Tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ

HUYỀN TRANG
Chia sẻ

Các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng cần phải có đồng bộ nhiều giải pháp, từ con người đến cơ chế giám sát và mức chế tài vi phạm để bảo vệ trẻ em trước bạo lực.

Viện đủ lý do để bạo hành trẻ

Bạo hành trẻ em dù với bất cứ nguyên nhân nào cũng không được chấp nhận. Giáo dục đúng cách và sử dụng bạo lực là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, tuyệt đối không được đánh đồng. Mặt khác trên thực tế, việc sử dụng đòn roi vào giáo dục cũng đang bị lên án rất nhiều hiện nay nên tuyệt đối không thể đổ lỗi cho các lý do này.

Các hành vi bạo lực trẻ em không chỉ là đánh đập, hành hạ về thể xác mà còn bao gồm cả việc cưỡng ép, kiểm soát, hành vi làm tổn thương về mặt tâm lý của trẻ. Những ám ảnh từ thời thơ ấu có thể kéo dài đến hiện tại lẫn tương lai, tác động tiêu cực đến cả sức khỏe và tinh thần của con nên cần sớm được phát hiện và đẩy lùi các hành vi mang tính chất bạo hành này.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, bạo lực nào cũng sinh ra từ sự “bất lực” của người lớn. Ví dụ, một đứa trẻ nghịch, hư, hiếu động, bố mẹ không biết phải giáo dục như thế nào đành dùng “kỷ luật sắt”, thế là trẻ bị “ăn đòn”. Người mẹ căm thù “người cha” đứa trẻ, tức chồng cũ của mình, nhưng vẫn phải nuôi con, chứ không bỏ cho ai được, trong khi đó bản thân đã có chồng mới, có các con với chồng mới, thế là đứa trẻ con chồng cũ là “cái gai”, khiến người mẹ ngứa mắt, trút giận. Người mẹ hy vọng sau ly hôn sẽ có cuộc hôn nhân mới hạnh phúc, nhưng rồi “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, cuộc hôn nhân kế tiếp không hạnh phúc, thậm chí người mẹ còn không đi bước nữa được, chỉ cặp bồ với “các bạn trai”, thế là hận đời, hận chồng cũ, chẳng làm gì ai được, trút giận lên đứa con…

Tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ - 1

Theo TS.LS Đặng Văn Cường, khi chứng kiến trẻ bị bạo hành, xâm hại, bất kỳ ai cũng cần can thiệp.

Một nguyên nhân khác là tính tình thô lỗ cục cằn, bản thân người cha, người mẹ cũng từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, cũng từng bị đối xử thậm tệ khi còn nhỏ, tâm lý “giận cá chém thớt”, tâm lý, tinh thần bất ổn, tình trạng nghiện kéo dài khiến cho người nghiện đầu óc trở nên không tỉnh táo, ứng xử không khéo léo khi xảy ra bất hoà, mâu thuẫn… đều có thể là nguyên nhân của bạo lực gia đình.

Mặc dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em đã được triển khai vào thực hiện từ lâu nhưng tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra. Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, luật có, nhưng vẫn còn chưa đến được với từng người dân. Mặt khác, công tác xử lý các vụ việc còn ít, còn nhẹ, chưa thực sự răn đe những đối tượng là thủ phạm gây bạo lực. “Để tăng cường đẩy lùi tình trạng bạo lực trẻ em, nhất là khi thủ phạm lại là bố mẹ trẻ, thì cần tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về bạo lực gia đình; nâng cao vai trò phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội; xử lý kịp thời và nghiêm khắc các vụ hành hung, ngược đãi trẻ em; giáo dục trẻ cách biết tự bảo vệ bản thân, đặc biệt kỹ năng kêu cứu, chia sẻ với người khác khi bản thân bị bạo lực, xâm hại…” – chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết.

TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Uỷ viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Thực tế trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều trẻ em bị bạo hành về thể chất và tinh thần. Nhiều em bị đánh đập, bỏ đói, bị xúc phạm, gây thương tích. Rất nhiều em không nhận thức được thế nào là hành vi bạo hành, thế nào là dạy dỗ. Thậm chí, nhiều em không dám kêu cứu vì sợ bị đánh nhiều hơn. Chính vì vậy, nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành nhưng không được phát giác. Nhiều trẻ em còn chưa biết về thông tin các đường dây kêu cứu. Có trường hợp bố bạo hành nhưng mẹ sợ hãi không dám tố cáo.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ - 2

Ảnh minh họa

Theo luật sư Cường, bạo hành trẻ em xảy ra không chỉ trong gia đình mà cả ở trường học, nơi công cộng. Khi phát hiện con bị bạo hành, cha mẹ hãy giữ bình tĩnh, xác minh vụ việc rõ ràng. Nếu con bị bạo lực ở trường, cha mẹ có thể xem việc bạo hành có gây tổn thương cho trẻ không? Nếu có căn cứ cho thấy con bị bạo hành, thì tuỳ vào nguyên nhân, tính chất và mức độ sự việc, phụ huynh có thể có ứng xử khác nhau, có thể phản hồi lại với cô giáo về sự việc, theo dõi trẻ có bị tổn thương không, làm việc với ban giám hiệu nếu cô giáo vẫn tiếp tục có hành vi bạo hành, phân biệt đối xử với trẻ. Nếu trẻ bị tổn thương nghiêm trọng, cha mẹ hãy báo cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý.

Ngoài quy định của pháp luật, cần có thêm cơ chế giám sát

 “Theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam, bảo vệ trẻ em không chỉ có cha mẹ, thầy cô mà còn cả cộng đồng. Bảo vệ trẻ em chính là bảo vệ bản thân và con cái mình. Khi chứng kiến trẻ bị bạo hành, xâm hại, thì bất kỳ ai cũng cần phải can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ, lưu lại chứng cứ báo cơ quan chức năng” – LS Cường nói.

Ngoài ra, LS Cường cho biết, với những trẻ em bị bạo lực, cần mạnh mẽ nói lên tiếng nói của mình. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, các em cần có mức độ nhận thức và kỹ năng sống khác nhau, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Pháp luật Việt Nam luôn đề cao và ghi nhận các quyền bảo vệ trẻ em. Nếu các em thấy mình bị bạo hành, xâm hại, thì có thể báo cáo cho người chăm sóc, gọi đến Tổng đài 111, gửi đến fanpage của các cơ quan chức năng, bạn bè, nhờ thầy cô, cha mẹ hỗ trợ…

  Cũng theo luật sư Cường, Luật Trẻ em sửa đổi bổ sung năm 2018, các hành vi như xâm hại trẻ em hoặc bạo lực trẻ em thuộc các hành vi bị nghiêm cấm. Luật cũng nghiêm cấm lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ - 3

Ảnh minh họa

Bộ luật Hình sự cũng đã có chế tài về hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em tại Điều 140 về “Tội hành hạ người khác”. Khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù, trường hợp gây thương tích cho trẻ bị xử lý tội “Cố ý gây thương tích”. Còn nếu hành vi vi phạm chưa đến mức bị xử lý hình sự sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Trẻ em không có hoặc khả năng tự vệ hạn chế, do đó ngoài quy định của pháp luật, cần cơ chế giám sát đặc biệt của Nhà nước đối với các tổ chức nhận nuôi trẻ em, nhất là cơ sở nuôi dưỡng nhiều trẻ và cần phải quy trách nhiệm cho cơ quan đại diện nhà nước giám sát việc này.

Cũng theo LS Cường, tại các cơ sở chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, để bảo vệ trẻ, trước hết cần tăng cường việc kiểm tra và giám sát định kỳ từ cơ quan chức năng. Theo các quy định, các cơ quan chức năng như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và Công an địa phương phải kiểm tra định kỳ ít nhất 6  tháng một lần về điều kiện cơ sở vật chất, hồ sơ sức khỏe, giáo dục của trẻ và mức độ tuân thủ các quy định. Các cơ sở này cũng phải tuân thủ quy định về số lượng trẻ nuôi dạy theo giấy phép, nếu vượt quá cần bị xử lý nghiêm. Song song đó cần có hệ thống giám sát qua camera tại các khu vực sinh hoạt chung, lớp học, các khu vực có trẻ để đảm bảo việc giám sát liên tục và phải được kết nối với cơ quan quản lý.

Các nhân viên làm việc tại cơ sở phải được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng chăm sóc trẻ, tâm lý học trẻ em và các quy định pháp luật liên quan đến quyền trẻ em. Việc này nhằm đảm bảo rằng họ có đủ năng lực và kiến thức chăm sóc trẻ đúng cách.

Còn ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì cho rằng, Luật Trẻ em 2016 quy định phải bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách từ cấp xã, phòng ngừa nguy cơ xâm hại từ sớm.

Thực tế công chức cấp xã lao động xã hội được phân công vốn nhiều việc, thường xuyên quá tải, không đủ thời gian đảm đương nhiều nhiệm vụ giám sát. Do đó việc có đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp rất cần thiết. Đây là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ giám sát hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, cộng đồng hoặc các cơ sở trợ giúp xã hội.

Cơ quan chức năng cũng tập trung giám sát các nội dung về cơ sở vật chất, hệ thống camera giám sát, chuyên môn, phẩm chất, tâm lý, tình yêu trẻ của người chăm sóc...

Chia sẻ

HUYỀN TRANG

Tin cùng chuyên mục

Để du khách 4 phương tìm về “thành phố di sản”

Để du khách 4 phương tìm về “thành phố di sản”

Thủ đô Hà Nội là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, trên 1.200 di tích quốc gia và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.