70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

PHÚ ĐỖ (thực hiện)
Chia sẻ

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Báo Phụ nữ Thủ đô có dịp trò chuyện cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô về những đổi thay của Hà Nội trong suốt 7 thập kỷ đổi mới và phát triển.

PV: Thưa Giáo sư, là người đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Thủ đô Hà Nội, ông có đánh giá như thế nào về quá trình 70 năm Hà Nội đổi mới và phát triển, nhìn từ góc độ lịch sử?

GS Nguyễn Quang Ngọc: Có thể nói, 70 năm qua là một bước trưởng thành vượt bậc của Thủ đô. Ngày 10/10/1954, chúng ta tiếp quản Thủ đô khi đó còn lạc hậu, đói nghèo, nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế bị tàn phá do chiến tranh.

Trước đó, ngày 19/9/1954 khi mới về đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đại đoàn quân tiên phong (Đại đoàn 308) - lực lượng chủ yếu tiếp quản Thủ đô, rằng: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Câu nói này của Bác ở một nơi linh thiêng như Khu di tích lịch sử Đền Hùng, theo tôi, bởi vì Bác muốn huy động cao độ tất cả mọi nguồn lực, đặc biệt là những nguồn lực về lịch sử, văn hóa. Tôi cho rằng đấy là những luận điểm hết sức cơ bản để phục vụ cho công cuộc tái thiết Thủ đô.

Khi về đến Hà Nội, Bác tiếp tục nhắc nhở Chính phủ và nhân dân Thủ đô, thứ nhất phải giữ cho Thủ đô ổn định, thứ hai là tươi vui và thứ ba là phồn thịnh. Tuy nhiên muốn ổn định Thủ đô thì phải kết hợp giữa xây dựng và bảo vệ, nếu chỉ có chăm lo ổn định mà lại không xây dựng, không phát triển thì có thể nói là Thủ đô sẽ không còn.

Cho nên có thể nói, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội đã có những bước đi hết sức căn bản và thành công. Thành công ở việc cải tạo Thủ đô cũ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như thành công trong việc xây dựng Thủ đô thành một trung tâm, cốt lõi của chế độ xã hội chủ nghĩa trong một cuộc đối đầu lịch sử với đế quốc Mỹ - một đế quốc hàng đầu thế giới.

70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô - 1

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: P.Đ

PV: Như vậy, thưa Giáo sư, nhìn lại lịch sử thì Hà Nội và con người Hà Nội đã thực hiện sứ mệnh mà quốc gia trao cho một Thủ đô đó là tham gia vào hai cuộc kháng chiến, tái thiết và xây dựng. Cho đến nay, Thủ đô Hà Nội có thể nói là đã vươn tầm và có những chỉ số phát triển rất ấn tượng về kinh tế và xã hội. Nhìn lại thì ông có đánh giá như thế nào về tổng thể quá trình 70 năm phát triển của Thủ đô?

GS Nguyễn Quang Ngọc: Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ sứ mệnh là một hậu phương lớn cho cả tiền tuyến lớn - miền Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thành công đặc biệt của Hà Nội trong vai trò này đã được kết tinh toàn bộ vào một trận đánh mà tôi cho rằng chúng ta sẽ đời đời ghi nhớ - trận "Điện Biên Phủ trên không", trận đánh trên bầu trời Hà Nội.

Tôi cho rằng đó là sự kết tinh của tất cả các giá trị lịch sử văn hóa, làm nên kỳ tích. Và sau khi thống nhất đất nước, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức là trở thành Thủ đô của cả nước. Lúc này, Hà Nội tiếp tục đảm nhận sứ mệnh lớn lao hơn khi phải đi tiên phong trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Tôi cho rằng sự nghiệp đổi mới đã thay đổi gần như hoàn toàn diện mạo của Thủ đô. Chúng ta xây dựng, phát triển Thủ đô trên nền tảng di sản. Diện tích của Hà Nội chỉ bằng 1% cả nước mà di sản lại chiếm tới 1/3 cả nước, gấp hơn 30 lần chỉ số trung bình.

Có thể nói, hiện nay chúng ta đang có nguồn lực, lợi thế rất lớn nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức không nhỏ. Hà Nội đã quyết tâm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại trên nền tảng của các di sản. Chúng ta xây dựng một thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo... Theo tôi đánh giá, Hà Nội, đã có rất nhiều chủ trương, đường lối, quyết sách đều dựa trên cơ sở đề cao giá trị lịch sử văn hóa. Và đây chính là hướng phát triển bền vững, toàn diện và thậm chí là phát triển có tính đột phá rất cao của Thủ đô Hà Nội.

70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô - 2

Một góc Hà Nội hôm nay

PV: Thưa Giáo sư, Hà Nội ngày nay đã được thế giới ghi nhận là Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Thành phố vì Hòa bình… Vậy, Hà Nội cần làm gì để duy trì được hình ảnh một Thủ đô văn hiến, hòa bình, đổi mới năng động?

GS Nguyễn Quang Ngọc: Danh hiệu cũng rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải có hướng đi cụ thể, căn cơ, căn bản theo hướng là thành phố sáng tạo, thành phố vì hòa bình. Nếu không, danh hiệu sẽ chỉ là danh hiệu mà thôi!

Khi nói về thành phố vì hòa bình, nhiều người chỉ nhớ đến câu chuyện năm 1999, Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố Vì hoà bình. Nhưng chúng ta cần phải nhớ rõ rằng, Hà Nội được công nhận là bởi cội nguồn lịch sử văn hóa của chúng ta vốn là thành phố vì hoà bình, ưa chuộng hoà bình.

Còn về danh hiệu Thành phố Sáng tạo, đó không phải là danh hiệu mới của UNESCO như nhiều người lầm tưởng. Sáng tạo là điều luôn tồn tại, nhất là đối với những Thủ đô giàu truyền thống lịch sử như Hà Nội. Nếu không có sáng tạo, chúng ta sẽ không thể tồn tại.

Do đó, nếu không có hoà bình hay sự sáng tạo, chúng ta đều không thể phát triển được. Đấy là sự tiếp nối truyền thống và nâng tầm giá trị truyền thống. Chúng ta có thể coi như đây là thời kỳ Đại Phục Hưng, thời kỳ phục hưng vĩ đại trong lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Về phát triển công nghiệp văn hoá, theo tôi, Hà Nội rất nhanh nhạy. Hà Nội là nơi đầu tiên trong cả nước đưa ra Nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa (Nghị quyết 09), biến văn hóa thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Rõ ràng, đó là một chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay.

Công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch có thể nói là một nền công nghiệp không khói. Tất cả đã tạo nên nguồn lực tổng hợp cho sự phát triển của Thủ đô. Đây là một bước tiến lớn trong nhận thức của Thủ đô Hà Nội, nhờ có nhận thức đó mới có được chủ trương của Nghị quyết 09 để từ đó có những cách làm đúng cho phát triển Thủ đô nói chung và công nghiệp văn hoá của Thủ đô nói riêng.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Chia sẻ

PHÚ ĐỖ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Hiếm Thủ đô nào có lịch sử hàng ngàn năm như Hà Nội

Hiếm Thủ đô nào có lịch sử hàng ngàn năm như Hà Nội

TS Ngôn ngữ học người Úc gốc Việt Nguyễn Thế Dương, Giám đốc Viet Academy - Brisbane Australia hiện đang sinh sống tại Australia. Xa quê hương, anh vẫn luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt, đồng thời nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa để cùng bà con kiều bào giữ gìn nguồn cội, văn hóa Việt Nam. Chia sẻ của TS Nguyễn Thế Dương với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ...

Nữ bí thư chi bộ góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh

Nữ bí thư chi bộ góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh

Từng là Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa, khi về hưu lại đảm nhiệm công việc Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 1 phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Thị Minh Hà (68 tuổi) không chỉ được người dân yêu mến vì sự gương mẫu, nhiệt tình, mà còn bởi nét thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ đã gắn bó và cống hiến lâu dài với Thủ đô.

Phát triển bền vững Thủ đô từ công nghiệp văn hóa

Phát triển bền vững Thủ đô từ công nghiệp văn hóa

Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô, để văn hóa trở thành nguồn lực thúc đẩy Thủ đô phát...

Những không gian thơ mộng của Hà Nội

Những không gian thơ mộng của Hà Nội

Đến với Thủ đô Hà Nội, du khách có thể bắt gặp những tuyến phố, con đường đẹp nên thơ, những không gian sáng tạo là điểm “check in” thú vị... Nào hãy cùng khám phá.

Sức sống mới trên quê hương “Ba đảm đang”

Sức sống mới trên quê hương “Ba đảm đang”

Trở lại quê hương “người gái đảm” - huyện Đan Phượng, nơi có một thời, phong trào "Ba đảm đang" in đậm trong tâm trí nhiều người, một biểu tượng minh chứng cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến cứu nước. Tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang ấy, ngày nay phụ nữ huyện Đan Phượng không ngừng cống hiến, góp sức xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu...