Để du khách 4 phương tìm về “thành phố di sản”

TS. Bùi Thị Thu Phương Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội
Chia sẻ

Thủ đô Hà Nội là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, trên 1.200 di tích quốc gia và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Với những giá trị văn hóa, con người Hà Nội, trong những năm qua, Hà Nội luôn được du khách quốc tế bình chọn là điểm đến bậc nhất trong tất cả các điểm đến du lịch của cả nước và có thể xứng tầm cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Năm 2024, Hà Nội được tạp chí TripAdvisor bầu chọn là điểm đến hấp dẫn thứ 4 thế giới và là điểm đến ẩm thực hàng đầu Thế giới.

Những năm qua du lịch Hà Nội phát triển với vai trò là một trung tâm du lịch dẫn đầu cả nước. Tuy vậy, sự giàu có về văn hóa của Hà Nội vẫn chưa được khai thác tương xứng, chưa làm hài lòng người Hà Nội cũng như du khách thập phương. Vì thế, việc phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh, đặc biệt là các giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ở các địa phương trong cả nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm, vừa khai thác giá trị văn hóa đồng thời bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững ở các đại phương trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay.

Trong quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Hà Nội tập trung phát triển 6 cụm du lịch. Tại các cụm này, thành phố sẽ phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch như: Đường giao thông, hệ thống vui chơi, giải trí, phát triển nguồn nhân lực… thúc đẩy du lịch phát triển.

Để du khách 4 phương tìm về “thành phố di sản” - 1

Di tích Hoàng thành Thăng Long.

Để phát triển du lịch tại các di tích, di sản cần triển khai phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư. Chính quyền cần xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch nhằm khai thác hiệu quả giá trị của di tích làng cổ. Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp thực tế và theo đúng quy đinh của Luật Du lịch.

Một số giải pháp cụ thể cho xây dựng mô hình quản lý và phát triển sản phẩm du lịch tại các khu di tích, di sản như sau:

Thứ nhất, xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch, trong đó cần chú trọng các điểm chính như: mở rộng không gian đón tiếp khách du lịch; cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch; thiết kế lắp đặt các biển chỉ dẫn tại các điểm di tích; bảo tồn, sửa chữa nâng cấp nhà cổ và các đền chùa trong làng, hỗ trợ người dân địa phương phát triển dịch vụ ẩm thực phục vụ du khách; quy hoạch tổ chức lễ hội.

Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu khách du lịch, liên kết các công ty lữ hành, phục vụ cho việc phát triển sản phẩm du lịch, cần phải lựa chọn những tài nguyên phù hợp để phát triển những sản phẩm du lịch mang nét độc đáo, riêng biệt của làng cổ và hấp dẫn khách du lịch.

Sự tham gia tích cực của người dân địa phương với tư cách là đơn vị cung cấp các dịch vụ và sản phẩm du lịch, cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành với tư cách là đại diện cho nhu cầu của khách hàng là cần thiết. Ban Quản lý di tích/di sản giữ vai trò điều phối hoạt động của hai bên, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các cơ quan hỗ trợ, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm thực hiện tốt kế hoạch nghiên cứu thị trường đã đề ra.

Để du khách 4 phương tìm về “thành phố di sản” - 2

Chương trình nghệ thuật trong tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long

Thứ ba, phát triển du lịch gắn với du lịch cộng đồng. Người dân địa phương đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Các cá nhân, hộ gia đình phát triển du lịch cộng đồng cần được ưu đãi, khuyến khích cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống; hướng dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa, nếp sống tại cộng đồng; sản xuất hàng hóa, hàng thủ công truyền thống và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch.

Thứ tư, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nghiên cứu xây dựng các tour tuyến hợp lý (tour trong ngày, tour qua đêm, tour kết nối với các di sản khác xung quanh…), xây dựng môi trường văn hóa trong các hoạt động du lịch. Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch tại làng cổ, đồng bộ hóa hệ thống biển bảng chỉ dẫn, hệ thống các gian hàng lưu niệm trưng bày và bán các sản phẩm truyền thống của địa phương.

Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển sản phẩm du lịch cũng cần được tính đến như hỗ trợ chi phí tiếp thị, chia sẻ thông tin, đào tạo, hướng dẫn,... Phương án phát triển sản phẩm du lịch được lựa chọn nên tạo điều kiện các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương tại làng cổ hưởng ích lợi từ hoạt động du lịch theo định hướng du lịch cộng đồng. Nếu thực hiện tốt điều này, người dân địa phương được hưởng lợi từ chính di sản của tổ tiên cha ông họ sẽ tự giác gìn giữ và đóng góp công sức vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Thứ sáu, chú trọng phát triển nguồn nhân lực: Chất lượng việc lập kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch nói riêng và quy hoạch, quản lý hoạt động du lịch nói chung tại các khu di tích/di sản phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực. Những nhà quản lý tại các khu di tích/di sản cần phải hiểu cách làm và xu hướng của hệ thống du lịch quốc tế, quốc gia và khu vực cũng nhu thị hiếu của khách hàng mục tiêu để quy hoạch hoạt động du lịch và xây dựng những phương án phát triển sản phẩm du lịch phù hợp.

Để du khách 4 phương tìm về “thành phố di sản” - 3

Di tích Cửa Bắc.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác truyền thông, có chiến lược tiếp thị và quảng bá sản phẩm du lịch của di tích/di sản tới du khách trong và ngoài nước. Hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm du lịch chính là điều kiện đủ để phát triển được những sản phẩm du lịch thành công. Đầu tư công tác quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch qua những kênh quảng bá hiệu quả và có số lượng tương tác lớn như Internet, Facebook, Fanpage… Nghiên cứu đầu tư xây dựng bộ nhận diện thương hiệu.

Thứ tám, xây dựng kế hoạch, mô hình quản lý và phát triển du lịch, kiểm tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch và có những điều chỉnh kịp thời, cần có những điều chỉnh phù hợp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra. Thông qua việc xây dựng mô hình quản lý và phát triển những sản phẩm du lịch phù hợp, di tích/di sản không chỉ thu hút đông đảo khách du lịch mà chắc chắn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, mà còn tăng doanh thu từ du lịch, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng địa phương, tạo cho người dân địa phương thêm gắn bó với quê hương, với di sản.

Có thể nói, tất cả di sản văn hóa của Hà Nội chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô, góp phần tạo nên diện mạo độc đáo của đất Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử. Đó cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa. Phát huy tốt giá trị Di sản văn hóa  góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng danh Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo.

Chia sẻ

TS. Bùi Thị Thu Phương Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ

Tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ

Các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng cần phải có đồng bộ nhiều giải pháp, từ con người đến cơ chế giám sát và mức chế tài vi phạm để bảo vệ trẻ em trước bạo lực.