Những phụ nữ với tình yêu nguồn cội

Mai Chi
Chia sẻ

Truyền thống yêu nước nồng nàn, trí thông minh, sáng tạo, lòng nhân ái và đức hy sinh cao cả chính là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng. Ngày nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí lao động, công tác nào, cũng đều không khó để bắt gặp được những người phụ nữ luôn phát huy cao giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp đó. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cùng gặp gỡ một số gương mặt phụ nữ tiêu biểu.

Nữ nghệ nhân 70 năm cặm cụi may áo dài truyền thống

Bà Lê Thị Quyến năm nay đã ngoài 80 tuổi. Sinh ra ở làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội  - cái nôi của nghề may áo dài truyền thống nên từ nhỏ, bà Quyến đã được tiếp xúc nhiều với nghề. 12 tuổi, bà Quyến đã bắt đầu theo cha đi khắp các phố phường Hà Nội để đo, may áo dài cho người dân. Trải qua những đổi thay của cuộc sống, nghề may áo dài theo đó cũng có nhiều thăng trầm, nhưng cái “máu nghề” trong bà vẫn được gìn giữ vẹn nguyên, tha thiết.

Trong tiệm may áo dài Vinh Trạch của mình, ở số 23 Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm, hình ảnh bà Quyến vẫn có thể tự xỏ kim và may những đường may thẳng tắp đã trở nên thân quen lắm. Bà Quyến kể, bà là hậu duệ đời thứ 4 của một gia đình có nghề may áo dài truyền thống, cha mẹ bà là những thợ phó có tiếng của làng may Trạch Xá. Bố mẹ bà quan niệm, là con nhà nghề thì cũng phải biết nghề, nên tất cả anh chị em bà Quyến đều được truyền nghề cho. “Các cụ ngày ấy dạy nghiêm lắm. Ban đầu chỉ được phụ những việc lặt vặt như xỏ kim, khâu cúc áo, sau dần mới được cầm tay chỉ việc cách may, cách đo... cho đến khi thạo rồi thì tự làm mọi thứ. Bao nhiêu năm mải miết làm, cái nghề nó ngấm vào mình lúc nào không hay. Nghề này cần nhất là sự kiên trì, tỉ mẩn. Bây giờ nhiều người dùng máy may tà áo, còn gia đình tôi vẫn giữ lối khâu tay của các cụ ngày xưa”, bà Quyến chia sẻ”.

Đến năm 16 tuổi, bà kết hôn với nghệ nhân Lê Thành Vinh, cũng là một “bậc thầy” về cắt may các loại áo dài, áo bông, áo kép... truyền thống. Sau thời chiến, bà cùng chồng chuyển đến sinh sống và mở một tiệm may nhỏ ở ngõ Phát Lộc. Có thời gian vì kinh tế khó khăn, bà phải đi làm ở tổ cắt một công ty bông vải sợi ở 63 Hàng Trống. Nhưng sau đó, vì muốn giữ nghề gia truyền, hai vợ chồng bà quyết định chuyển tiệm may ra Lương Văn Can. Cái tên Vinh Trạch sau này ra đời được ghép từ chính tên chồng bà Quyến và làng may Trạch Xá, quê hương bà.

Những phụ nữ với tình yêu nguồn cội - 1

Bà Lê Thị Quyến.

Nữ nghệ nhân bày tỏ, để tồn tại được với nghề, sản phẩm của mình phải có “chất” riêng. Chất chứa trong từng tà áo dài là sự cẩn thận và tận tâm của bà Quyến. Với bà, chiếc áo không chỉ là một thứ hàng hóa, nó còn là trách nhiệm với truyền thống một gia đình nhiều đời may áo dài, trách nhiệm với truyền thống một làng nghề có tiếng hàng thế kỷ nay. Vì vậy, hai vợ chồng bà đã trải qua bao khó khăn, bao lần cải cách từ một chiếc chân máy khâu thô sơ, rỉ sét… để gây dựng nên một thương hiệu nhà may “đình đám” khắp phố Lương Văn Can và khắp cả Hà Nội.

Gần 70 năm gắn bó với nghề may áo dài, bà Quyến khẳng định rằng, áo dài như một di sản, đổi thay và gắn bó mật thiết cùng với đời sống người Hà Nội. Tà áo dài ở tiệm may của bà Quyến được làm gần như thủ công bằng tay, không sử dụng máy móc, trừ công đoạn vắt sổ vải. Vì có như thế, theo bà, mới chăm chút được từng đường kim mũi chỉ, tà áo dài làm ra mới được đẹp nhất. “Người thợ phải kỹ lưỡng lắm, từ công đoạn lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến những họa tiết trang trí. Khi đã đo xong, người thợ phải dùng tay cầm kim dọc sao cho không bị lệch hướng để khâu đường tà đều tăm tắp và đường chỉ nhỏ xíu. Gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20cm và được mặc với quần trắng”, bà Quyến nói về cách may áo dài truyền thống.

Ngày nay, văn hóa mặc của khách hàng đã thay đổi nhiều. Thời cuộc là thế, đòi hỏi người thợ may phải học hỏi không ngừng nghỉ. Yêu nghề, bà Quyến cũng chẳng nghỉ ngơi. Bởi thế những chiếc áo liền vai, cao cổ, dài vạt thời xưa đến những chiếc áo dài cách tân thời nay bà đều làm được. Bà tâm niệm, may áo cho người phải may đẹp hơn cho chính bản thân mình. Để mỗi chiếc áo dài đến tay chủ nhân của nó, là chiếc áo đẹp và vừa vặn nhất. Chính nhờ sự nhiệt huyết và trách nhiệm ấy, không chỉ người Việt mà người nước ngoài cũng kính mến người nghệ nhân tài hoa này. Tình yêu với áo dài của bà Quyến tiếp tục được trao truyền cho các con, cháu của bà. Bà vui vì đại gia đình mình đã có đời thứ 5 tiếp nối nghề truyền thống.

Dù đi đâu, vẫn nhớ nguồn cội Việt

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Phương hiện là Phó Giám đốc Mạng lưới Giáo dục (Edunet), Giám đốc Vietnam Education Symposium, thuộc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global), chuyên gia tư vấn, thẩm định và hợp tác các dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Pháp. Sống xa quê hương, nhưng trong gia đình, chị Thụy Phương luôn duy trì các phong tục truyền thống. Hàng năm, chị đều thu xếp trở về Hà Nội, như lời một bài hát “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.

“Căn nhà của chúng tôi tại Pháp luôn ngập tràn không khí Việt Nam”, chị Phương kể. những bức tranh Đông Hồ, những chú chuồn chuồn tre, cá gỗ treo trên tường, một bàn thờ tổ tiên nho nhỏ và ngay ngắn; những bình lọ gốm bày biện trên tủ… Trong nhà lúc nào cũng có ô mai, bánh đậu xanh, kẹo lạc do gia đình và bạn bè chị Phương gửi sang. Bộ ấm trà Minh Long cùng toàn bộ bát đĩa Bát tràng được chủ nhà trực tiếp căm cụi mang sang nhiều lần sau mỗi chuyến về nước thăm gia đình hay đi công tác. Tất cả một cách tự nhiên phản ánh tình yêu và cái chất “Việt” trong chính con người gia chủ. Ngoài ra, vì đặc trưng công việc nghiên cứu về lịch sử, giáo dục Việt Nam nên chị cảm thấy, gần như lúc nào cũng như thể đang ở ngay trên quê hương mình.

Những phụ nữ với tình yêu nguồn cội - 2

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Phương.

TS Nguyễn Thụy Phương gây tiếng vang với bốn đầu sách về giáo dục Việt Nam được giới nghiên cứu đánh giá cao, đáng chú ý là hai cuốn sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” và “Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975” đã vinh dự nhận giải Sách Hay 2022. Càng đi sâu nghiên cứu giáo dục, chị càng khẳng định rằng, việc duy trì tiếng Việt và giúp các con hiểu văn hóa Việt khi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài là việc cần thiết, thực hiện càng sớm càng tốt. Bởi thế, tháng 1/2014, chị Phương đã cùng người bạn thân Nguyễn Quỳnh Mai thành lập nên nhóm sinh hoạt mang tên Cánh Diều tại Pháp, với mong muốn trở thành môi trường thứ hai cùng với gia đình để trẻ được nói tiếng Việt. Sau này, không chỉ dạy trẻ nói tiếng Việt, Cánh Diều còn mở thêm lớp học múa và nhạc do các cô giáo người Việt dạy, rồi tiếp đó là mở thêm các lớp học đàn tranh, học vẽ, học múa (cho cả nam và nữ), từ đó giúp thẩm thấu ngôn ngữ và văn hóa dân tộc một cách tự nhiên nhất.

 “Chúng tôi mong cho các con của mình, sinh trưởng và lớn lên ở nước Pháp nhưng vẫn giữ được nguồn gốc của mình, bắt đầu từ việc gìn giữ tiếng Việt. Các con sẽ là cánh diều, bay cao bay xa, nhưng vẫn có một sợi dây níu các con lại, đó chính là nguồn gốc Việt Nam”, chị Thụy Phương lý giải về cái tên Cánh Diều. Vui nhất là khi đưa các con trở về Việt Nam, tham quan những di tích lịch sử nổi tiếng của Thủ đô và đất nước như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, trải nghiệm văn hóa ở Làng Quan họ Bắc Ninh... chị nhận thấy các con rất hào hứng, say mê với văn hóa-lịch sử quê hương mình.

Trong những chuyến về thăm quê hương, TS Nguyễn Thụy Phương có nhiều hoạt động ý nghĩa, như các buổi tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tận tình cho những người quan tâm đến lĩnh vực mà chị đang thực hiện. Chị Thụy Phương cũng liên tục viết các bài báo, bài viết nghiên cứu, thực hiện các bài phỏng vấn về chủ đề cải cách giáo dục với các cơ quan báo chí của Việt Nam. Gần 20 năm sinh sống và làm việc tại Pháp nhưng bản sắc Tràng An vẫn toát ra từ cô sinh viên tổng hợp năm nào.

Chia sẻ

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Quà 20/10 cho người phụ nữ thân yêu

Quà 20/10 cho người phụ nữ thân yêu

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cánh mày râu có thể thể hiện tình cảm, sự trân trọng của mình dành cho những người phụ nữ thân yêu của mình qua những món quà ý nghĩa.

Hà Nội mãi là biểu tượng của yêu thương và gắn kết

Hà Nội mãi là biểu tượng của yêu thương và gắn kết

Hà Nội, trái tim của cả nước, không chỉ là Thủ đô mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống và tình người sâu sắc. Qua từng giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ Thăng Long dưới triều Lý, Trần cho đến thời kỳ Pháp thuộc và sau này là thời kỳ đổi mới, Hà Nội luôn giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.