Là người nhà thì ta có thể tha hồ ném vào nhau mọi thứ tốt xấu của mình ư?
NGƯỜI NHÀ LÀ PHẢI THẾ…
Đã là người nhà với nhau thì phải yêu cả cái tốt lẫn cái xấu của nhau chứ? Phải cho nhau sống thật là mình chứ? Sao phải diễn…
Một phụ nữ dũng cảm thừa nhận với tôi rằng: “Nhiều khi công việc ở cơ quan áp lực quá, bị đồng nghiệp chơi xấu, vất vả mưu sinh khiến mình về đến nhà là rất hay cáu giận vô cớ với chồng, với con. Biết là sai đấy nhưng không sửa được. Sau mỗi lần như thế lại thấy có lỗi với chồng con quá nên nấu bữa cơm thật ngon để bù đắp. May là ông xã cũng hiểu và thông cảm cho vợ, người nhà với nhau mà, không xả ra chả lẽ lại ôm cục tức trong lòng? Người nhà là người để mình được sống thật với cảm xúc của mình mà”.
Tôi nói dũng cảm là bởi họ nhận ra họ đã sai. Nhiều người phụ nữ lẫn đàn ông khác còn chẳng dám thừa nhận mình sai. Họ mặc định rằng người nhà là phải thế. Nhiều người chồng còn chắc nịch rằng: Về đến nhà là không phải diễn nữa. Nên họ về đến nhà là hiện nguyên hình. Chẳng còn là anh đồng nghiệp ga lăng ở công sở, không còn là một bằng hữu tốt với bạn bè, bỏ nốt cả sự lịch thiệp trước phụ nữ (như thể vợ mình chẳng phải là phụ nữ vậy). Ừ thì về tới nhà là bỏ bộ vest ra, trần xì bụng, xì hơi chả cần nín nhịn thật thoải mái. Ừ thì về tới nhà bận điên lên nhà cửa cơm nước con cái, ai hơi đâu make-up khi đi đổ rác, mình thế nào thì mình cứ thế đi, chồng phải yêu cả lúc mình xấu xí chứ?
Ảnh minh họa
Cơ mà từ từ đã, vậy ai đang được hưởng những thứ tốt đẹp nhất của bạn vậy? Là cô đồng nghiệp xinh đẹp kia ư? Người mà bạn sẵn sàng đi 10km mua ly trà sữa cho cô ấy (trong khi bảo ra đầu ngõ mua băng vệ sinh cho vợ thì nhăn nhó mặt mày). Là anh đồng nghiệp được mê mẩn ngắm nhìn bạn thơm nức mũi, được nghe bạn nói những lời dịu dàng, nhận vô số lời khen từ bạn (trong khi chồng vừa bị bạn quát cho một trận vì làm gì cũng không đến nơi đến chốn). Ừ thì xã giao nó thế, ừ thì đôi khi vì… công việc được trả lương nên ta phải diễn vai này. Chúng ta có hàng tỷ lý do để… mắng vợ, quát chồng nên cũng có hàng tỷ lý do để cư xử tử tế với người ngoài.
Người nhà không lẽ là phải thế? Bởi chẳng người nhà nào được trả lương để cư xử với nhau lấp lánh hơn chăng? Là phải yêu cả điểm tốt lẫn điểm chưa tốt ở mình, cả khi ngọt ngào lẫn khi cau có, giận dữ, quát mắng nhặng xị? Cơ mà sao ta muốn họ phải yêu cái xấu của mình mà ta lại chẳng yêu nổi cái xấu của họ vậy? Ta vẫn tức điên lên với cái xấu của bạn đời mình vậy? Thật lạ lùng!
Bởi, Người nhà mà phải thế thì nhẽ chẳng ai muốn làm Người nhà của ai!
THƯƠNG LẤY NGƯỜI NHÀ
Nếu đã coi nhau là Người nhà thì làm ơn, thương lấy họ đi! Có biết thương mới biết xót nhau mà đừng làm nhau đau, đừng để hai chữ “người nhà” trở thành… “người dưng”.
Có một câu chuyện tôi nghĩ mãi. Về chiếc xe ôtô mới mua của mình. Những ngày đầu tiên mới mang xe về, tôi đem xe đi rửa gần như mỗi tuần. Tôi lái nó rất cẩn thận, phần vì xe mới là xe 7 chỗ, khác với chiếc 5 chỗ cũ tôi quen lái, phần cũng vì nó đang… đẹp quá. Nhưng có một hôm, do lùi xe không chú tâm, tôi làm chiếc xe bị xước 1 vệt dài. Tôi đã lên mạng tìm mua bút phủ sơn xe về để phủ lên vết xước. Tốn cả một khoản kha khá. Nhưng sau vết xước đầu tiên đó là vết xước thứ 2, thứ 3, thứ 4… Tôi bắt đầu mặc kệ những vết xước. Tôi lái ẩu hơn (vì quen xe rồi). Tôi cũng vứt chiếc bút phủ sơn mua mấy triệu ở đâu đó chẳng dùng vì lười ngồi tô tô vẽ vẽ.
Tôi nghĩ mãi về 2 chữ “người nhà” chắc cũng vậy. Ngày chúng ta mới kết hôn, vợ chồng đều rất kiểu “tương kính như tân”. Người vợ dù đi làm về mệt mỏi thế nào vẫn vui vẻ với chồng. Người chồng mới cưới được vợ nên đi đâu cũng nắm tay vợ thật chặt, mặt vênh lên tự hào. Nhưng sao những điều đó chẳng được lâu? Một lần cãi cọ. Một hôm tủi thân. Một phen giận dỗi. Ban đầu chúng ta còn cuống lên y hệt tôi với vết xước xe đầu tiên vậy. Nhưng rồi sao? Chúng ta gọi nó bằng cái chữ mỹ miều: Bao dung cho nhau. Trên thực tế thì là: Thôi thì chấp nhận. Cứ thế, cứ thế, cứ thế giá trị của người này trong mắt người kia giảm dần. Rồi thay vì gọi vợ yêu, chồng yêu ta đổi thành vợ, thành chồng, rớt chữ yêu lúc nào chẳng hay. Nhiều khi còn là “cọp cái ở nhà-chồng hỏng hết chữa”. Và tệ hơn, một ngày ta chỉ coi cái người đang sống cùng ta như một đồ vật lâu ngày trong nhà vậy.
Tôi không biết mọi người nghĩ về 2 chữ “người nhà” thế nào, còn tôi, tôi vẫn nghĩ rằng “người nhà” là “người thương”. Là thương hơn người ngoài. Là xót hơn người ngoài. Là gìn giữ hơn người ngoài. Là sợ làm họ đau lòng hơn người ngoài. Là buồn bực ngoài kia đừng biến người nhà thành cái thớt, đừng coi người nhà là thùng rác, là nơi trút bực dọc. Thay vào đó, sao không dùng nhau như chiếc gối ôm, dùng nhau như nơi ngả đầu, chốn dựa dẫm? Kiểu: “Chồng ơi, hôm nay vợ buồn...”; hay kiểu: “Vợ à, cho anh được rúc đầu vào lòng em một lát”. Hay như tôi vẫn tâm sự với 3 đứa trẻ nhà mình mỗi khi tôi gặp chuyện không vừa ý trong đời. Dù có thể chúng chẳng cho tôi lời khuyên nào cả nhưng chúng biết: “Bố cũng có những phút giây yếu đuối” để rồi thương bố hơn vậy. Ý nghĩa của “người nhà” há chẳng phải vậy ư?
Ảnh minh họa
“Người nhà” là người thương. Là vì chung một chữ “nhà” nên thương nhau cho đầy chữ “ nhà” ấy. Để khi nói với người ngoài thì vẫn là “ông nhà tôi”, là “bà nhà tôi”. Để khi nói với nhau cũng một chữ “nhà” như thế: Nhà mình. Để cả khi có giận nhau đến đâu cũng đừng huỷ hoại hai chữ “người nhà”, mà thương lấy nhau, mà còn biết nẻo về của thiết tha câu: Về nhà thôi!
Ừ, về - nhà - thôi! Mình có người thương đang chờ mình…
VỀ NHÀ THÔI!
Người ta đi lạc vốn là bởi người ta không biết đích đến của mình là đâu. Thế nên nhà phải là đích đến để đừng ai đi lạc nữa! Nhắm mắt mà đi ta cũng trở về được nhà của mình…
Đó là lý do tôi thích mê ba chữ “Về nhà thôi!” đến nỗi đặt tên nó cho công ty của gia đình mình. Là bởi tôi cũng muốn khách hàng của tôi chẳng ai đi lạc, ai cũng sẽ được vợ chồng tôi nhắn nhủ: “Về nhà thôi!” mỗi khi họ nhận… hoá đơn may rèm hay giặt là vậy.
Nhà là nơi buổi sáng ta rời nhà bằng trái tim đã được sạc đầy 100%. Và cuối chiều, nhắm mắt ta cũng về được nhà để sạc lại cho đầy trái tim sau một ngày bị vắt kiệt. Nhà trở thành ổ sạc của đời ta!
Nhà là nơi ta được sống thật với mình, không cần ai trả lương, chẳng phải diễn vai tử tế. Nhưng sống thật là mình có nghĩa là tử tế không cần diễn, không cần ai trả lương. Tử tế với vợ mình bằng một người đàn ông đúng nghĩa đàn ông: Biết tôn trọng, đáng tin cậy và sẵn sàng bảo vệ gia đình bằng sức mạnh đàn ông của mình. Tử tế với chồng mình bằng một người phụ nữ có trái tim phụ nữ. Là từ ái, nhân hậu, biết chăm sóc người. Bằng trái tim rộng lượng của phụ nữ.
Nhà là nơi ta muốn đổ đầy vào nó sự tốt đẹp nhất của mình. Những thứ xấu xí, những điều tiêu cực không phải là ta tự nuốt vào trong, tự chịu đựng mà là ta sẽ dọn dẹp lại nó, sửa chữa lại nó. Mỗi ngày. Để ta trở thành người vợ mà không ông chồng nào muốn để mất. Để ta thành người chồng mà vợ mình không phải thở dài nói câu: Lấy chồng lãi nhất đứa con.
Nhà là nơi ta cùng nhau gieo trồng hạnh phúc vào trong nó, chăm sóc và nuôi dưỡng nó thành bóng mát cho ta biết nẻo về…
Và nếu muốn vậy, hãy nhân danh “người nhà” một cách đúng đắn hơn mà cư xử với nhau vậy!