Phát triển bền vững Thủ đô từ công nghiệp văn hóa

Mai Thư
Chia sẻ

Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô, để văn hóa trở thành nguồn lực thúc đẩy Thủ đô phát triển.

Chung sức lưu giữ văn hóa truyền thống

Thời gian qua, với việc kết nối với mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo đã làm nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách Thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai. Bản sắc đó dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm thông qua ngành công nghiệp văn hóa. Điểm nhấn có thể kể đến đó là bước đột phá trong chuyển đổi công năng di sản công nghiệp của nhiều khu vực nhà máy cũ, khu công nghiệp… thành các trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa nghệ thuật… như: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu… Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng sáng tạo cũng như người dân Thủ đô, du khách có không gian trải nghiệm và thực hành sáng tạo.

Hay như không gian văn hóa Phố sách với nhiều hoạt động về văn hóa đọc, lễ hội, triển lãm... Phố sách Hà Nội đã đón hàng triệu độc giả hàng năm và góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường văn hóa sáng tạo đương đại của Thành phố nói chung và giới trẻ yêu nghệ thuật, văn hóa nói riêng. Bên cạnh đó, thành cổ Sơn Tây, làng cổ Ðường Lâm... đã lưu giữ truyền thống, phát huy thế mạnh, xây dựng thương hiệu và đổi mới các sản phẩm ẩm thực làng quê, từ đó tạo ra các sản phẩm hấp dẫn du khách.

Sự kiện Hà Nội chính thức là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo cho thấy một Thủ đô ngàn năm văn hiến đã khoác lên mình tấm áo mới hiện đại hơn và sáng tạo hơn trên nền tảng lịch sử văn hóa. Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tạo động lực để Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững đã được Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát triển bền vững Thủ đô từ công nghiệp văn hóa - 1

Du khách đón xuân trải nghiệm trong trang phục cung đình tại Hoàng thành Thăng Long.

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thế mạnh của mình, thị xã Sơn Tây lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn là du lịch văn hóa và ẩm thực. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Lê Ðại Thăng, ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây đã tổ chức học tập, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết, góp phần giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thay đổi nhận thức về công nghiệp văn hóa thông qua việc đầu tư bảo tồn, quảng bá các di tích, phát huy các lễ hội lớn, xây dựng thương hiệu ẩm thực…

Tại quận Hoàn Kiếm, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, Hoàn Kiếm đã lựa chọn những lĩnh vực chính để đầu tư phát triển gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ và ẩm thực. Quận đã đầu tư vào tu bổ di tích, cải tạo nâng cấp những không gian văn hóa, phát triển phố ẩm thực, đồng thời xây dựng các giải pháp thu hút đầu tư phát triển một số mục tiêu xa hơn nữa, như: Không gian đi bộ tại phố Tràng Tiền - Nhà hát Lớn, xây dựng bãi sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng…

Tại quận Tây Hồ, xác định là địa bàn có tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa, Quận tập trung nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, quán triệt đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là về những lĩnh vực thế mạnh của Tây Hồ để từ đó triển khai các biện pháp cụ thể phát triển công nghiệp văn hóa.

Có thể thấy, thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là vốn di sản văn hóa đa dạng mà còn có nguồn lực con người to lớn với trên 51,7% dân số trẻ. Là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện; có 2 khu công nghiệp công nghệ cao…, Hà Nội đã và đang trở thành một thành phố năng động, phát triển. Đây là những tiềm năng lớn làm tiền đề quan trọng cho Hà Nội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Phát triển bền vững Thủ đô từ công nghiệp văn hóa - 2

Di sản là thế mạnh để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa.

Tạo động lực cho Thủ đô phát triển

Với việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa, quyết tâm đưa văn hóa trở thành nguồn lực quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra.

Lãnh đạo thành phố cũng tỏ rõ quyết tâm đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hàng trăm Thủ đô các nước, quan hệ thương mại với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ… Với hệ thống hàng nghìn di sản văn hóa rất đặc sắc, đa dạng, hệ thống nhiều làng nghề thủ công truyền thống cùng cộng đồng sáng tạo phong phú với nhiều nhà thiết kế, nghệ sĩ, các không gian sáng tạo… Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Đặc biệt, năm 2019, sau 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Mục tiêu chung được thành phố Hà Nội xác định là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Do đó, Thành phố tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, mỹ thuật... Hà Nội cũng đổi mới hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Hà Nội đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và có nhiều điểm mới so với Đề án về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trước đó, như: Khơi dậy ý chí khát vọng phát triển Thủ đô của nhân dân Hà Nội; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển Thủ đô; phát triển văn hóa, xây dựng nền công nghiệp văn hóa Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững.

Chia sẻ

Mai Thư

Tin cùng chuyên mục

Hiếm Thủ đô nào có lịch sử hàng ngàn năm như Hà Nội

Hiếm Thủ đô nào có lịch sử hàng ngàn năm như Hà Nội

TS Ngôn ngữ học người Úc gốc Việt Nguyễn Thế Dương, Giám đốc Viet Academy - Brisbane Australia hiện đang sinh sống tại Australia. Xa quê hương, anh vẫn luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt, đồng thời nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa để cùng bà con kiều bào giữ gìn nguồn cội, văn hóa Việt Nam. Chia sẻ của TS Nguyễn Thế Dương với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ...

Nữ bí thư chi bộ góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh

Nữ bí thư chi bộ góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh

Từng là Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa, khi về hưu lại đảm nhiệm công việc Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 1 phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Thị Minh Hà (68 tuổi) không chỉ được người dân yêu mến vì sự gương mẫu, nhiệt tình, mà còn bởi nét thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ đã gắn bó và cống hiến lâu dài với Thủ đô.

Những không gian thơ mộng của Hà Nội

Những không gian thơ mộng của Hà Nội

Đến với Thủ đô Hà Nội, du khách có thể bắt gặp những tuyến phố, con đường đẹp nên thơ, những không gian sáng tạo là điểm “check in” thú vị... Nào hãy cùng khám phá.