Cảnh báo “bẫy” lừa đảo tìm việc làm qua mạng xã hội

TÚ AN
Chia sẻ

Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của người lao động tăng cao, đặc biệt là phụ nữ nội trợ, sinh viên…, các đối tượng lừa đảo đã tung ra chiêu trò tuyển dụng trên mạng xã hội. Rất nhiều người vì tin vào những lời quảng cáo để rồi mất cả tiền lẫn thời gian.

Mất tiền vì tin “việc nhẹ lương cao”

Chị H (trú tại Ba Vì, Hà Nội) - nạn nhân của chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” đã trình báo Công an huyện Ba Vì, Hà Nội về việc bị lừa đảo chiếm đoạt thông qua mạng xã hội với số tiền 750 triệu đồng. Cụ thể, ngày 12/3, chị H có lên facebook tìm việc làm và thấy một tài khoản đăng bài viết tuyển“việc nhẹ, lương cao” nên đã liên hệ để trao đổi. Sau đó, chị H được hướng dẫn đăng ký tài khoản tham gia đầu tư sàn giao dịch tiền ảo có thể kiếm nhiều lợi nhuận. Khi bị đối tượng lôi kéo, chị H đã đóng 100 triệu đồng để đặt lệnh thì tài khoản báo nhận được 3,2 tỷ đồng nhưng hệ thống báo lỗi không cho rút tiền, sau đó, các đối tượng hướng dẫn chị phải đóng thuế, phí bảo hiểm… thì mới được rút tiền ra. Đến ngày 17/3, chị H đã chuyển hơn 750 triệu đồng cho các đối tượng nhưng vẫn không nhận được số tiền trên sàn. Lúc này, chị H mới biết bị lừa.

Cảnh báo “bẫy” lừa đảo tìm việc làm qua mạng xã hội - 1

Ảnh minh họa

Một hình thức lừa đảo khác là tuyển cộng tác viên online mà đa số phụ nữ ở nhà nội trợ, không có việc làm hoặc sinh viên có nhu cầu kiếm thêm thu nhập… “dính bẫy”. Như chị N, 35 tuổi, trú tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã kết bạn, trò chuyện với tài khoản facebook có tên “Nguyễn Thanh Phong”. Quá trình nói chuyện, tài khoản này đề nghị chị N tham gia chương trình “Tri ân khách hàng” diễn ra trên trang web tikiz.vip; khi tham gia chương trình thì khách mời sẽ được cấp một mã bí mật và khi đăng ký sẽ được kích hoạt để mua hàng với chiết khấu cao từ 20% đến 50% và sau đó sẽ trả toàn bộ số tiền mua hàng và tiền hoa hồng. Chị N đã đồng ý tham gia và được hướng dẫn tạo tài khoản tham gia sự kiện trên trang tikiz.vip. Với đơn hàng đầu tiên, chị N đã chuyển 8,8 triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng này cung cấp, và nhanh chóng được nhận lại 10,5 triệu đồng. Tin tưởng nên các lần sau chị N tiếp tục gom tiền chuyển cho đối tượng tổng số tiền là gần 3 tỷ đồng, nhưng chị chỉ nhận lại số tiền 74 triệu đồng. Những lần sau đó, chị N có yêu cầu nhận lại tiền đối tượng này lấy nhiều lý do để không cho rút tiền. Nghi mình bị lừa nên đến trình báo công an.

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen vừa phải cảnh báo việc bị kẻ xấu mạo danh thương hiệu tuyển dụng để tuyển người cho những công việc không trung thực, hoặc nhằm thu lợi từ người tìm việc. Doanh nghiệp này cũng khuyến cáo người lao động đề cao cảnh giác khi nhận thông tin tuyển dụng từ bất cứ nguồn nào, ngoài các trang web và kênh truyền thông chính thức của công ty. Với các vị trí tại cửa hàng, doanh nghiệp khuyến khích người tìm việc tới phỏng vấn trực tiếp để bảo đảm quyền lợi và tính chính thống…

Cảnh báo “bẫy” lừa đảo tìm việc làm qua mạng xã hội - 2

Ảnh minh họa

Thủ đoạn không mới nhưng vẫn dính bẫy

 Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tại Việt Nam, số vụ lừa đảo trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, trung bình mỗi tháng có hơn một triệu website lừa đảo mới. Những chiêu trò lừa đảo không hề mới, nhưng với thủ đoạn tinh vi vẫn khiến không ít người “sập bẫy”. Không ít người với mong muốn kiếm thêm thu nhập, đã lên mạng tìm kiếm việc làm thêm trực tuyến, việc nhẹ lương cao, đã tin tưởng chuyển khoản đặt cọc cho bên tuyển dụng. Sau khi nhận tiền cọc, toàn bộ tin nhắn và số điện thoại của bên tuyển dụng hoàn toàn biến mất.

Điểm chung của thủ đoạn lừa đảo này bắt đầu bằng việc tiếp cận những người có nhu cầu làm việc tại nhà, làm việc online bằng những chiêu quảng cáo trên mạng xã hội hoặc nhắn tin, gọi điện trực tiếp mời gọi người tham gia.

Đối tượng giả mạo tuyển dụng được nhắm đến là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình - thấp… tìm kiếm việc làm thêm. Hình thức lừa đảo của các đối tượng thường là tự xưng là nhân viên sàn thương mại điện tử; nhân viên của công ty môi giới việc làm hoặc các doanh nghiệp lớn, uy tín để đăng giả mạo tuyển dụng.

Dấu hiệu dễ nhận biết của những bài đăng này là tuyển người lao động làm việc thời vụ với lời hứa hẹn: Việc nhẹ lương cao, làm việc tại nhà, không phải đặt cọc tiền... cùng các công việc như: chốt đơn trực tuyến, mẫu chụp áo dài ngày Tết, gấp lì xì, cộng tác viên tăng tương tác bán hàng, dịch thuật hay lồng tiếng thu âm cho các chương trình cuối năm… Đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân.

Trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân khiến họ bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng sẽ không lấy lại được số tiền buộc phải tiếp tục chuyển tiền. Khi số tiền nạp lên đến giá trị lớn, đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do rất khó tin như: Tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi... để trì hoãn việc rút tiền, từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của nạn nhân.

Cảnh báo “bẫy” lừa đảo tìm việc làm qua mạng xã hội - 3

Ảnh minh họa

Trước hiện trang trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân, đặc biệt là những người lao động và có nhu cầu tìm việc, đồng thời khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với các lời giới thiệu việc làm trên mạng xã hội; cần tìm hiểu kĩ về người giới thiệu và chính sách của công ty mà đối tượng nhắc tới, không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng. Người dân cũng tuyệt đối không đặt cọc cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào khi chưa nắm bắt rõ ràng thông tin và mức độ uy tín.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Huy Lục, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an chia sẻ tại hội nghị tập huấn phòng chống tội phạm lừa đảo qua mạng cho cán bộ, hội viên phụ nữ do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức, cho biết, để bảo vệ tài sản của mình, người dân cần bảo mật dữ liệu cá nhân; không đăng thông tin cá nhân lên mạng xã hội, thường xuyên tìm hiểu, cập nhật các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, am hiểu cách làm việc của các cơ quan công quyền… Các chị em phụ nữ cũng cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, phụ nữ, người thân trong gia đình, người dân tại cộng đồng những kiến thức, kỹ năng để sử dụng môi trường mạng an toàn, tích cực, nâng cao hiệu quả phòng, chống lừa đảo trực tuyến.

Chia sẻ

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Mẹ ơi mẹ thật hoàn hảo

Mẹ ơi mẹ thật hoàn hảo

Ngày của Mẹ (Mother's Day), là dịp tôn vinh những người mẹ trên khắp thế giới và cuốn sách “Love, Mom” của Tiến sĩ Nicole Saphier, đã sẵn sàng làm điều đó.

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

“Bây giờ, nếu muốn về quê thăm mẹ, thì 3 chị em gái trong nhà chị Cẩm Tú (31 tuổi, kinh doanh nhà hàng) đều phải hỏi mẹ trước tận mấy ngày. Vì nếu về mà không báo trước thì rất có khả năng mẹ lại đi vắng. Khi là những buổi từ thiện, khi là đến chùa nọ, chùa kia… Mẹ đi suốt, nhưng mấy chị em luôn vui, và động viên mẹ đi, “vì mẹ đã khổ cả đời cho mấy chị em chúng mình...