Yêu bao lâu thì cưới?

Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

Có một đôi vợ chồng yêu nhau 10 ngày rồi đám cưới. Giờ thì họ đang sở hữu cuộc hôn nhân 18 năm tuổi. Chứng kiến một tình yêu đẹp, một hôn nhân đẹp ai mà chẳng bị lây lan hạnh phúc…

Thời gian yêu nhau chẳng phải lời cam kết

Có một “truyền thuyết” thế này: Nếu hai người yêu nhau trên 7 năm thì… đừng đám cưới nữa. Vì cưới về là sẽ ly dị. Tôi không biết “truyền thuyết” đó dựa vào đâu để đặt ra cột mốc 7 năm nhưng tôi đã thấy (và các bạn cũng đã thấy), hôn nhân của 2 ngôi sao Brad Pitt với Angielina Jolie. Họ yêu nhau tổng cộng 12 năm rồi tổ chức đám cưới. Và hôn nhân đó đã toang sau đúng 2 năm. Hay người bạn nọ của tôi, yêu nhau 9 năm và đám cưới được 8 tháng thì vỡ vụn. Cô kể: “Hồi yêu chúng tôi hạnh phúc xiết bao nhưng hôn nhân vào rồi thì vỡ mộng. Tưởng 9 năm đã hiểu đến tận tường vậy mà…”.

Hồi yêu. Chúng ta đều lung linh xiết bao trong mắt nhau. Nhưng cưới về, những lung linh trở thành lung… lay. Khi yêu thì đèn chớp tắt ta gọi là đèn nhấp nháy. Khi cưới, đèn chớp tắt thành đèn… hỏng. Khi yêu, ta trân trọng nhau, gìn giữ nhau, sợ làm đối phương đau. Nhưng lấy về, ta quăng quật nhau, bỏ bê nhau.

Yêu bao lâu thì cưới? - 1

Ảnh minh họa

Nên khi nghe câu chuyện 2 người yêu nhau 10 ngày thì đám cưới và sau đó sống với nhau 18 năm thì ai cũng xuýt xoa. Vậy không lẽ đừng yêu lâu quá mà hãy cưới ngay đi, càng sớm càng tốt?

Cũng chẳng phải, trong vô số cuộc ly hôn, nhiều người vợ cũng tấm tức khóc nói rằng: Vì thời gian yêu ngắn quá chưa kịp hiểu rõ về anh ta thì đã cưới nên bây giờ… ôm hận.

Vậy nên mới nói: Yêu bao lâu cũng không đủ để vừa vặn như in một đám cưới là vậy. Thời gian yêu nhau chẳng phải lời cam kết, bảo chứng cho một đám cưới bền vững mai này.

Tôi nghĩ, là bởi khi yêu người ta tương kính như tân, giữ một lòng trọn vẹn cùng nhau hướng về một đám cưới. Khi cả hai cùng một mục tiêu, họ hẳn sẽ biết lùi lại hoặc tiến lên để cùng sóng bước bên nhau. Là bởi khi yêu, họ tự đặt ra cho mình những giới hạn cảm xúc để không phá vỡ đi tình yêu đó. Là bởi khi yêu, họ biết sợ tình yêu này không thể đi đến đích, mà nâng niu nó, mà gìn giữ nó. Chỉ là cưới nhau rồi, nhiều người nghĩ rằng đó đã là đến đích mà quên rằng hôn nhân là cả một hành trình và mới chỉ bắt đầu từ sau đám cưới.

Yêu bao lâu thì cưới? - 2

Ảnh minh họa

ĐÁM CƯỚI LÀ MỘT BẮT ĐẦU

Đám cưới. Hay nói một cách chính xác hơn: Cưới một ai đó. Cần nhất vẫn cứ là cái cách mà chúng ta giữ tình yêu, cách yêu mà chúng ta đã từng xây dựng, vun đắp lên với nhau. Đừng quên! Tình yêu sau một đám cưới là thứ đừng bao giờ quên. Nhưng cuộc sống hôn nhân đôi khi thật khó để giữ được tình yêu. Tôi từng viết thế này trong một cuốn sách nuôi dưỡng hôn nhân của mình: Tình yêu không phải là thứ bất biến. Thế nên giữ hôn nhân bằng tình yêu là giữ một ngọn nến đang cháy mà đi trong gió. Thứ gìn giữ hôn nhân và nuôi dưỡng hôn nhân là tình thương. Là anh thương em. Là em thương anh. Là ta thương nhau. Tình thương bền vững hơn tình yêu.

Hôn nhân vốn là một học trình khác hẳn với thời đang yêu. Thế nên có những "cao thủ tình trường" nhưng bước vào hôn nhân đều... ngã ngựa. Học trình của hôn nhân vốn không đòi hỏi các "chuyên gia lãng mạn". Có thì tốt mà không có thì cũng phải bù vào bằng những thứ khác. Như trách nhiệm với vợ con. Như trân trọng ngôi nhà. Như xây dựng cùng nhau một tương lai. Như thời gian dành cho nhau. Như sự ổn định.... Nhiều "chuyên gia lãng mạn" nhưng vô trách nhiệm với con cái, với vợ mình, với gia đình hai bên đều bị "phế bỏ" không thương tiếc. Nó giống như "đẹp trai sáu múi" hấp dẫn đấy mà chỉ để chiêm ngắm. Trong khi cái gã một múi biết san sẻ với vợ thì luôn tạo ra ánh mắt lấp lánh nơi vợ mình.

Nhiều năm làm chồng một người vợ mạnh mẽ và ngưỡng mộ Angelina Jolie, tôi nhận ra rằng sự đòi hỏi của phụ nữ vốn là không giới hạn. Như vừa muốn chồng mình khoẻ như lực sĩ, lãng mạn như thi sĩ, tận tâm như bác sĩ, khí phách như hiệp sĩ,... Đến mức nhiều ông than rằng chỉ có các kịch sĩ mới có thể cùng lúc sắm nhiều vai như thế. Nhưng Brad Pitt đấy, một diễn viên toàn năng có thể nhập vai hoàn hảo nhưng sao cuối cùng vẫn phải ra đi??? Có thể là bởi chữ "sĩ" lớn hơn. Cả hai con người ấy. Nhưng nếu người chồng biết rằng sau những đòi hỏi ấy vốn không phải là để chồng đáp ứng vợ mà chỉ là một vòng tay ôm chặt hơn tối nọ khi hai vợ chồng nằm bên nhau. Chỉ là chiều hôm kia, giá như anh về sớm khi em kêu mệt. Chỉ là trưa hôm nọ, em làm nũng đòi anh đưa đi ăn là bởi em nhớ anh quá... Đàn ông vốn không hiểu điều đó. Mà phụ nữ lại chẳng muốn nói hết ra lòng mình.

Yêu bao lâu thì cưới? - 3

Ảnh minh họa

TƯ DUY GIÀU NGHÈO TRONG HÔN NHÂN

Trong cuốn sách “Bí mật tư duy triệu phú”, T. Harv Eker, tác giả cuốn sách nói về 5 điểm khác biệt quan trọng trong tư duy của người giàu và người nghèo. Tôi xin mạn phép mượn nó để nói về tư duy của những người vợ, người chồng trong việc làm giàu cho hôn nhân.

T. Harv Eker: Người giàu làm việc để trở nên giàu có, người nghèo chỉ suy nghĩ "mình muốn trở nên giàu có"

Lời bình: Nếu chúng ta chỉ nghĩ “Mình muốn có hôn nhân hạnh phúc” mà không hành động hoặc chỉ trông chờ bạn đời mang đến hạnh phúc cho mình thì bao giờ hôn nhân của chúng ta mới trở nên giàu có đây?

T. Harv Eker: Người giàu giỏi quản lý tiền bạc, người nghèo lại giỏi tiêu tiền

Lời bình: Nhiều người chỉ giỏi… tiêu cuộc hôn nhân của mình mà không biết tiết kiệm, tích luỹ. Nên khi hôn nhân hạnh phúc thì phóng tay, lúc hôn nhân gặp bất trắc thì… chẳng còn gì để chi trả. Quản lý hôn nhân của mình chính là tích luỹ hạnh phúc. Cho hôn nhân một quỹ dự phòng bằng việc biết ơn những gì bạn đời đã làm cho ta. Để khi hôn nhân chớp tắt, ta sẽ vì những điều biết ơn ấy mà dung thứ được cho nhau vậy.

T. Harv Eker: Người giàu chọn chi trả dựa theo kết quả, người nghèo chọn chi trả dựa theo thời gian

Lời bình: Nhiều người chỉ nhìn vào thứ họ bỏ ra mà không nhìn vào kết quả cuối cùng họ có được. Nên họ luôn đòi hỏi sự công bằng theo kiểu em đã rửa bát thì anh phải quét nhà, em sinh con cho anh thì anh phải nuôi mẹ con em. Hôn nhân chỉ trở nên giàu có khi chúng ta nhìn vào kết quả là vậy. Là cuối cùng chúng ta hạnh phúc chứ không phải em hay anh đã làm gì để hôn nhân này hạnh phúc.

T. Harv Eker: Người giàu tìm cách có cả hai, người nghèo lại đau đầu lựa chọn

Lời bình: Nhiều người chồng nghèo luôn nói: Tôi đi kiếm tiền vất vả lắm rồi, em đừng đòi tôi phải lãng mạn nữa. Đừng được voi đòi tiên. Nên nhiều người vợ luôn nói: Đầu tắt mặt tối suốt ngày con cái cơm nước ai còn đủ tâm trí thời gian mà làm vợ đẹp, các anh đòi hỏi quá rồi!

T. Harv Eker: Người giàu dùng tiền kiếm ra tiền, người nghèo dùng sức kiếm tiền

Lời bình: Cũng vậy, với hôn nhân. Người giàu dùng hạnh phúc để gia tăng hạnh phúc còn người nghèo kiếm hạnh phúc bằng những oán thán chồng con. Giá như chồng tôi cũng nghĩ như anh thì tôi sẽ có hôn nhân hạnh phúc. Phải chi vợ tôi thế này, thế nọ thì tôi đã có một gia đình tử tế. Chúng ta cứ oán trách nhau, muốn đối phương phải thế này thế kia thì ta mới hạnh phúc thì cả đời chúng ta mãi nghèo nàn hạnh phúc thôi.

Chia sẻ

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Tin cùng chuyên mục