Trở lại quê hương “người gái đảm” - huyện Đan Phượng, nơi có một thời, phong trào "Ba đảm đang" in đậm trong tâm trí nhiều người, một biểu tượng minh chứng cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến cứu nước. Tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang ấy, ngày nay phụ nữ huyện Đan Phượng không ngừng cống hiến, góp sức xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tự hào truyền thống “Ba đảm đang”
Tiền thân phong trào “Ba đảm đang” chính là phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ Đan Phượng do ba người phụ nữ (bà Lê Thị Nhàn, Nguyễn Thị Quýnh và Bùi Thị Thái, cán bộ chủ chốt của Hội Phụ nữ Đan Phượng) đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Huyện ủy năm 1965.
Năm đó, cả nước sục sôi không khí chiến đấu và lao động sản xuất xây dựng quê hương, tiếp lửa cho chiến trường miền Nam. Trong khí thế phần đa thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, còn phụ nữ ở lại quê hương. Đại diện Ban Chấp hành Hội LHPN huyện Đan Phượng thời kỳ đó đã xin ý kiến lãnh đạo huyện Đan Phượng chỉ đạo về việc phát động một phong trào dành riêng cho phụ nữ và được ủng hộ ngay. Bấy giờ, đồng chí Nguyễn Quý Thưởng, Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện - người nắm “chìa khóa” ngân sách đã chỉ đạo: “Nghèo thì nghèo thật nhưng các cô cứ làm đi, Huyện sẽ lo. Đất nước còn khó khăn, phải tiết kiệm từng hào nhưng khi cần thì hàng trăm cũng phải tiêu!”. Ngay lập tức, các chị Lê Thị Nhàn, Nguyễn Thị Quýnh và Bùi Thị Thái đã hăm hở về xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức phong trào và chính thức nhóm lên ngọn lửa, góp phần thổi bùng một phong trào thi đua lao động rất mạnh mẽ, trải khắp cả nước.
Ban đầu phong trào có tên "Ba đảm nhiệm" mang các nội dung: Phụ nữ đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm việc gia đình khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu.
Hội LHPN xã Hồng Hà ra mắt điểm di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu. Ảnh: HPN
Trong tháng 2/1965, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức ba hội nghị: Hội nghị toàn thể nữ đảng viên của huyện và cơ sở; Hội nghị toàn thể nữ chủ tịch, bí thư, chủ nhiệm hợp tác xã; Hội nghị toàn thể Hội trưởng Hội Phụ nữ và cán bộ nữ các ngành trong huyện. Để cổ vũ cho phong trào “Ba đảm nhiệm” các chị nhanh chóng vận dụng vào hoạt động với những nội dung cụ thể, cách làm đơn giản như: Phong trào nuôi bèo hoa dâu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để ngâm ủ mạ, cải tiến chuồng trại chăn nuôi...
Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào “Ba đảm nhiệm” ở Đan Phượng đã hình thành những phong trào lớn mang dấu ấn riêng của phụ nữ, như: Phong trào nuôi lợn ở Song Môn; nuôi bò ở Địch Thượng; san gò lấp trũng, trồng cây của các xã Hồng Thái, Liên Minh; phong trào “bốn đẹp” xây dựng nếp sống văn hóa mới; “ba không, ba đảm”, “nhuộm màn, dệt xô vì miền Nam”... Các phong trào gây được tiếng vang và lan tỏa rộng khắp các địa phương.
Đến tháng 3/1965, Hội LHPN Việt Nam đã chính thức phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trên toàn miền Bắc. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đổi tên thành phong trào “Ba đảm đang”.
Phong trào “Ba đảm đang” trở thành mốc son trong quá trình hoạt động của Hội LHPN Việt Nam cùng với xuất hiện rất nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu, lập thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước”.
Phụ nữ Đan Phượng ra sức xây dựng quê hương
59 năm phong trào “Ba đảm đang” được khởi nguồn từ Đan Phượng đã đi vào lịch sử, mỗi người dân Đan Phượng vẫn luôn tự hào về những người phụ nữ một thời hăng hái sản xuất, tăng gia, đảm nhận phần việc của chồng, con để chồng con yên tâm chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh, tiếp sức, chi viện cho tiền tuyến, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, phụ nữ Đan Phượng hòa mình vào công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương. Những năm gần đây, Đan Phượng đã có bước phát triển rõ rệt, diện mạo nông thôn mới khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng cao. Huyện Đan Phượng vinh dự là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2015.
Hội LHPN huyện Đan Phượng tặng quà mẹ liệt sĩ nhân ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/2024). Ảnh: Hội LHPN huyện Đan Phượng
Nhằm phát huy, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường của quê hương "Người gái đảm", Đan Phượng đang quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, quê hương giàu đẹp, văn minh, phấn đấu huyện thành quận giai đoạn 2020-2025.
Đặc biệt, phụ nữ huyện Đan Phượng vẫn luôn nỗ lực, không ngừng tạo điểm nhấn và sáng tạo với nhiều mô hình hay như: “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm”, “Tuyến đường nở hoa”, “Con đường bích họa”…
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy cho biết: Phát huy truyền thống quê hương “người gái đảm” - phụ nữ Đan Phượng ngày nay phát huy sự cần cù, chăm chỉ, khéo léo của người phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc và xây dựng quê hương giàu đẹp, dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của thành phố.
Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở Hội trên địa bàn đã đảm nhận trồng và chăm sóc 16 đoạn đường nở hoa, tuyến đê kiểu mẫu, 5 đoạn đường bích họa với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng cùng hàng trăm ngày công lao động. Hội rà soát, xây dựng 168 mô hình vận động phụ nữ rèn luyện sức khỏe như: Dân vũ thể thao, bóng chuyền hơi, bóng đá nữ. Mỗi năm, giúp 80 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, ra khỏi diện cận nghèo, nâng cao mức sống; hàng năm có từ 400-500 lao động được tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm (có 70% lao động nữ).
Các cấp Hội phụ nữ trong huyện tập trung khai thác các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, từ năm 2021 đến hết năm 2023 đã hỗ trợ, giúp đỡ 345 hộ cận nghèo/có hoàn cảnh khó khăn ra khỏi diện cận nghèo/nâng cao mức sống. Các cấp Hội đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Hội LHPN huyện Đan Phượng cũng đã ra mắt 1 mô hình vận động “Phụ nữ ứng xử đẹp, thực hiện nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và 8 mô hình “Di tích lịch sử văn hoá kiểu mẫu”; 2 mô hình “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu” tại thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập và thôn Thống Nhất, xã Song Phượng; 3 mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” tại chợ Phùng (thị trấn Phùng), chợ Mới (xã Thọ Xuân), chợ Gối (xã Tân Hội).
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng Lê Thị Thương cho biết: Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), các cấp Hội LHPN huyện Đan Phượng đã trao hỗ trợ xây 3 nhà “Mái ấm tình thương” cho các hội viên phụ nữ thuộc hộ cận nghèo, tổ chức thi dân vũ, thể dục thể thao... Hội Phụ nữ cơ sở tặng 15 “Nhà rác xanh - văn minh”, hơn 40 ngôi nhà pin, 10 thùng rác để tham gia bảo vệ môi trường; khánh thành 1 công trình “đoạn đường tranh bích họa” trị giá 20 triệu đồng, tặng số hoá wifi các điểm di tích lịch sử văn hoá, ra mắt thôn thông minh kiểu mẫu và tổ chức giao lưu các mô hình CLB dân vũ, thể dục thể thao… thu hút nhiều hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia.
Những kết quả trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng huyện Đan Phượng thành quận có đóng góp tích cực, quan trọng của các cấp Hội, các tầng lớp phụ nữ trong huyện, tiếp tục khẳng định vai trò, khả năng to lớn, ý chí vươn lên, tinh thần sáng tạo, sẵn sàng cống hiến cho quê hương “người gái đảm” của phụ nữ Đan Phượng.