5 phong tục kỳ lạ nhưng lấy may mắn ở Việt Nam, cùng gội đầu để “xin vía”, có nơi đợi tiếng sấm đầu tiên để cúng năm mới

Tấn Phước
Chia sẻ

Có những phong tục đón kỳ lạ Tết ở Việt Nam khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì lần đầu nghe thấy và tìm hiểu về các nghi thức cúng bái. Tuy nhiên, đây đều là những nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày đầu năm của đồng bào dân tộc thiểu số sống trải dài trên khắp mảnh đất hình chữ S.

Hát thi đua với gà trống

Theo quan niệm của người Pu Péo, tiếng gáy của gà trống là lời gọi của bình minh, báo hiệu khởi đầu một ngày mới và tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Khi tiếng gà trống đầu tiên vang lên, người Pu Péo bắt đầu hát đối đáp, sử dụng lời ca để "thi đấu" với gà trống. Lời hát thường là những câu chúc tụng tổ tiên, cảm ơn thiên nhiên hoặc những mong ước tốt đẹp cho gia đình và bản làng.

5 phong tục kỳ lạ nhưng lấy may mắn ở Việt Nam, cùng gội đầu để “xin vía”, có nơi đợi tiếng sấm đầu tiên để cúng năm mới - 1

Phong tục hát thi với gà trống thường được tổ chức vào sáng sớm ngày mùng 1 Tết, khi những ánh nắng đầu tiên bắt đầu len lỏi qua núi rừng.

Đặc biệt, người hát cần lắng nghe kỹ tiếng gáy để sáng tạo lời hát ngay tức thì, sao cho phù hợp với nhịp điệu và cao độ của tiếng gà. Điều này đòi hỏi sự nhanh trí, linh hoạt và khả năng ứng biến trong từng câu hát. Phong tục này không chỉ mang tính giải trí mà còn là dịp để mọi người thể hiện tài năng và sự gắn bó với văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, phong tục hát thi với gà trống còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Người Pu Péo tin rằng, nếu ai hát vượt qua được tiếng gáy của gà trống thì năm đó gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, công việc hanh thông, mùa màng bội thu.

Ngày nay, phong tục hát thi đua với gà trống vẫn được người Pu Péo lưu giữ, trở thành nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Đây không chỉ là dịp để mọi người sum họp, vui xuân mà còn là cách gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống giữa nhịp sống hiện đại.

Đón năm mới bằng tiếng sấm

Sống tập trung tại khu vực thượng nguồn sông Lam, người Ơ Đu với tổng số dân chưa đến 1000 người đang cùng nhau sinh hoạt, cư trú tại đây. Vào năm mới, người Ở Đu sẽ đón Tết bằng tiếng sấm.

Tiếng sấm đầu tiên trong năm cũng là lúc người Ơ Đu bắt đầu mùa gieo trồng và thực hiện những việc trọng đại trong gia đình, dòng họ, việc chung của cộng đồng. Người Ơ Đu quan niệm sau khi qua đời, chỉ khi có tiếng sấm vang lên thì linh hồn mới được siêu thoát. Tết tiếng sấm là một lễ tục quan trọng nhất của người Ơ Đu để cầu năm mới mưa thuận gió hòa, thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt và là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, tạ ơn thần linh. 

5 phong tục kỳ lạ nhưng lấy may mắn ở Việt Nam, cùng gội đầu để “xin vía”, có nơi đợi tiếng sấm đầu tiên để cúng năm mới - 2

Hằng năm, khi xuất hiện tiếng sấm đầu tiên thì đồng bào Ơ Đu lại tổ chức lễ hội để bắt đầu cho một năm mới. Đây là ngày Tết lớn nhất trong năm của người Ơ Đu, được đồng bào tổ chức rất quy mô.

Đồng bào Ơ Đu kể rằng ngày lễ thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch hằng năm. Tết không diễn ra vào một thời gian cố định mà còn phụ thuộc vào thời khắc trên trời xuất hiện tiếng sấm đầu tiên của năm. 

Nghi lễ đón Tết Chăm Phtrong được đồng bào Ơ Đu tổ chức với ba phần chính, đó Lễ đón tiếng sấm tại nhà ông mo (người được coi là sứ giả của thần linh), lễ đón tiếng sấm tại các gia đình và là lễ đón tiếng sấm chung cho cả cộng đồng.

Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm với nghi thức mời tổ tiên tại đền thiêng trên núi. Thầy mo cùng các chức sắc và đại diện gia đình trong bản mang lễ vật, những mâm lễ giản dị được góp chung để dâng cúng tổ tiên. 

Sau nghi lễ tại đền, đồng bào tập trung tại sân cộng đồng để tạ ơn thần sấm - vị thần được xem là mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trên sân lễ, 5 mâm lễ lớn được sắp đặt cẩn thận, với 2 mâm chính dành riêng cho thần sấm và tổ tiên, các mâm khác bày xung quanh.

Lễ cúng bắt đầu, nối tiếp là nghi thức buộc chỉ cổ tay - một nét độc đáo trong tín ngưỡng người Ơ Đu. Sợi chỉ được xem như “sợi chỉ thiên” có nhiệm vụ giữ hồn vía an lành, không được tháo ra cho đến mùa lễ hội năm sau.

Sau phần lễ là chuỗi hoạt động vui chơi và sinh hoạt văn hóa cộng đồng sôi nổi. Bà con cùng nhau múa hát quanh mâm lễ, hòa mình vào âm thanh rộn ràng của tiếng nhạc, tiếng trống, và âm thanh từ những chiếc ống tre hoặc gậy nhọn gõ xuống đất, tái hiện tiếng sấm và hoạt động chọc lỗ tra hạt - một biểu tượng cầu mong mùa màng bội thu.

5 phong tục kỳ lạ nhưng lấy may mắn ở Việt Nam, cùng gội đầu để “xin vía”, có nơi đợi tiếng sấm đầu tiên để cúng năm mới - 3

Các trò chơi dân gian như đi cà kheo, tọ mạc lẹ, bắn nỏ cùng những điệu múa truyền thống càng làm không khí thêm tưng bừng, đầy bản sắc.

Gội đầu lấy may

Lễ Gội đầu là nghi lễ rửa trôi những điều không may mắn, xui xẻo là nghi thức đặc biệt của đồng bào người Thái trắng ở huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu). Qua nghi lễ này, người Thái trắng mong muốn tống tiễn tai ương, bệnh tật xuôi theo dòng nước để cầu mong tốt lành, may mắn, phát đạt. 

Nguồn gốc của nghi thức gội đầu đầu năm gắn liền với tín ngưỡng sông nước của người Thái trắng - họ xem dòng nước là biểu tượng của sự thanh sạch và tái sinh. Theo truyền thuyết, tổ tiên người Thái trắng tin rằng việc gột rửa cơ thể vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ giúp con người xóa đi bụi trần, đón nhận nguồn sinh khí mới từ thiên nhiên.

Lễ gội đầu thường được tổ chức bên dòng suối hoặc ven sông. Người tham gia, từ trẻ nhỏ đến người lớn, đều mang theo một bộ quần áo mới để thay sau nghi thức gội rửa. Trước khi gội, các thầy mo thực hiện nghi lễ cúng bái thần sông, cầu xin sự chấp thuận và bảo hộ từ các đấng linh thiêng. Lễ vật cúng gồm rượu, gạo, trầu cau và một số món ăn truyền thống của người Thái.

Khi nghi thức cúng bái kết thúc, mọi người lần lượt bước xuống dòng nước. Họ dùng nước suối mát lành để rửa mặt, gội đầu và tắm rửa toàn thân, tượng trưng cho việc loại bỏ mọi điều xui rủi. Đặc biệt, phụ nữ Thái còn dùng nước thơm được nấu từ các loại lá rừng để gội đầu, vừa giúp tóc mượt mà vừa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

5 phong tục kỳ lạ nhưng lấy may mắn ở Việt Nam, cùng gội đầu để “xin vía”, có nơi đợi tiếng sấm đầu tiên để cúng năm mới - 4

Lễ gội đầu không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, sẻ chia niềm vui ngày cuối năm. 

Ngày nay, Lễ Gội Đầu không chỉ là một nghi lễ truyền thống mà còn trở thành điểm nhấn văn hóa, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, góp phần quảng bá bản sắc đặc sắc của người Thái trắng ở Lai Châu.

Tục dán giấy đỏ trong nhà

Tết Nguyên đán của người Cao Lan ở Phú Thọ thường bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, mỗi tối trước khi đi ngủ, gia chủ đều thắp một nén hương thơm lên bàn thờ để mời tổ tiên về ăn Tết, đón xuân cùng con cháu.

Trước khoảnh khắc giao thừa là thời điểm mang ý nghĩa quan trọng và đặc biệt trong tín ngưỡng của người Cao Lan. Vào ngày này, người Cao Lan dậy vào lúc sáng sớm để lau dọn nhà cửa sạch sẽ, sau đó tiến hành "Chí dịt" - tục dán giấy đỏ trong nhà.

Trước ngày Tết Nguyên đán, các gia đình chuẩn bị giấy đỏ và mời thầy cúng hoặc người cao niên trong làng viết những câu chúc tốt đẹp bằng chữ Nôm Dao hoặc chữ Hán. Nội dung các câu chúc thường thể hiện sự mong cầu may mắn, sức khỏe, mùa màng bội thu và con cháu thành đạt.

5 phong tục kỳ lạ nhưng lấy may mắn ở Việt Nam, cùng gội đầu để “xin vía”, có nơi đợi tiếng sấm đầu tiên để cúng năm mới - 5

Giấy đỏ được dán ở nhiều nơi trong nhà: cửa chính, cửa sổ, gian thờ và chuồng gia súc. Mỗi vị trí đều mang một ý nghĩa riêng, chẳng hạn như dán ở cửa để ngăn tà khí, trên bàn thờ để tỏ lòng kính nhớ tổ tiên.

Tục dán giấy đỏ không chỉ giúp không gian ngày Tết thêm rực rỡ mà còn là biểu tượng của niềm tin và hy vọng vào tương lai, phản ánh nét đẹp văn hóa độc đáo của người Cao Lan.

Thờ bát nước lã

Trong văn hóa tâm linh độc đáo của người Pà Thẻn, phong tục thờ bát nước lã trên bàn thờ tổ tiên được gìn giữ như một nét truyền thống thiêng liêng. Chiếc bát nước lã không chỉ là vật phẩm thờ cúng mà còn ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc về sự gắn kết giữa con người với tổ tiên và thiên nhiên.

Theo quan niệm của người Pà Thẻn, bát nước lã tượng trưng cho biển cả, nơi khởi nguồn sự sống, đồng thời là nơi lưu giữ linh hồn tổ tiên và các thành viên trong gia đình. Trên bát nước luôn được úp một chiếc đĩa để bảo vệ sự thanh tịnh và bát nước này không bao giờ được để cạn. Nếu nước cạn, gia đình sẽ đối mặt với tai họa, bệnh tật hoặc xui xẻo.

5 phong tục kỳ lạ nhưng lấy may mắn ở Việt Nam, cùng gội đầu để “xin vía”, có nơi đợi tiếng sấm đầu tiên để cúng năm mới - 6

Phong tục thờ bát nước lã không chỉ thể hiện đời sống tín ngưỡng sâu sắc của người Pà Thẻn mà còn là minh chứng sống động cho sự hòa quyện giữa con người, tổ tiên và thiên nhiên trong đời sống văn hóa của cộng đồng.

Sau khi cửa nhà được đóng kín hoàn toàn, gia chủ cẩn thận hạ bát nước xuống, lau sạch, thay nước mới và thực hiện nghi thức cúng giao thừa. Đây là khoảnh khắc thiêng liêng, kết nối giữa năm cũ và năm mới, đồng thời gửi gắm lời cầu nguyện cho sức khỏe, bình an và may mắn.

Chia sẻ

Tấn Phước

Tin cùng chuyên mục

Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

Nghệ nhân Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1953) là người sáng lập nhà hàng Ánh Tuyết, phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Bà từng được Chủ tịch nước giao nhiệm vụ phục vụ bữa ăn cho các đại biểu quốc tế dự hội nghị Apec năm 2017 tại InterContinental Đà Nẵng; giúp Văn phòng Chủ tịch nước tiếp đoàn Mỹ - Triều. Bà đạt rất nhiều huy chương, giải thưởng tại các sự kiện ẩm thực lớn và quy...

7 hoạt động giúp cho cái Tết 2025 của bạn và gia đình thật trọn vẹn và hạnh phúc

7 hoạt động giúp cho cái Tết 2025 của bạn và gia đình thật trọn vẹn và hạnh phúc

Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp để tổng kết một năm đã qua, mà còn là khoảng thời gian quý giá để gắn kết gia đình, tái tạo năng lượng và hướng đến những mục tiêu mới. Để mùa xuân 2025 thêm phần trọn vẹn và ý nghĩa, hãy cùng khám phá những hoạt động vừa mang đậm giá trị truyền thống, vừa giúp bạn tận hưởng từng khoảnh khắc đáng nhớ bên những người thân yêu.