Đến với Thủ đô Hà Nội, du khách có thể bắt gặp những tuyến phố, con đường đẹp nên thơ, những không gian sáng tạo là điểm “check in” thú vị... Nào hãy cùng khám phá.
Đầu tiên phải kể tới không gian nghệ thuật “con đường gốm sứ” dọc theo đê sông Hồng kéo dài gần 4km đi qua các tuyến phố trung tâm của Hà Nội như Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Yên Phụ… Những bức tường bao bê tông màu xám, qua sự sáng tạo của các nghệ sỹ đã trở thành không gian nghệ thuật kể lại những câu chuyện lịch sử, những nét đẹp văn hóa của Hà Nội.
Từ công trình này, thời gian gần đây, nhiều không gian công cộng tiếp tục được cải tạo, tôn tạo để làm đẹp thêm cho Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý là dự án phố bích họa Phùng Hưng được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện. Hơn 6 năm qua, tuyến phố nhỏ ở khu phố cổ Hà Nội đã trở thành điểm đến check-in của người dân thành phố, du khách trong và ngoài nước. Phố bích họa Phùng Hưng không dài, chỉ hơn 300m nhưng đủ mãn nhãn và gây thương nhớ cho những người yêu Hà Nội với hình ảnh của Bách hóa tổng hợp, những gánh hàng rong, ông đồ ngồi viết chữ... cùng nhiều hình ảnh sắp đặt khác...
Ảnh minh họa
Ở Hà Nội, nhiều gia đình, nhiều tổ dân phố cũng đã sáng tạo, cải tạo không gian công cộng trên địa bàn trở nên sạch đẹp, nên thơ hơn. Chẳng hạn các công trình biến bãi rác thành vườn hoa, khu vui chơi tại khu dân cư khu ven sông Hồng tại quận Hoàn Kiếm hay tại các khu tập thể cũ ở quận Đống Đa, Ba Đình…
Tại huyện Đông Anh, tuyến đường liên xã đi qua xã Mai Đình cũng là một trong những tuyến đường tạo ấn tượng đẹp cho người dân qua đây. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, trong đó có Hội LHPN và nhân dân đã chỉnh trang làm đẹp đoạn đường với chiều dài hơn 1km bằng 500 bồn trồng cây cảnh, cây hoa làm bằng lốp xe ôtô. Những ngày này, tuyến đường trở nên nhiều sắc màu hơn bởi cùng sắc màu của hoa cây cảnh còn có các tấm băng rôn, cờ đỏ sao vàng tung bay dọc tuyến đường.
Một góc đường Phùng Hưng.
Gần đây tại một số công trình hiện đại mới được đưa vào sử dụng như cầu vượt, ga đường sắt trên cao cũng đã trở thành các không gian nghệ thuật. Điển hình là công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm). Từ những vật liệu tái chế, các hoạ sỹ đã biến cây cầu đi bộ thành những tác phẩm sắp đặt ánh sáng mà đi trong đó, người dân như đang được tham quan thủy cung. Dọc hành lang thành cầu là những hình vẽ tái hiện những người lao động trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” đầu thế kỷ XX của tác giả người Pháp Henri Oger.
Việc khai trương “Cà phê Hỏa xa” ở ga Long Biên, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Hà Nội cũng được xem là dấu ấn của đường sắt đô thị. Trong khu vực ga Hà Nội, không gian check-in với những tấm pano, khu mua đồ lưu niệm, những bức ảnh về lịch sử ngành đường sắt được treo ở tầng 1 và 2 trở thành điểm nhấn thu hút khách khi đến đây.