Tết Đoan Ngọ 2025: Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng để "giết sâu bọ" vừa đơn giản, ngon miệng lại cực kỳ bắt mắt

Minh Ngọc
Chia sẻ

Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ tuy không cầu kỳ nhưng đủ món, đẹp mắt chắc chắn ai cũng thực hiện được.

Ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm, người Việt lại náo nức đón Tết Đoan Ngọ, còn gọi là Tết Đoan Dương, một ngày lễ cổ truyền có từ lâu đời, gắn với nhiều tập tục mang ý nghĩa tâm linh, mùa vụ và sức khỏe.

“Đoan” nghĩa là bắt đầu, còn “Ngọ” là giờ Ngọ (khoảng 11 giờ trưa). Tết diễn ra vào đúng thời điểm mặt trời đứng bóng, dương khí đạt cực thịnh trong năm, nên còn được gọi là Tết Đoan Dương. Tuy có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng khi du nhập vào nước ta, Tết Đoan Ngọ đã được Việt hóa sâu sắc, mang bản sắc riêng biệt và trở thành dịp lễ quen thuộc trong đời sống người Việt với cái tên dân gian thân thuộc: "Tết diệt sâu bọ".

Theo phong tục xưa, người dân sẽ phát động bắt sâu bọ, tiêu trừ những loài gây hại cho mùa màng. Trong tín ngưỡng dân gian, đây cũng là thời điểm thuận lợi để xua đuổi tà khí, thanh lọc cơ thể. Người xưa tin rằng nếu ăn món đầu tiên trong ngày, thường là rượu nếp hoặc trái cây có vị chua, chát, thì sâu bọ, ký sinh trùng trong người sẽ bị tiêu diệt.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường đơn giản mà hài hòa, chủ yếu gồm trái cây theo mùa, bánh trái truyền thống như bánh gio (bánh tro) - loại bánh làm từ gạo nếp ngâm nước tro của các loại cây khô, có vị thanh mát, dễ tiêu.

Tết Đoan Ngọ 2025: Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng để "giết sâu bọ" vừa đơn giản, ngon miệng lại cực kỳ bắt mắt - 1

Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ gồm hoa quả theo mùa và các món bánh truyền thống (Ảnh: Đoàn Phương Thảo)

Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ được chuẩn bị giản dị mà chu đáo, thường gồm:

- Hoa quả theo mùa như mận, vải, xoài, dưa hấu...

- Bánh gio (bánh tro) làm từ gạo nếp ngâm nước tro, có vị thanh mát, giải nhiệt...

- Cơm rượu nếp cẩm, nếp cái hoa vàng - vừa để cúng, vừa dùng như vị thuốc dân gian hỗ trợ tiêu hóa. Người miền Nam cũng cúng cơm rượu nhưng cơm rượu được vo tròn thành các viên, thể hiện cho sự tròn đầy.

- Tùy theo vùng miền, có thể có thịt vịt (miền Trung) hoặc chè trôi nước  - tượng trưng cho cho sự viên mãn, tròn đầy (miền Nam). Theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm thịt vịt béo ngon, mát lành, giúp cơ thể điều hòa khí huyết trong tiết trời oi ả.

Tết Đoan Ngọ cũng là thời điểm giữa mùa hè, khi sâu bệnh phát triển mạnh, ảnh hưởng đến cây trái và sức khỏe. Việc tổ chức lễ cúng, ăn các món có tính mát, chua, cay nhẹ… vừa mang ý nghĩa cầu an, vừa giúp con người thanh lọc, thích nghi với việc chuyển mùa.

Dù thời gian có đổi thay, Tết Đoan Ngọ vẫn là dịp để mỗi người nhìn lại vòng quay thiên nhiên, giữ gìn nhịp sống điều độ và cùng gia đình sum họp bên mâm cỗ giản dị mà đầy ý nghĩa. Những tập tục xưa, từ việc ăn rượu nếp, chuẩn bị mâm cúng đến chọn món theo mùa, chính là sợi dây kết nối hiện tại với quá khứ, lưu giữ nếp nhà qua từng thế hệ.

Tết Đoan Ngọ 2025 rơi vào thứ 7, ngày 31/5 Dương lịch, là ngày cuối tuần nên các gia đình càng có thời gian để chuẩn bị mâm cỗ đầy đủ, tươm tất hơn.

Cũng như bao gia đình khác, chị Thu Hương (Hà Nội) năm nào cũng tự tay chuẩn bị một mâm cúng Tết Đoan Ngọ cho gia đình. Dù công việc bận rộn, nhưng với chị, đây là dịp để cả nhà quây quần bên nhau, nhắc nhớ về những phong tục xưa của ông bà, cha mẹ. Mỗi năm, chị lại chọn những loại trái cây tươi ngon nhất, bánh gio, cơm rượu nếp… Không chỉ là giữ gìn truyền thống, đó còn là cách chị truyền lại cho con trẻ tình yêu với văn hóa dân tộc, với căn bếp nhỏ luôn đỏ lửa yêu thương.

Tết Đoan Ngọ 2025 năm này, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của chị Thu Hương gồm các món: 

- Bánh tro.

- Bánh thạch đậu xanh tạo hình hoa quả.

- Bánh xu xê.

- Cơm rượu nếp cẩm/nếp cái hoa vàng.

- Mận.

- Vải.

- Các loại hoa: Hoa sen, hoa dẻ, mẫu đơn.

- Lễ vật: Hương, trầu, cau...

Tết Đoan Ngọ 2025: Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng để "giết sâu bọ" vừa đơn giản, ngon miệng lại cực kỳ bắt mắt - 2

Mâm cỗ Tết đủ món truyền thống hấp dẫn của chị Thu Hương.

Tết Đoan Ngọ 2025: Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng để "giết sâu bọ" vừa đơn giản, ngon miệng lại cực kỳ bắt mắt - 3

Món cơm rượu nếp cẩm và nếp cái hoa vàng.

Tết Đoan Ngọ 2025: Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng để "giết sâu bọ" vừa đơn giản, ngon miệng lại cực kỳ bắt mắt - 4

Bánh đậu xanh trái cây đẹp mắt.

Tết Đoan Ngọ 2025: Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng để "giết sâu bọ" vừa đơn giản, ngon miệng lại cực kỳ bắt mắt - 5
Tết Đoan Ngọ 2025: Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng để "giết sâu bọ" vừa đơn giản, ngon miệng lại cực kỳ bắt mắt - 6

Vải và mận là loại quả đặc trưng trên mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ.

Tham khảo thêm cách làm cơm rượu nếp cẩm để giết sâu bọ Tết Đoan ngọ:

Nguyên liệu cần chuẩn bị

- Gạo nếp cẩm: 1kg

- Men ngọt: 2 viên (loại 50g/viên)

- Đường trắng, lá sen tươi

Lưu ý trước khi bắt tay vào làm:

- Chọn nếp cẩm ngon: Ưu tiên loại nếp có hạt to, tròn đều, không gãy vỡ. Những hạt còn lớp vỏ lụa nâu bên ngoài sẽ giữ lại lượng vitamin B dồi dào, rất tốt cho làn da và sức khỏe, nhất là khi ăn kèm sữa chua hoặc trong chế độ tăng cân tự nhiên.

- Chọn men ủ rượu: Nên chọn loại men có màu sáng, không ẩm mốc, có mùi thơm nhẹ đặc trưng. Men ngon không chỉ quyết định độ dậy hương của cơm rượu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vị ngọt thanh và độ cay nhẹ sau khi ủ.

- Tỷ lệ men : nếp chuẩn: Trung bình cứ 1kg nếp dùng 1 viên men (loại 50g) để cơm lên men vừa đủ, không bị gắt hay nồng quá.

Các bước thực hiện:

- Vo và ngâm nếp: Vo sạch nếp cẩm vài lượt đến khi nước trong, sau đó ngâm qua đêm cho hạt nếp nở mềm.

- Đồ nếp: Cho nếp vào xửng hấp hoặc nồi đồ, hấp đến khi hạt nếp chín mềm, dẻo thơm. Trải cơm nếp ra mâm lớn, để nguội hẳn. (Lưu ý: cơm còn nóng mà trộn men sẽ làm chết men, khiến cơm không lên men được).

- Giã men: Dùng chày giã hoặc nghiền mịn viên men. Bạn có thể rây lại để bỏ phần vụn to, giúp men hòa đều hơn vào cơm.

- Ủ cơm rượu với lá sen: Chuẩn bị một nồi hấp to hoặc thố lớn, lót đáy bằng lá sen tươi. Rải từng lớp cơm nếp nguội xen kẽ với lớp lá sen. Rắc đều men đã nghiền lên giữa các lớp cơm.

- Gói và ủ: Khi đã xếp xong, gói kín phần lá sen lại, đậy nắp và để vào nơi kín gió, thoáng mát. Ủ khoảng 2 - 3 ngày trong mùa hè là cơm bắt đầu lên men, dậy mùi thơm nhẹ. Nếu muốn cơm rượu có độ cay và vị chua nhẹ, bạn có thể tiếp tục ủ thêm 1 - 2 ngày nữa. Tuy nhiên, không nên ủ quá 5 ngày, vì rượu sẽ quá nồng và át mất vị ngon tự nhiên.

Tết Đoan Ngọ 2025: Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng để "giết sâu bọ" vừa đơn giản, ngon miệng lại cực kỳ bắt mắt - 7

- Hoàn thiện và thưởng thức: Phần nước rượu chảy xuống đáy thố sau khi ủ có thể pha chút đường, khuấy đều rồi rưới lên cơm rượu khi ăn. Vị ngọt thanh xen chút cay nhẹ tạo nên hương vị rất riêng.

Chia sẻ

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục