có thể vượt qua ba anh em tôi.
Những tưởng có duyên với Hà Nội. Ai ngờ Hà Nội như muốn thử thách tình tôi. Hà Nội dệt ước mơ, hoài bão, khát vọng. Vậy mà mấy bận thi đại học, Hà Nội toàn cho tôi ăn bánh vẽ. Oái oăm, học xong Sư phạm trường tỉnh, Hà Nội lại mở lòng mời gọi rồi dang rộng vòng tay chở che, bao bọc tôi giống như người mẹ bao dung, độ lượng hải hà. Khi ấy đang thất chí vì học xong không được phân công công tác.
Thế rồi cuộc sống cứ thế trôi đi làm dày thêm trong tôi những kỷ niệm vui buồn về Hà Nội. Nhớ biết bao ngõ 123 Xuân Thủy. Nơi sau mỗi trận mưa là một cơn tiểu hồng thủy tràn về. Nhớ lắm những gương mặt trầm buồn bó gối ngồi bên cửa sổ lơ đãng nhìn dòng nước cuốn theo mấy nhánh củi mục vật vờ. Nhớ ngôi chùa Thánh Chúa cổ kính, trang nghiêm, trầm mặc nép mình dưới tán mấy cội muỗm cổ thụ trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Nhớ những đêm đông mưa phùn, gió rét ngồi gặm bắp ngô nướng, xuýt xoa chén trà nóng, lặng nhìn dòng đời lăn vội. Và quên sao được Hồ Gươm, trái tim thiêng liêng của kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Lại nhớ khi rảnh rỗi, chạy xe chầm chậm qua Cầu Giấy, Kim Mã vòng ra Nguyễn Thái Học rồi Cổ Ngư, Nghi Tàm, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Bưởi quay về Nghĩa Đô, Hoàng Quốc Việt lắng nghe âm điệu phố phường, tơ vương ngọn gió chiều đồng vọng, cảm vị ngọt lành hương sắc bốn mùa và rồi trở trăn, thổn thức cùng mạch nguồn kinh kỳ cả lúc gập ghềnh của lịch sử lẫn hồi thịnh vượng, bình yên.
Ký ức tuổi thơ và bao kỷ niệm đẹp thời trai trẻ vì cuộc mưu sinh những tưởng đã lặn sâu vào miền xa thẳm. Nhưng giờ lập nghiệp nơi xa, nhiều lúc “trái gió giở giời” nỗi nhớ ấy lại trỗi dậy, cuộn lên rưng rức. Hà Nội ơi!