Sức hút từ những gameshow “sao về quê”

Nguyên Vũ
Chia sẻ

Gia đình Haha, Sao nhập ngũ, 2 ngày 1 đêm… loạt gameshow đưa nghệ sĩ về trải nghiệm đời sống thường nhật ở thôn quê đang trở thành món ăn tinh thần được khán giả đón nhận mạnh mẽ. Không phải mô hình mới nhưng vẫn trở thành xu hướng, vì sao “sao về quê” lại gây nghiện?

Những điều giản dị tạo thành xu hướng

Được Việt hóa từ format “Haha Farmer” (MangoTV - Trung Quốc), “Gia đình Haha - Những ngày trời bao la” mùa đầu tiên quy tụ dàn nghệ sĩ gồm Jun Phạm, Bùi Công Nam, Ngọc Thanh Tâm, Rhymastic và Duy Khánh. Ở đó, họ cùng nhau trải nghiệm cuộc sống với gia đình chị Thông ở Bản Liền (Lào Cai) - một ngôi làng miền núi yên bình.

Mỗi tập trôi qua, khán giả lại khám phá thêm những nét chân chất của các nghệ sĩ: Cày ruộng cùng trâu, lên rừng bẻ măng, hái chè, nhổ củ khoai mì, hay đi chợ phiên vùng cao... Không còn ánh hào quang, không còn “người của công chúng”, chỉ còn những con người lấm lem bùn đất, có lúc ngơ ngác trước cuộc sống giản dị mà bền bỉ của người dân bản. Ở cuối tập 2, sự xuất hiện của ca sĩ Minh Tuyết với bộ trang phục giản dị, mang lại tiếng cười và cả cảm giác “vỡ hình tượng” dễ chịu. Một nghệ sĩ không phòng chờ, không ánh đèn sân khấu, chỉ có tiếng gió rừng và một bữa cơm độn sắn bên gia đình bản địa.

Sức hút từ những gameshow “sao về quê” - 1

Các nghệ sĩ cày ruộng trong “Gia đình Haha”. (Ảnh: BTC)

Điều làm nên sức hút đặc biệt của “Gia đình Haha” không chỉ là tiếng cười. Đó là hành trình “trút bỏ lớp vỏ người nổi tiếng” để chạm vào đời sống thật. Có khi là lúc Rhymastic bối rối giữa chợ vùng cao, lúc Duy Khánh ôm bụng cười vì bị trâu “ngó lườm”, hay Jun Phạm lặng đi khi ngồi bên bếp củi nghe chuyện đời của chị Thông…

Giữa thế giới giải trí ngập tràn thông tin và nhịp sống thường ngày có phần vội vã, “Gia đình Haha” đã chứng minh rằng những giá trị giản đơn và chân thực lại có sức hút mạnh mẽ. Gameshow khởi đầu ấn tượng khi tập 1 đạt hơn 2 triệu lượt xem chỉ trong vòng vài ngày, tập 2 cũng vượt mốc 1 triệu lượt xem, lọt vào Top 12 Trending YouTube. Chương trình còn đạt Top 1 rating trên VTV3 và truyền hình cả nước ngay từ những số phát sóng đầu tiên, đồng thời tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên trên TikTok.

Khác với không khí vui vẻ của “Gia đình Haha”, “Sao nhập ngũ” đưa nghệ sĩ vào môi trường quân đội nghiêm ngặt: Thức dậy từ 4 giờ sáng, gập chăn vuông góc, tập bắn, hành quân, rửa nhà vệ sinh... Không còn sân khấu, không còn ê-kíp make-up, chỉ còn những con người thật, sống trong kỷ luật thép. Dàn nghệ sĩ như Diệu Nhi, Hòa Minzy, Kỳ Duyên, Khánh Vân… không chỉ “ăn hành” đúng nghĩa, mà còn để lộ những nét tính cách sâu kín qua từng bài huấn luyện.

Người xem không phải theo dõi để thấy họ khổ sở, mà để thấy họ… giống mình. Hòa Minzy thở dốc sau một buổi huấn luyện vượt thử thách, Kỳ Duyên bật cười trong bộ đồ bộ “quên cả hình tượng”… khán giả dần bớt “thần tượng”, chuyển sang… thấu cảm. Những nghệ sĩ không còn là “ngôi sao”, mà là những con người - chiến sĩ đang cố gắng vượt giới hạn bản thân. Nhờ format kỷ luật, khắc nghiệt và lột tả tính cách thật của nghệ sĩ trong môi trường quân đội “Sao nhập ngũ” đã phát sóng 15 mùa qua 7 năm, vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Sức hút từ những gameshow “sao về quê” - 2

Các nghệ sĩ trong “Gia đình Haha”. (Ảnh: BTC)

Chương trình truyền hình thực tế đưa người nổi tiếng trải nghiệm đời nông dân thôn quê hay trải nghiệm thực tế khắc nghiệt không phải là mô hình mới ở Việt Nam. Trước “Gia đình Haha”, “Sao nhập ngũ”, đã từng có những chương trình như “Lục lạc vàng - Kết nối những miền quê”, “Vượt lên chính mình” hay phiên bản Việt hóa của “2 Days 1 Night” (Hàn Quốc) - “2 ngày 1 đêm”, “Chơi là chạy - Running man”… đều thu hút sự quan tâm lớn từ khán giả. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm gần đây, mô hình này mới thực sự bùng nổ, trở thành xu hướng và đặc biệt chinh phục được những khán giả trẻ tuổi.

Cầu nối “người nổi tiếng” - “người thật” trong thời đại “sống ảo”

Các chương trình truyền hình thực tế khai thác đời sống thôn quê, trải nghiệm thường nhật như “Gia đình Haha”, “2 ngày 1 đêm”, “Sao nhập ngũ”... ghi nhận mức tăng trưởng lượt xem ấn tượng, vượt xa mặt bằng chung, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội với hàng triệu lượt tương tác. Không phải ngẫu nhiên mà khán giả ngày càng yêu thích những chương trình đó. Sức hút chương trình không chỉ đến từ tính giải trí, mà còn bởi nhu cầu được nhìn thấy những khoảnh khắc chân thật giữa một đời sống ngày càng “ảo” và hào nhoáng lấn át.

Giữa bối cảnh mạng xã hội tràn ngập hình ảnh qua “filter” với nhà đẹp, xe sang, dáng chuẩn, da mịn… thì hình ảnh các nghệ sĩ nhổ khoai mì, đi cày, hay những trải nghiệm khắc nghiệt trong quân ngũ... bỗng trở thành một kiểu giải trí mang ý nghĩa chữa lành. Những tiếng cười từ chương trình không giễu cợt, không ác ý mà đầy cảm xúc khi người nổi tiếng có những phút lóng ngóng, mệt mỏi, đôi khi vụng về, nhưng kiên trì và chân thành. Những khoảnh khắc đó gợi nhắc, giữa nhịp sống hiện đại, chúng ta tưởng như đã quên mất điều gì đó giản dị, có ý nghĩa kết nối và một nhịp sống chậm hơn.

Gameshow “sao về quê” không đơn thuần là mánh lới quảng cáo, mà còn là tấm gương phản chiếu xã hội, nơi nghệ sĩ được sống thật, khán giả đón nhận cảm xúc thật và hình ảnh những miền quê Việt Nam tươi đẹp tỏa sáng bằng chính sự đời thường, chân phương nhất.

Sức hút từ những gameshow “sao về quê” - 3

Chương trình “2 ngày 1 đêm” quy tụ dàn nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều khán giả yêu thích. (Ảnh: BTC)

Sức hút của các gameshow “sao về quê” là điều không thể phủ nhận, nhưng khán giả cũng dễ nhận thấy một hạn chế ngày càng rõ rệt là sự lạm dụng dàn nghệ sĩ quen thuộc, với những mô-típ, câu chuyện và phong cách lặp lại. Đôi khi, có những cái tên xuất hiện nhan nhản trên nhiều chương trình, khiến khán giả rơi vào trạng thái nhàm chán, thậm chí mỏi mệt.

Thực tế, các nhà sản xuất game show đang chịu áp lực lớn về sáng tạo nội dung, định hình format và tìm kiếm nguồn thu quảng cáo ổn định. Dưới áp lực đó, không ít chương trình chọn cách dễ dãi: Tạo dựng mâu thuẫn, tranh cãi, drama hoặc “bóc phốt”… những chiêu trò làm mỏi mắt người xem, khiến họ không còn cảm thấy đây là giải trí mà chỉ là… “trò mua vui”.

Sự tử tế, sự chân thành trong cách kể chuyện và cách làm nghề là nền tảng để truyền hình thực tế tồn tại lâu bền. Nên nhớ, sự chân thật phải được xây dựng trên nền tảng của sự tôn trọng và tử tế, bởi làng quê không phải sân khấu, người dân không phải diễn viên và khán giả sẽ không chấp nhận cảm xúc được… dàn dựng. Nếu các nhà sản xuất biết cách khai thác, kể chuyện bằng trái tim và có điểm dừng thì gameshow không chỉ là món ăn giải trí nhất thời, mà còn là cầu nối nhân văn, giữa ký ức, văn hóa truyền thống và tương lai.

Chia sẻ

Nguyên Vũ

Tin cùng chuyên mục