Đẩy mạnh bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Chi Anh
Chia sẻ

Phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) được tự tin, mạnh dạn tham gia vào các hoạt động của địa phương, cộng đồng, có tiếng nói và được tôn trọng trong gia đình sẽ góp phần thực hiện hiệu quả bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đó cũng chính là một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đã và đang có nhiều cách thức giúp phụ nữ vùng DTTS và miền núi nâng cao vai trò, vị thế, có nhiều cơ hội cải thiện và nâng cao đời sống, thực hiện bình đẳng giới…

Giúp chị em tiếp cận thông tin đa dạng, bằng nhiều hình thức

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND về triển khai Dự án 8 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó, giao cho Hội LHPN Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn Thành phố.

Dự án 8 được thiết kế với 8 chỉ tiêu cốt lõi và nhiều hoạt động can thiệp, tập trung vào: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ vùng DTTS và miền núi; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Hội LHPN Hà Nội đã cùng các sở, ngành, UBND 5 huyện chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các nội dung Dự án 8 một cách nghiêm túc.

Đẩy mạnh bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi - 1

Hội thi “Tuyên truyền viên tài năng, duyên dáng” phụ nữ DTTS huyện Quốc Oai.

Có thể kể đến một số hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án 8, được thực hiện đã góp phần trang bị thêm kiến thức về bình đẳng giới cho chị em phụ nữ vùng DTTS như: Liên hoan văn hóa “Phụ nữ DTTS hành động vì bình đẳng giới” năm 2023 tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Tại chương trình liên hoan, thành viên các tổ truyền thông cộng đồng và hội viên, phụ nữ của 13 thôn thuộc địa bàn DTTS và miền núi đến từ hai xã Tiến Xuân, Yên Bình (huyện Thạch Thất) đã trình diễn các tiết mục văn nghệ phong phú, đặc sắc, góp phần tuyên truyền, tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào; nâng cao năng lực truyền thông về bình đẳng giới cho thành viên các Tổ truyền thông cộng đồng. Ngoài ra, còn có hoạt động trưng bày và giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, sáng tạo, sản phẩm nghề truyền thống của phụ nữ DTTS và nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ. Hay hội thi “Tuyên truyền viên tài năng, duyên dáng” phụ nữ DTTS huyện Quốc Oai. những chi hội trưởng, hội viên xuất sắc tại các chi hội của hai xã Đông Xuân và Phú Mãn. Tham gia hội thi, các thí sinh đã tạo nên màn trình diễn phong phú, ấn tượng, thể hiện được vẻ đẹp tinh tế, giản dị, đằm thắm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Đồng thời khẳng định, tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng của phụ nữ các dân tộc nói chung và của đồng bào dân tộc Mường ở Đông Xuân và Phú Mãn nói riêng.

Kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng

Thực tế tại Hà Nội, theo đánh giá của Ban Dân tộc - UBND Thành phố, các chỉ tiêu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới của thành phố đều đạt và vượt. Công tác hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và phòng, chống mua bán người được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Các mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Thủ đô cơ bản hoàn thành.

Phó Trưởng Ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, thời gian tới, Ban sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu về giới trong gia đình và cộng đồng, cùng những tập tục văn hóa có hại.

Ban Dân tộc Hà Nội cũng sẽ tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhằm trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Đẩy mạnh bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi - 2

Một cảnh trong tiểu phẩm tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới do người Dao xã Ba Vì thực hiện tại Ngày hội Bình đẳng giới do Hội LHPN Hà Nội tổ chức tháng 10/2023.

Bình đẳng giới chẳng cần là điều gì đó cao xa, chỉ đơn giản là ấm êm trong mỗi nếp nhà. Câu chuyện ở các gia đình người Dao xã Ba Vì, huyện Ba Vì cho thấy rõ điều đó. Làm thuốc nam là nghề gia truyền trong mỗi gia đình, dòng họ ở đây. Phụ nữ Dao có những phẩm chất tốt đẹp như: cần cù, tỉ mỉ, chịu khó học hỏi, lại có trái tim nhân hậu nên thường được gia đình truyền nghề cho. Vì thế, các bà, các cô có vai trò rất lớn trong việc duy trì và phát triển 4 bước y lý cổ truyền của dân tộc: Trị bệnh, khỏi bệnh, chống tái phát và tiệt nọc bệnh. Khi người phụ nữ lo việc ngoài xã hội, giữ gìn truyền thống của cha ông, đồng thời tạo ra thu nhập cho gia đình thì người đàn ông sẵn sàng chủ động chia sẻ việc nhà, nấu cơm, dọn nhà, trông coi ruộng vườn, đón đưa cháu đi học... để người phụ nữ có thêm thời gian dành cho công việc; đồng thời họ tham gia vào những phần việc cần độ bền sức khoẻ như vào rừng sâu tìm hái, thái, phơi nguyên liệu, bốc xếp… Sự chia sẻ hợp lý ấy giúp hạnh phúc gia đình được gìn giữ, vợ chồng ít cãi vã, là nếp sống văn minh lan tỏa ở một vùng DTTS.

Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy, phụ nữ DTTS vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, bất bình đẳng so với nam giới trên nhiều lĩnh vực. Trong đội ngũ cán bộ, nữ DTTS chiếm tỷ lệ rất ít. Vai trò của phụ nữ DTTS trong gia đình chưa được coi trọng như nam giới. Ở lĩnh vực giáo dục, trẻ em gái DTTS cũng bị hạn chế trong học tập hơn trẻ em nam. Bên cạnh đó, vấn đề bạo lực gia đình ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn là nhức nhối.

Vì vậy, trong thời gian tới, theo TS Hoàng Thị Kim Oanh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi, cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Đó là cần nghiên cứu, ban hành những chính sách đặc thù đối với phụ nữ vùng DTTS để giảm thiểu những rào cản, khó khăn về điều kiện, cơ hội… của họ so với nam giới và so với phụ nữ ở các vùng, miền khác; Chính quyền các cấp, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, cần tăng cường phổ biến, quán triệt, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng. Ngoài ra cũng cần tăng cường sự phối hợp, đoàn kết, thống nhất giữa các tổ chức trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, đặc biệt phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, bản, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người DTTS, bởi lời nói, hành động của họ thường được đồng bào dân tộc tin tưởng làm theo.

Chia sẻ

Chi Anh

Tin cùng chuyên mục

Sở hữu chung - sở hữu riêng nhà chung cư

Sở hữu chung - sở hữu riêng nhà chung cư

Câu hỏi: Xin cho biết quy định mới về phần sở hữu chung, sở hữu riêng trong nhà chung cư? Quỹ bảo trì sử được sử dụng như thế nào? Thái Văn Nam (Mễ Trì, Nam Từ Liêm)

Những phụ nữ với tình yêu nguồn cội

Những phụ nữ với tình yêu nguồn cội

Truyền thống yêu nước nồng nàn, trí thông minh, sáng tạo, lòng nhân ái và đức hy sinh cao cả chính là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng. Ngày nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí lao động, công tác nào, cũng đều không khó để bắt gặp được những người phụ nữ luôn phát huy cao giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp đó. Nhân ngày Phụ nữ...

Quà 20/10 cho người phụ nữ thân yêu

Quà 20/10 cho người phụ nữ thân yêu

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cánh mày râu có thể thể hiện tình cảm, sự trân trọng của mình dành cho những người phụ nữ thân yêu của mình qua những món quà ý nghĩa.

Hà Nội mãi là biểu tượng của yêu thương và gắn kết

Hà Nội mãi là biểu tượng của yêu thương và gắn kết

Hà Nội, trái tim của cả nước, không chỉ là Thủ đô mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống và tình người sâu sắc. Qua từng giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ Thăng Long dưới triều Lý, Trần cho đến thời kỳ Pháp thuộc và sau này là thời kỳ đổi mới, Hà Nội luôn giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.